Đúng 35 năm sau ngày cô gái Hà Nội Đặng Thùy Trâm ngừng viết cuốn nhật ký của đời mình, những trang viết riêng tư ấy đã được công bố rộng rãi. Vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sỹ năm nay (27-7-2005), một cuốn sách về cô đã được NXB Hội Nhà văn cho ra mắt bạn đọc, như là nén nhang thắp cho hương hồn người quá cố - một cô gái “mãi mãi tuổi 27”.
Đặng Thùy Trâm sinh ra trong một gia đình trí thức, bố là bác sĩ, mẹ là giảng viên Trường đại học Dược Hà Nội. Nếu như chiến tranh không xảy ra, hẳn cô cử nhân y khoa ấy đã có một tương lai xán lạn…
Sau khi tốt nghiệp, chị đã xung phong vào chiến trường B. Điều này cũng xuất phát từ một lý do rất riêng, bởi người bạn trai của chị đang chiến đấu trong đó. Nhưng khi hai người được gần nhau thì lại xảy ra những chuyện không mấy suôn sẻ. Tuy vậy, không vì tình riêng mà ảnh hưởng đến việc chung, người con gái ấy vẫn một lòng làm tốt nhiệm vụ của mình. Tháng 3-1967, chị được phân công phụ trách Bệnh viện huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi), cứu chữa, điều trị cho thương - bệnh binh. Đức Phổ là một trong những điểm bị đánh phá ác liệt nhất ở chiến trường Khu V, quân đội Mỹ ngày đêm cày xới vùng đất bán sơn địa này. Cũng như bao người dân Quảng Ngãi thủy chung, bất khuất, người con gái nhỏ bé chỉ huy bệnh xá ấy vẫn kiên trì bám trụ, gắng giành lấy sự sống và niềm tin cho những thương - bệnh binh trong điều kiện hết sức thiếu thốn. ở đó, lằn ranh giữa sự sống và cái chết thật quá mong manh, hằng ngày hằng giờ chị chứng kiến cái chết của những người chị thương yêu, chăm sóc. Những tưởng va đập quá nhiều với những khổ đau, mất mát ấy, tâm hồn chị sẽ dần chai sạn. Nhưng không, Thùy Trâm vẫn chia sẻ tình yêu thương rộng rãi và chân thành với tất cả lòng nhiệt thành của một trái tim của tuổi thanh xuân. Thùy Trâm dành cho các em nuôi Nghĩa, Thuận, Khiêm, Thường… một tình cảm chị em thật đặc biệt. Song, chị cũng thẳng thắn từ chối lời đề nghị xin được làm em nuôi của Đường bởi Thùy thấy tình cảm của mình dành cho Đường chưa thực sự nhiều, chưa thực sự có được một sự thấu hiểu cần thiết. Chị luôn sống thẳng thắn, ngay cả với chính bản thân mình. Làm việc trong điều kiện hết sức thiếu thốn, nhiều khi Thùy Trâm đành bất lực nhìn những người bệnh ra đi. Họ không trách chị, bởi chị đã cứu chữa họ hết lòng, song chị vẫn cảm thấy day dứt khôn nguôi, vẫn nhói đau khi đặt mình vào địa vị những người thân của họ…
Mấy tháng nay, người yêu sách Hà Nội gần như phát sốt với “Mãi mãi tuổi hai mươi” về liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc - một cuốn thuộc số sách bán chạy nhất trong nhiều tuần lễ, riêng lượng sách bán lẻ ở TCty Sách Việt Nam trên phố Tràng Tiền đã tới gần 500 cuốn. Nhưng tôi tin “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” sẽ có sức hấp dẫn riêng. Thùy Trâm không phải là học sinh giỏi văn nhưng chị là một nữ bác sĩ, đã trải qua những tháng ngày tươi đẹp trên giảng đường đại học. Chị đã trực tiếp tham gia những trận chiến ác liệt, những gì chị viết ra có sức lay động đặc biệt. Nói như Thượng sĩ Nguyễn Trung Hiếu - nguyên là thông dịch viên của quân đội Mỹ, thì trong cuốn nhật ký ấy “đã có lửa rồi”. Và cũng chính nhờ ngọn lửa nhiệt thành của tuổi trẻ, sự trong sáng đến thánh thiện mà hai cuốn nhật ký của chị đã không bị quăng vào lửa. Chúng đã “thiêu đốt” trái tim của cả những người ở phía bên kia chiến tuyến.
Frederic Whitehurst (Fred) và Robert Whitehurst (Rob) là hai cựu binh Mỹ có may mắn được đọc nhật ký của Đặng Thùy Trâm. Sau những năm tham chiến tại Việt Nam, họ trở về Mỹ, mang theo cả những tâm sự một thời của người con gái Việt. Rob đã đọc đi đọc lại những dòng nhật ký của chị, đã bị những dòng chữ ấy ám ảnh, để rồi họ làm cho cuốn nhật ký sống tiếp số phận kỳ lạ của nó. Nó đã không bị thiêu cháy thì giờ đây cũng không thể bị lãng quên. Thật khó khăn biết bao khi Rob cố lần tìm địa chỉ người thân của Đặng Thùy Trâm. Anh lục tìm tài liệu về Hà Nội – nơi Thùy Trâm sinh ra, về mái trường Chu Văn An – nơi Thùy Trâm học cấp 3, về phố Lò Đúc – nơi Thùy Trâm sống cùng gia đình… Nhưng tin tức về gia đình bác sĩ Đặng Ngọc Khuê vẫn bặt vô âm tín. Những dòng nhật ký của chị vẫn cứ ám ảnh anh. Những câu thơ chị viết làm anh day dứt khôn nguôi. Thế rồi, Rob tìm được địa chỉ của Trung tâm Việt Nam trên mạng. Anh và Fred đã sao cuốn nhật ký ra đĩa CD, mong có ngày một người nào đó biết được tin này. May thay, câu chuyện cổ tích thời hiện đại đã có một kết thúc thật có hậu.
Và Frederic Whitehurst đã viết thư cho mẹ Thùy Trâm với lòng ngưỡng mộ thành thật: “Thưa bà… Con gái bà đã một mình chiến đấu với 120 lính Mỹ để bảo vệ các bạn mình. ở bất cứ đất nước nào trên thế giới, điều đó đều được gọi là anh hùng”. Khi một người một thời là đối thủ nói những lời cảm phục như vậy về người phía bên kia chiến tuyến, hẳn sự thật phải có sức lay động lớn lao. Chỉ riêng điều đó thôi đã khẳng định giá trị của những điều mà cô gái Hà Nội đã làm được.
Nếu như bạn đã có trong tay “Mãi mãi tuổi hai mươi” , ở đó có những dòng văn xúc động lòng người, đọc nó con bạn sẽ thấm thía hơn bài học làm người, sẽ sống có lý tưởng hơn… thì bạn cũng rất nên có “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” - cuốn sách có một số phận kỳ lạ, gây xúc động lòng người không kém.
HNM
... Suýt chết một lần nữa. Sáng nay mấy chiếc HU-1A và một chiếc tàu rọ quần sát dưới hố sâu. Ngồi quan sát mức độ rà kiếm của nó mình thấy hết sức lo. Quả nhiên sau một vòng quần thấp sát ngọn cây, chúng đã phát hiện được một phòng thương binh ở. Tiếng lựu đạn nổ chát tai, lửa lóe sáng rực và khói trùm toàn bộ lên nhà. Mọi người vội chui xuống hầm - Hầm rất cạn nhưng có cách nào khác hơn - Mình thầm nghĩ, chắc lần này khó thoát.(trang 153) … Anh chết rồi, trong túi áo trước ngực anh có một quyển sổ nhỏ trong có nhiều kiểu ảnh của một cô gái với nụ cười duyên dáng trên môi và lá thư kiên quyết sắt son chờ anh. Trước ngực anh còn có chiếc khăn nhỏ thêu dòng chữ “Đợi chờ anh”. Ơi người con gái ở hậu phương kia ơi ! Người cô yêu sẽ không bao giờ về nữa, trên vành khăn đau đớn mà cô sẽ phải cài lên mái tóc xanh của cô nặng trĩu đau thương, chất đầy tội ác của kẻ giết người là quân đế quốc Mỹ và có cả niềm ân hận của tôi, một người thầy thuốc đã không cứu sống được anh trong khi còn có thể cứu được! (trang 133-134)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.