(HNM) - Sau nhiều tranh cãi, đặc biệt là những phản đối mạnh từ phía người dân, cuối cùng Thượng viện Nhật Bản cũng vừa thông qua Luật tăng thuế tiêu dùng (ngày 10-8) với 188 phiếu thuận và 49 phiếu chống.
Là một phần quan trọng trong gói các dự luật cải cách toàn diện hệ thống an sinh xã hội và thuế do chính quyền của Thủ tướng Yoshihiko Noda đề xuất, việc Thượng viện do đảng đối lập kiểm soát thông qua dự luật quan trọng này - chỉ hơn một tháng sau khi Hạ viện thông qua - là một sự kiện kỳ vọng tạo động lực mới thúc đẩy vực dậy nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới hiện đang gặp khó khăn.
Bước đi của Thượng viện Nhật Bản được đưa ra chưa đầy 24 tiếng sau khi Thủ tướng Y.Noda vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội nhờ nhận được sự ủng hộ từ hai đảng đối lập chính là đảng Dân chủ Tự do (LDP) và đảng Công Minh mới (Komeito). Trong bối cảnh nợ công của đất nước Mặt trời mọc vượt mức 200% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), đạo luật vừa thông qua được Thủ tướng Y.Noda khẳng định như một bước tiến lớn hướng tới một nền tài chính kiện toàn hơn. Không những thế, đạo luật mới - với mức tăng thuế tiêu dùng từ 5% hiện nay lên 8% vào tháng 4-2014 và tăng lên 10% vào tháng 10-2015 - được ví như "chiếc phao cứu sinh" giúp Chính phủ đương nhiệm của Nhật Bản có thể trang trải cho những chi phí an sinh xã hội khổng lồ đang ngày càng phình to. Điều quan trọng hơn, Luật tăng thuế tiêu dùng được thông qua là một thắng lợi bước ngoặt với Thủ tướng Y.Noda trong quá trình thực hiện chính sách khôi phục nền kinh tế đất nước mà ông từng tuyên bố "đặt cược sinh mệnh chính trị" vào đó.
Song để đạo luật được thông qua tại Thượng viện mà đảng Dân chủ (DPJ) cầm quyền không chiếm đa số, Thủ tướng Y.Noda đã chấp nhận một cái giá không hề rẻ khi thỏa hiệp với LDP và Komeito về việc giải tán Hạ viện trước thời hạn. Trước sức ép ngày một lớn từ phía LDP yêu cầu Thủ tướng Y.Noda giải tán Hạ viện để tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn, thỏa hiệp này là bài toán không đơn giản với DPJ cầm quyền. Theo quy định nếu có từ 54 hạ nghị sỹ trở lên từ bỏ DPJ, đảng này sẽ trở thành đảng cầm quyền thiểu số và Chính phủ Nhật Bản khi đó sẽ đứng trước nguy cơ bị bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội. Trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ Chính phủ đang ở mức thấp kỷ lục 22% trong khi tỷ lệ bất bình lên tới 58%, một cuộc tổng tuyển cử sớm theo yêu cầu của LDP và Komeito có thể đồng nghĩa với việc DPJ mất cơ hội cầm quyền. Không chỉ dừng lại ở đó, Thủ tướng Y.Noda còn có thể "thiệt kép" khi phải đối mặt với nguy cơ bị mất ghế chủ tịch DPJ vì một số nghị sỹ trong đảng đang cố tìm ứng cử viên tranh chức chủ tịch trong cuộc bầu cử dự kiến vào ngày 21-9 tới, trước khi diễn ra tổng tuyển cử.
Hiện còn quá sớm để khẳng định liều thuốc bổ "tăng thuế tiêu dùng" có tác dụng thực sự cho sức khỏe nền kinh tế đất nước Mặt trời mọc như mong muốn của Thủ tướng Y.Noda hay không, bởi nó chưa đi vào thực hiện. Khi sức khỏe nội tại của kinh tế trong nước chưa thực sự thoát khỏi "bóng ma" suy thoái do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, quan ngại của người dân xứ Phù tang về thời kỳ "thắt lưng buộc bụng" trong tương lai gần không phải không có cơ sở. Bởi tiền lệ đã xảy ra khi lần cuối cùng Nhật Bản nâng thuế tiêu dùng vào năm 1997 - quyết định đã đẩy cường quốc kinh tế thứ 3 thế giới này vào chuỗi 20 tháng suy thoái sau đó - và kết cục là Thủ tướng Ryutaro Hashimoto khi đó phải từ chức.
Gần đây Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) luôn thúc giục Nhật Bản hành động mạnh hơn nữa để giải quyết nợ nần khi đưa ra dự đoán nợ công nước này sẽ chạm mốc 223% GDP vào năm 2013. Báo cáo mới đây của Bộ Kinh tế, Thương mại và công nghiệp Nhật Bản cũng không mấy lạc quan khi lo ngại về tình hình tài chính bất ổn ở Châu Âu - thị trường nhập khẩu chính của Nhật Bản - và sự tăng giá của đồng yen gây tác động xấu tới sản lượng tại các nhà máy công nghiệp lớn trong nước. Trong tình cảnh khó khăn hiện nay, việc tăng thuế tiêu dùng lên gấp đôi của Thủ tướng Y.Noda tuy được xem là giải pháp để cứu nền kinh tế đất nước Mặt trời mọc nhưng trong đó cũng tiểm ẩn không ít rủi ro.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.