(HNM) - Ngày 20-1, tại Hà Nội, Việt Nam và Nhật Bản chính thức ký Hiệp định về Hợp tác phát triển và sử dụng năng lượng hạt nhân (NLHN) vì mục đích hòa bình, mở ra cơ hội mới cho ngành khoa học non trẻ ở nước ta.
Hợp tác đa phương
Hiện nay trên thế giới có nhiều công nghệ mới để xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Ở Việt Nam, năng lượng và công nghệ hạt nhân dân sự đã và đang được ứng dụng ở quy mô nhỏ trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, nghiên cứu khoa học. Việt Nam đang bước đầu triển khai chương trình điện hạt nhân (ĐHN) nên rất coi trọng mở rộng hợp tác quốc tế. Trước khi ký với Nhật Bản, sự hợp tác về ứng dụng NLHN dân sự giữa Việt Nam với thế giới đã mở rộng. Nhiều văn bản hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau về ứng dụng năng lượng nguyên tử giữa Việt Nam với Trung Quốc, Mỹ, Nga, Pháp, Hàn Quốc, Ấn Độ, Argentina đã được ký kết.
Năm 2010 có thể coi là năm "được mùa" khi Việt Nam và nhiều đối tác lớn đã ký kết các văn bản quan trọng liên quan đến hợp tác về NLHN. Tháng 3-2010, Thứ trưởng Bộ KHCN Lê Đình Tiến và Đại sứ Mỹ Michael Michalak đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam trong lĩnh vực NLHN. Điều này mở ra cơ hội tăng cường hợp tác trong phát triển nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng cơ sở, an ninh và an toàn, quản lý chất thải phóng xạ, nhiên liệu đã qua sử dụng. Bản ghi nhớ tạo thuận lợi cho hai nước hợp tác trong các hoạt động liên quan tới lò phản ứng năng lượng; thỏa thuận về dịch vụ nhiên liệu, trong đó có việc xác lập một nguồn nhiên liệu hạt nhân đáng tin cậy cho các lò phản ứng hạt nhân dân sự của Việt Nam trong tương lai; cho phép Việt Nam dựa vào các thị trường quốc tế để tìm các dịch vụ nhiên liệu hạt nhân...
Riêng với Nga, hợp tác về năng lượng nguyên tử giữa hai nước đã sang trang khi cuối tháng 10-2010, Việt Nam ký với Nga Hiệp định về xây dựng Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1. Nga được chọn vì là nước sở hữu công nghệ nguồn, với công nghệ lò nước nhẹ vận hành rất an toàn trong khoảng 1 thế kỷ qua. Công nghệ ĐHN của Nga được ghi nhận là an toàn bậc nhất hiện nay. Nhiều đối tác đang đặt mua công nghệ ĐHN của Nga và chính Nga cũng phát triển mạnh mẽ ĐHN công nghệ lò nước nhẹ ở thị trường phát điện nội địa. Ngoài ra, về chất thải hạt nhân, Nga cam kết mang tính lâu dài là giúp Việt Nam quản lý và xử lý chất thải, đồng thời xây dựng cả một chương trình quốc gia về vấn đề này.
Nhật Bản là đối tác xây nhà máy ĐHN số 2
Trong chuyến thăm Việt Nam vào cuối tháng 10-2010 của Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thông báo việc Việt Nam chọn Nhật Bản làm đối tác xây dựng Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 2. Việc ký kết Hiệp định về hợp tác phát triển và sử dụng NLHN vì mục đích hòa bình giữa hai nước là sự cụ thể hóa cho cam kết chiến lược nói trên.
Thứ trưởng Bộ KHCN Lê Đình Tiến cho biết, Nhật Bản thuộc nhóm nước đứng đầu thế giới về nghiên cứu, phát triển, sử dụng NLHN nói chung và ĐHN nói riêng. Nhật Bản có vai trò quan trọng trong các tổ chức hạt nhân khu vực và quốc tế. Trong nhiều năm qua, Nhật Bản đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác hiệu quả, hỗ trợ Việt Nam trên nhiều lĩnh vực liên quan đến nghiên cứu, phát triển, đào tạo và sử dụng NLHN vì mục đích hòa bình, đặc biệt trong việc nghiên cứu chuẩn bị các điều kiện cho Chương trình phát triển ĐHN.
Trong khuôn khổ Hiệp định, Việt Nam - Nhật Bản sẽ triển khai hợp tác trên các lĩnh vực: Nghiên cứu và ứng dụng đồng vị phóng xạ và bức xạ; thiết kế, xây dựng và vận hành các lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ; an toàn và an ninh hạt nhân; lưu giữ, vận chuyển, xử lý và chôn cất chất thải phóng xạ; thăm dò và khai thác nguồn tài nguyên urani... Hiệp định cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức KHCN, các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp liên quan đến NLHN hai nước hợp tác và đầu tư trên các lĩnh vực trong khuôn khổ Hiệp định.
Đại sứ Nhật Bản Yasuaki Tanizaki cho rằng, Hiệp định tạo khuôn khổ pháp lý cần thiết và những điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp liên quan đến NLHN của hai nước tiến hành các hoạt động hợp tác và đầu tư trên nhiều lĩnh vực. Một trong những hoạt động quan trọng đó là phía Nhật Bản sẽ cung cấp các chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam.
Những văn bản hợp tác ký với Mỹ, Nga, Nhật Bản và các đối tác trước đó thêm một lần khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là sử dụng NLHN vì mục đích hòa bình, bảo đảm an toàn, an ninh và chống phổ biến vũ khí hạt nhân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.