Chuyện đó đây

Nhật Bản: Tin giả tiếp tục cản trở công tác giải cứu nạn nhân động đất

Hoàng Linh 09/01/2024 - 07:50

Hãng thông tấn Kyodo ngày 9-1 cho biết, những người đang vật lộn sau trận động đất ngày đầu năm mới ở miền Trung Nhật Bản tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức đến từ thông tin sai lệch trên mạng xã hội, trong bối cảnh các chuyên gia cảnh báo mọi người nên suy nghĩ kỹ trước khi chia sẻ báo cáo từ các nguồn chưa xác thực.

original.jpg

"Tôi đã phải giữ điện thoại thông minh, chìa khóa và tiền trong túi khi ngủ vì có thông tin trên mạng xã hội về những người khả nghi lang thang quanh khu vực thảm họa", một người đàn ông 45 tuổi ở trong một trung tâm sơ tán tại Nanao (tỉnh Ishikawa) lo lắng.

Người đàn ông này cho biết, đã nhận được bức ảnh từ người quen về một chiếc xe tải màu bạc được sử dụng trong các vụ cướp bóc cư dân sơ tán sau trận động đất. Hình ảnh thậm chí cho thấy rõ biển số xe. Anh quyết định tiếp tục thông báo cho những người khác, sau khi biết rằng thông tin đã lan truyền trên internet.

Nhờ sự "sốt sắng" này, cảnh báo về chiếc xe nhanh chóng được phổ biến ở nhiều nơi trú ẩn. Tuy nhiên, chiếc xe tải sau đó được xác nhận thuộc sở hữu của một công ty viễn thông và do các công nhân sửa chữa trạm phát sóng điện thoại di động vận hành.

"Chúng tôi đang làm việc để giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi thảm họa. Việc lan truyền thông tin sai lệch là điều đáng tiếc", công ty này sau đó ra thông báo cho biết.

Mặc dù không rõ ai là người đầu tiên phát đi thông tin, nhưng sự phổ biến nhanh chóng của bức ảnh bùng lên từ một cá nhân đăng tải trên mạng xã hội X (Twitter). Cá nhân này, đến từ bán đảo Noto, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi trận động đất mạnh 7,6 độ richter, sau đó đã biết thông tin là sai sự thật, đã xóa bài đăng và xin lỗi. Nhưng bức ảnh đã được đăng lại hơn một nghìn lần.

"Tôi chỉ muốn giúp đỡ nơi tôi sinh ra và lớn lên. Tôi rất hối hận (về hành động của mình)", người này chia sẻ.

Trong một trường hợp khác, một phụ nữ ở độ tuổi 40 ở Ishikawa là nạn nhân của thông tin sai lệch sau khi địa chỉ nhà của cô được chia sẻ trên X trong một bài đăng yêu cầu giúp đỡ cho "đứa con trai bị mắc kẹt" trong ngôi nhà bị sập.

Người phụ nữ cho biết, đã được cả người quen và cảnh sát liên lạc liên tục, dù ngôi nhà của cô chỉ bị thiệt hại tối thiểu và thực tế cô không hề có con trai. "Không thể tha thứ cho việc can thiệp vào công việc của cảnh sát trong trường hợp khẩn cấp", cô nói.

Thực tế, vấn đề thông tin sai lệch sau trận động đất từng được Thủ tướng Fumio Kishida lưu ý. Nhà lãnh đạo này cũng kêu gọi người dân "kiềm chế nghiêm ngặt", không lan truyền thông tin độc hại, sai lệch.

"Nếu bạn lan truyền thông tin vô căn cứ, nó sẽ gây nhầm lẫn, dù hành vi này đến từ ý thức công lý hay ác ý", Jun Sakamoto, giáo sư chuyên về kiến thức truyền thông tại Đại học Hosei cho biết.

Giáo sư Jun Sakamoto cho biết thêm, dù việc loại bỏ hoàn toàn thông tin đáng ngờ là rất khó, nhưng bất kỳ ai cảm thấy những thông tin tiếp nhận được thiếu bằng chứng, điều quan trọng là phải tự vấn: "Cơ sở cho điều này là gì?'"

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhật Bản: Tin giả tiếp tục cản trở công tác giải cứu nạn nhân động đất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.