(HNM) - Hiếm có cái nghề nào trên đời phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, làm quần quật từ tờ mờ sáng đến tối mịt mà thu nhập vỏn vẹn có tháng chỉ mua được 3-4 cân gạo. Muối đã mặn nhưng mồ hôi của những diêm dân đổ xuống cánh đồng còn mặn hơn muối.
Cuối tháng 3 vừa rồi, tin Bộ Công thương xem xét cấp hạn ngạch cho các doanh nghiệp nhập khẩu 53 nghìn tấn muối một lần nữa khiến người làm muối buồn thê thảm. Cho phép nhập khẩu khi lượng muối trong nước đang dư thừa và giá rẻ như "bèo", Bộ Công thương hẳn có cái lý của họ. Chính bản thân diêm dân cũng biết điều ấy nhưng cứ như thế, thử hỏi ai là người thương phận diêm dân?
Sản xuất muối tại Xí nghiệp muối Hòn Khói. |
Vào Nha Trang công tác, chúng tôi được Nghệ sỹ nhiếp ảnh Phạm Ngọc Thành (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa) đưa đi thăm vựa muối Ninh Diêm, huyện Ninh Hòa. Anh bảo: "Từ cánh đồng muối này đã có hàng trăm tác phẩm ảnh nghệ thuật của các tác giả đoạt giải. Nhiều nhiếp ảnh gia nổi tiếng cũng từ đây, duy chỉ có diêm dân với nỗi vất vả, cơ cực thì bao đời nay vẫn thế".
Để mục sở thị, anh Thành gõ cửa phòng lôi chúng tôi đi từ 4h sáng. Vẫn còn ngái ngủ, tôi uể oải trách cứ "Giờ này ra đồng muối đã làm gì có ai mà gặp". Nói thì nói vậy, tôi vẫn nhảy ra khỏi giường, xách ba lô theo anh. Bốn chục cây số từ thành phố Nha Trang về Ninh Diêm trời tối đen như mực, ấy thế mà ngoài cánh đồng muối rộng 320 héc ta đã ì oạp tiếng cào, tiếng nói cười xen lẫn tiếng bước chân dồn dập của các cô gánh muối. Gọi bằng cô, bằng anh cho trẻ chứ thực ra họ đã lên chức ông, chức bà từ lâu rồi. Thế hệ trẻ bây giờ ai còn can đảm đi theo nghề làm muối, cái nghề mà người ta đánh giá khổ nhất nhì trần gian.
Thấy có người lạ đến gần, ông Hàn Minh Chăm (công nhân Xí nghiệp muối xuất khẩu Hòn Khói - Công ty cổ phần muối Khánh Hòa) ngừng tay cào. Vệt sáng đầu tiên lúc bình minh rọi thẳng vào khuôn mặt nhăn nheo, đen cháy của ông khiến tôi hình dung đến một bức tượng đồng hơn là một con người bằng xương bằng thịt. Xoa đôi bàn tay đã nhợt nhạt vì muối mặn ăn mòn, ông Chăm nói mà như xát muối vào lòng: "Cơ cực lắm các chú à. Bất đắc dĩ mới phải làm thôi. Hai bốn năm gắn bó với đồng muối, tôi hiểu thế nào là cuộc sống diêm dân. Làm quần quật từ sớm tinh mơ đến đêm cũng chỉ đủ nuôi mình. Ai cũng nghĩ muối từ nước biển mà ra, nếu đơn giản thế thì người ta đổ xô đi làm muối cả". Nói rồi, ông Chăm kể cho chúng tôi nghe về quy trình làm muối, đúng hơn là cái quy mô làm muối thủ công cũ kỹ, ọp ẹp giống hệt đời sống của các diêm dân.
Nghề làm muối thường bắt đầu từ tháng 3 và kết thúc vào tháng 9 vì giai đoạn này thời tiết khá thuận. Trước khi tiến hành bơm nước biển, các diêm dân phải mất cả tháng trời để vệ sinh ruộng và hồ chứa. Bảy ngày nắng ráo là một chu kỳ để muối "trở mình" kết tinh, nắng càng to thì độ kết tinh càng cao. Cũng bởi sự oái oăm đó nên hễ lúc nào nắng như đổ lửa thì người dân lao ra ruộng để cào, để xúc, nhanh chóng loại bỏ tạp chất trước khi muối đóng thành viên. Với phụ nữ làm muối họ còn mang ủng, bao tay và khăn bông che mặt chứ với cánh đàn ông thì dặt chỉ đầu trần chân đất. Cái công nghệ bảo hộ và kỹ thuật làm muối của họ đơn giản chỉ có mỗi cái cào và đôi quang gánh. Những hôm nhiệt độ ngoài trời lên tới 39 độ C, cánh đồng muối bốc hơi nghi ngút thì các diêm dân vẫn cặm cụi, bì bõm, dầm gót chân trần dưới ruộng để cào muối. Ông Chăm chìa đôi bàn chân đã lỗ chỗ vết thủng, bạc phếch, bạc phơ cho chúng tôi xem cười đùa một cách lạc quan: "Các anh đã biết người ta ướp cá thế nào chưa? Cá chỉ ướp muối một vài ngày là mang đi chế biến còn như chúng tôi thì ướp muối quanh năm, thậm chí từ năm này sang năm khác. Ơn trời, dân làm muối ai cũng rắn rỏi cả. Có lẽ tiếp xúc với muối mặn cả ngày nên người nào người ấy khỏe re, giờ không bị "ươn" nữa rồi. Duy chỉ có cái bệnh thấp khớp và thoái hóa cột sống thì gần như ai cũng "dính" cả.
Ông Trần Minh (thôn Phú Thọ 1, phường Ninh Diêm) giục tôi xắn quần, đi men theo bờ ruộng sang cánh đồng bên, nơi có đội nữ đang gánh muối. Ông bảo: Toàn các bà gánh muối cả đấy, không ai còn trẻ đâu, mặc dù nhiều người trong số họ vẫn còn lẻ bóng. Chưa lập gia đình không phải vì các bà xấu xí đâu nha, mà vì nghiệp muối đó. Tuổi thanh xuân của họ quanh quẩn bên cánh đồng muối, không có thời gian dành cho mình một cuộc hẹn hò, khi quá lứa nhỡ thì, đến lúc về già mới thấm.
Nhìn bóng các cô gánh muối đổ dài trên ruộng, chiếc khăn bông trùm mặt đã ướt sũng mồ hôi, tôi mới thấm nỗi vất vả của những diêm dân đang hằng ngày "bán mặt cho đất, bán lưng cho giời". Tôi hỏi cô Trần Thị Yến hằng ngày gánh bao nhiêu chuyến muối? Cô cười và hỏi lại rất nhẹ nhàng: "Chắc chú lần đầu tiên tiếp xúc với nghề muối phỏng? Tui làm nghề gánh muối đã ngót hai chục năm nay nhưng chưa lần nào đếm được số chuyến muối gánh trong ngày, chỉ biết là gánh từ sáng đến đêm. Quãng đường từ ruộng lên đến bãi tập kết muối chỉ chừng vài trăm mét nhưng cứ gánh qua gánh lại, chắc các chị em cũng đi chừng vài chục cây số mỗi ngày".
Đời muối vất vả, người ta có thể chịu được nhưng thời tiết lắm khi đỏng đảnh, vô tình càng khiến cho diêm dân cơ cực. Nhiều hôm ruộng muối đang trong giai đoạn kết tinh bỗng trời đổ mưa rào. Nước ngập trắng đồng, bao nhiêu công sức của người dân trôi theo cái thứ nước nhờ nhờ giữa mặn và ngọt ra rãnh thoát nước thải. Đâu chỉ đứt ruột vì phải bỏ cả một cánh đồng muối đang vào mùa thu hoạch, muốn sản xuất lại, các diêm dân phải làm vệ sinh ruộng, chờ dăm bữa nửa tháng mới có thể bơm nước vào đồng. Những lúc như thế, họ chỉ biết than và cầu mong ông trời hãy thương lấy những diêm dân nghèo khó.
Thời tiết thì như thế, giá muối trong nước hiện nay theo cách nói của người dân thì lại "rẻ như bèo". Đận nào mưa triền miên, mất mùa liên tục thì giá một cân muối cũng chỉ có 1.200 đồng, lúc được mùa giá muối tụt xuống có khi chỉ còn 800 đồng/cân. Một tấn muối chỉ có 1,2 triệu đồng trong khi để làm ra nó thì không biết bao nhiêu mồ hôi công sức.
Kể từ khi trở thành công nhân của Xí nghiệp muối Hòn Khói, thực hiện chế độ lương theo hình thức khoán sản phẩm, cả ông Chăm, ông Minh, bà Yến đã không ít lần ngậm ngùi nhận mức lương 60 nghìn đồng/tháng. Số tiền này đủ để họ mua được 3 cân gạo hoặc vài mớ rau ngoài chợ. Nhận lương thấp không phải họ lười mà vì thời tiết cứ chợt mưa chợt nắng, không có sản phẩm dĩ nhiên là không có lương. Họ còn gắn bó với nghề thứ nhất do cái nghiệp muối đã vận vào thân, "giờ không làm muối thì biết làm chi nữa". Thứ hai, họ đang là công nhân xí nghiệp muối, được đóng bảo hiểm xã hội, đợi vài ba năm nữa đủ thâm niên công tác, về hưu thì mới tính chuyện bỏ nghề. Thực tế này không chỉ riêng ở vùng muối của Khánh Hòa mà ở hầu khắp các tỉnh, thành trên cả nước.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.