LTS: Tokyo là nơi thể hiện tập trung nhất thành quả và lịch sử giàu có của ngành đường sắt Nhật Bản. Chuyến công tác một tuần tại đất nước Mặt trời mọc đã cho tôi những trải nghiệm với hệ thống đường sắt Tokyo, những khám phá mới mẻ mà lý thú đối với những người chưa từng thử Shinkansen hay đang mong đến ngày có thể đi tàu điện từ Cát Linh lên Nhổn như tôi.
Bài 1: Thế giới ngầm
Hợp túi tiền
Ngày 20-3 hằng năm là ngày lễ Xuân Phân ở Nhật Bản, người lao động được nghỉ. Những người bạn Nhật nói rằng, vì trong tháng 3 không có ngày lễ nào để cho người lao động nghỉ nên người ta nghĩ ra ngày này. Tôi không tin lắm, vì họ thường đi tảo mộ trong lễ Xuân Phân, một hoạt động mang tính truyền thống lâu đời giống người Việt mình trong tiết Thanh minh. Vì là ngày nghỉ nên người dân Tokyo cũng thường đưa gia đình đi ra ngoại thành hoặc đi đâu đó miễn là ra khỏi nơi ồn ào, ngột ngạt của trung tâm. Nhiều đường phố Tokyo vào ngày Xuân Phân giống y như Hà Nội trong ngày mùng một Tết: Rất thưa người và yên vắng.
Đợi tàu tại ga Shibuya. Ảnh: Hiền Lương |
Những tưởng khung cảnh ấy sẽ bị biến mất nhanh chóng vào ngày hôm sau, khi mọi người đi làm trở lại. Nhưng không, nhiều đường phố Tokyo vẫn rất ít xe cộ đi lại. Không có tắc đường, hiếm khi ùn ứ. Thắc mắc này được người đồng hành của tôi là anh Nguyễn Thế Quang, nghiên cứu sinh tiến sĩ của Đại học Truyền thông điện tử Tokyo (UEC Tokyo) giải thích: "Không phải đường vắng do ngày lễ đâu. Đó là vì người ta đi tàu điện ngầm hết cả rồi!".
Tàu điện ngầm chỉ có ở trung tâm Tokyo trong vòng chu vi khoảng 15km. Quản lý hệ thống tàu điện ngầm này chủ yếu là hai "đại gia tư nhân": Tokyo Metro và The Tokyu Group. Hệ thống tàu điện ngầm ở Tokyo có tổng cộng 13 tuyến và 274 nhà ga (trung bình dưới 2 km/ga) kết nối 23 quận. Trong đó, Tokyo Metro (tiền thân là Công ty Quản lý giao thông cao tốc Totei) là "đại gia" không chỉ ở Nhật Bản mà còn được coi là doanh nghiệp tàu điện ngầm có quy mô lớn nhất thế giới quản lý 9/13 tuyến. Hằng ngày, số lượng khách sử dụng tàu điện ngầm bình quân ở Tokyo lên tới hơn 8 triệu người - cao nhất trên thế giới.
Để chứng thực lời mình, anh Quang dẫn tôi đến ga Shibuya - một ga lớn ở phía tây nam Tokyo. Cảm nhận đầu tiên ở Shibuya là nếu không để ý đến bảng hiệu thì dễ nhầm lẫn đây là một khu phố thương mại sầm uất chứ không phải ga tàu. Người ta đổ về đây rầm rập như dòng thác. Theo thống kê, một ngày cao điểm Shibuya có đến 1,3 triệu lượt người ghé qua. Các cửa hàng, cửa hiệu, trung tâm thương mại lấp loáng, đông đúc đã đánh bật hẳn cảm giác yên lặng có phần hơi buồn về Tokyo mà tôi cảm nhận ban đầu. Có thể nói, tàu điện ngầm đã hút phần lớn người Tokyo vào mình, một minh chứng sống động cho tính hiệu quả của phương tiện giao thông công cộng. Nhờ thế, Tokyo vừa hạn chế được phương tiện cá nhân, vừa giải tỏa gánh nặng tắc đường trên mặt đất.
"Ngày trước, khi mà tàu điện ngầm mới phát triển, ở Tokyo chỉ có người nhiều tiền mới dám đi. Nhưng ngày nay, hầu như ai cũng có thể sử dụng" - Anh Quang cho biết. Quang là nghiên cứu sinh nước ngoài nên cũng được mua vé tháng ưu đãi như sinh viên, chi phí đi lại mất khoảng 7.000 yên (1,750 triệu đồng)/tháng. Với vé tháng này, anh có thể đi tất cả các tuyến tàu điện ở Tokyo và muốn đi bao nhiêu tuyến, bao nhiêu lượt cũng được. Tuy nhiên, một công chức bình thường cũng chỉ phải chi thêm khoảng 3.000-4.000 yên/tháng cho việc đi lại trong nội đô. Chi phí này được cho là rẻ đối với người Nhật nếu so với đi lại bằng ô tô riêng hay đi taxi (giá đi xe taxi ở trung tâm Tokyo vào khoảng 500-750 yên/km tương đương với khoảng 125-187 ngàn đồng/km). Nhưng việc người dân Tokyo lựa chọn tàu điện ngầm không chỉ vì như vậy.
Chuỗi giá trị hay sự sống còn của ngành đường sắt
Từ Shibuya, chúng tôi lên một chuyến đến Shinagawa cách xa khoảng 10km. Trước khi tàu đến chừng 3 phút, mọi người bắt đầu xếp hàng trước cửa lên. Đúng phong cách Nhật Bản, không hề có cảnh chen lấn, xô đẩy cho dù dòng người xếp hàng dài. Ở một ga như Shibuya, cứ 1-2 phút lại có một chuyến tàu. Người dân đi tàu chỉ cần đến ga trước 10 phút và đứng trước cửa lên tàu khoảng 2-5 phút là không lo bị lỡ chuyến.
Liên quan đến tính chính xác về giờ giấc giao thông, tôi còn nhớ từng được nghe một giảng viên Trường Đại học Oita (nơi có rất đông du học sinh Việt Nam, tỉnh Oita, đảo Kyushu) nói rằng, từ hàng chục năm trước, Nhật Bản cố công xây dựng hệ thống giao thông cực kỳ hiện đại và chuẩn xác thời gian vì muốn người dân không lấy lý do tắc đường để đi làm muộn. Đây là một phần trong chiến dịch xây dựng nếp sống văn minh của người Nhật mà giờ đã ăn sâu vào tiềm thức, tác động lên hầu hết các lĩnh vực đời sống, thậm chí đã trở thành tính cách nổi tiếng thế giới.
Những điều này được chúng tôi xác thực thêm khi ghé thăm Trung tâm Điều hành của Tập đoàn Tokyo Metro. Với 9 tuyến tàu điện ngầm, một ngày trung bình Tokyo Metro có đến 5.412 chuyến, phục vụ khoảng 6.310.000 lượt hành khách - tương đương với số người đăng ký thường trú tại Hà Nội. Vì vậy, có thể hình dung tầm quan trọng của Trung tâm Điều hành của Tokyo Metro. Trung tâm này chia làm 5 bộ phận quản lý từng mảng liên quan đến hệ thống tàu điện ngầm như thông tin cho hành khách, điều khiển điện, quản lý trạng thái từng chuyến tàu…
Ông Nakazawa, Giám đốc Trung tâm vừa chỉ tay về phía màn hình trong phòng theo dõi chính vừa cho biết: Trên cùng một tuyến đang có 25 tàu đang chạy, nên chỉ cần một tàu gặp sự cố là cả tuyến sẽ phải ngưng trệ. Vì vậy, nhiệm vụ bảo trì, bảo dưỡng phải được đặt lên hàng đầu để hạn chế tối thiểu sự cố gây sai giờ. Ngoài sự chính xác, tính ổn định, tàu điện ngầm còn phải rất an toàn. "Chỉ cần có sự cố, thông tin sẽ tự động báo về trung tâm. Chúng tôi chỉ cần ấn nút là cả tuyến sẽ ngừng hoạt động" - Ông Nakazawa quả quyết.
Không chỉ an toàn, chính xác, theo ông Naoto Kimura, Trưởng ban quốc tế của Tokyo Metro, để thu hút được người dân sử dụng dịch vụ tàu điện ngầm, Tập đoàn phải luôn luôn quan tâm và tìm cách nâng cao sự hài lòng của hành khách và một điều sống còn khác là phát triển kinh doanh, khai thác lợi thế của đường sắt. "Đây là chìa khóa để phát triển đường sắt đô thị" - Ông khẳng định.
Tokyo Metro làm gì để nâng cao sự hài lòng của hành khách? Đó là cả một nghệ thuật dựa trên nền tảng công nghệ và tính cách chu đáo đến mức tinh tế. Họ quan tâm đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người từ trẻ con đến người lớn, từ người bình thường đến những người phải đi xe lăn, từ nhu cầu mua sắm đến đi vệ sinh. Thang bộ và thang máy cuốn được bố trí như có sự tính toán rất kỹ để hành khách từ khi vào ga đến khi lên tàu không bị "căng" vì mỏi chân. Các bảng, tờ rơi hướng dẫn các tuyến tàu đều ghi chú thời gian chính xác bằng đơn vị phút. Toilet trên tàu không chỉ phục vụ người khuyết tật, mà còn có một chiếc bàn gập giúp các bà mẹ thay tã cho con. Còn đối với cửa soát vé, hành khách có thể sử dụng đủ các loại vé như thẻ từ (IC), vé giấy đến vé đưa tay cho nhân viên soát vé. Bên cạnh cửa soát vé là một quầy hướng dẫn giải đáp tất cả những thắc mắc của người sử dụng. Trong khoảng 10 phút chứng kiến ở cửa soát vé tại Shibuya, tôi không mảy may thấy sự kém nhiệt tình hay bực tức của cô nhân viên chừng 35 tuổi.
Còn phát triển kinh doanh, khai thác lợi thế ga tàu tại sao lại là sống còn? Trong doanh thu và lợi nhuận của các công ty đường sắt Nhật Bản có một phần không nhỏ từ các nguồn phi vận tải. Như Tokyo Metro, có đến 15% doanh thu từ các ngành ngoài vận chuyển hành khách, với Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản (JR-East) số này còn lên tới 32%. Các nguồn thu này là kinh doanh khách sạn, cho thuê sàn kinh doanh thương mại, quảng cáo… Nhưng một điểm quan trọng hơn trong mục đích phát triển kinh doanh là vì hành khách sẽ đến ga nhiều hơn nếu cùng với sự tiện lợi về đi lại, họ còn dễ dàng thỏa mãn các nhu cầu mua sắm, ăn uống, vui chơi, giải trí, thậm chí là chữa bệnh cùng nhiều nhu cầu khác. Ga tàu ở Tokyo bao giờ cũng đi liền với cơ man cửa hàng, cửa hiệu, nhà hàng, khách sạn… Những ga lớn thường rất gần các địa điểm du lịch trọng tâm của thành phố. Đây là mô hình phát triển kiểu "chuỗi giá trị" có ý nghĩa sống còn đối với ngành đường sắt Nhật Bản.
Hiện nay, các công ty đường sắt Nhật Bản vẫn không ngừng mở rộng hoạt động kinh doanh phi vận tải, như JR-East đặt mục tiêu tăng doanh thu mặt này lên 40% trong vài năm tới. Trong khi đó, tại ga Shibuya, công việc sửa chữa đang tiến hành để mở rộng không gian cho việc xây dựng thêm một khách sạn, đồng thời kết nối thẳng hai tuyến đường tàu để rút ngắn thời gian chuyển tàu cho hành khách. Nhờ phát triển theo hướng này, ngành đường sắt Nhật Bản luôn đứng đầu thế giới về lợi nhuận. Đó là điều không thể không quan tâm khi bắt tay vào xây dựng đường sắt đô thị tại Thủ đô Hà Nội của chúng ta.
Dù ga tàu điện ngầm sâu hàng chục mét dưới mặt đất, nhưng không gian sống ở đây vẫn bình thường như trên mặt đất. Có lẽ điều đáng tiếc nhất tôi cảm nhận về hệ thống tàu điện ngầm ở Tokyo, đó là việc người ta không thể trồng được hoa anh đào ở nơi đây vì thiếu ánh sáng mặt trời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.