(HNM) - Nữ nhà văn của tiểu thuyết trinh thám - kinh dị Việt Nam sẽ xuất hiện trên văn đàn với một thể loại hoàn toàn mới: Hồi kí. Tập hồi kí
Nhà văn Di Li từng khiến độc giả đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác khi lần lượt trình diện các tác phẩm văn học ở nhiều thể loại khác nhau: trinh thám - kinh dị (Trại hoa đỏ), kinh dị (Chiếc gương đồng), lãng mạn (Tháp Babel trên đỉnh tháp Ánh trăng), truyện ngắn hài hước (Đôi khi tình yêu vẫn hay đi lạc đường), du kí (Đảo thiên đường). Và giờ đây Di Li lại thử sức với thể loại hồi kí
qua tập truyện ngắn "Nhật ký mùa hạ".
Tập hồi kí “Nhật ký mùa hạ”. |
Đúng như tựa sách, "Nhật kí mùa hạ" tập hợp những câu chuyện từ thuở thơ bé tới khi học đại học của Di Li. Đó là những câu chuyện có thực, được chị kể lại với giọng điệu vui tươi, lôi cuốn. Chính cô bé Di Li cá tính là nhân vật xâu chuỗi, đưa người đọc đi qua hết câu chuyện này tới câu chuyện khác. Ngay từ chuyện mở đầu của cuốn sách, độc giả có thể thấy một cô bé đáng ghét mới hơn 1 tuổi mà không chịu xin lỗi mẹ dù mẹ nhắc tới 20 lần, dù mẹ có cho ra ngoài sân bóng và dọa bỏ mặc ở đó.
Sau đó, người đọc lại được dịp phì cười với cô bé chơi đồ hàng bằng cách bắc 3 viên gạch làm ba ông đầu rau và nhóm lửa lá khô nấu chảy nồi cơm nhựa. Cô bé ấy còn không bao giờ ngủ trưa và chịu cảnh cô đơn khi không ai chơi cùng. Ngộ nữa là Di Li bé cực yêu chó nhưng cũng thậm ghét mèo, có một "cuộc tình" hồi học tiểu học. Hay thật ngạc nhiên vì cô bé sẵn sàng cấu véo bất cứ tên con trai "đầu gấu" nào… Những câu chuyện "Nhật ký mùa hạ" đã phác họa nên hình ảnh một cô bé trong trẻo, thẳng thắn, thông minh và bản lĩnh. Nét tính cách ấy khiến ta dễ dàng liên tưởng tới Tottochan nổi tiếng trong tự truyện "Tottochan bên cửa sổ" được bao thế hệ trẻ em thế giới yêu thích.
Những câu chuyện đó không đơn thuần là chuyện riêng của Di Li, ai cũng có thể tìm được một góc tuổi thơ mình trong đó. Có thể là những hành động ngộ nghĩnh như cuộn chiếu thành những ngôi nhà tùm hum, là chuyện vui của tình bạn ô mai, tình yêu thời "bọ xít" hay những chuyện cảm động ở gia đình, trường lớp qua xúc cảm của một cô gái đang lớn với vô vàn sắc màu… Không giống nhiều người khi đã quá thành đạt, nổi tiếng và đi gần hết cuộc đời mới ghi lại hồi kí. 30 tuổi, Di Li đã viết bởi cô sợ những hồi ức sẽ phai nhạt dần và những cảm xúc cũng chai lì đi cùng áp lực của cuộc sống. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh khi đọc "Nhật ký mùa hạ" đã dành những lời tốt đẹp "Đọc cuốn sách của chị, tôi gần như rón rén từng trang, không phải sợ làm đứt những sợi chỉ khâu ở gáy sách, mà sợ chạm đến sợi tơ mà chị dùng để khâu những kỷ niệm ấu thơ vào trí nhớ rồi kể lại bằng giọng văn từ tốn và ngập tràn tiếc nuối". Hồi kí của Di Li cũng được rất nhiều văn nghệ sĩ khác đón nhận. Đã có tới 17 họa sĩ, trong đó có các họa sĩ nổi tiếng vẽ 42 bức tranh minh họa cho "Nhật ký mùa hạ" của Di Li.
Đọc "Nhật ký mùa hạ", độc giả sẽ bị lôi cuốn qua từng trang sách bởi lối kể chuyện cuốn hút kiểu trinh thám, kinh dị mà sâu lắng, trữ tình của chị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.