Thế giới

Nhật Bản hướng tới bầu cử sớm: Giai đoạn chuyển tiếp quan trọng

Hoàng Linh 08/09/2024 - 08:08

Nền chính trị Nhật Bản tiếp tục trải qua giai đoạn chuyển đổi quan trọng trong bối cảnh đương kim Thủ tướng Fumio Kishida sẽ không ra tranh cử, đồng nghĩa một người kế nhiệm sẽ sớm xuất hiện. Và, ai là người được lựa chọn cũng sẽ phải ứng phó với loạt thách thức mà đất nước Mặt trời mọc đang phải đối mặt.

thu-tuong-nhat-ban-kishida-fumio-phat-bieu-tai-mot-cuoc-hop-cua-dang-ldp.-anh-japan-forward.jpg
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio phát biểu tại một cuộc họp của đảng LDP. Ảnh: Japan Forward

Sau khi Thủ tướng Fumio Kishida “nổ phát pháo hiệu” khởi đầu cuộc đua vào vị trí lãnh đạo với tuyên bố ngày 14-8 về việc sẽ không tái tranh cử chức Chủ tịch đảng Dân chủ tự do (LDP) sau 3 năm cầm quyền, chính trường Nhật Bản trở nên vô cùng sôi động. Nhà lãnh đạo Nhật Bản ngày 4-9 cũng đã trình Bộ trưởng Nội vụ thông báo giải thể với tư cách là một nhóm chính trị, chủ yếu do vụ bê bối quỹ "đen" liên quan đến các phái trong LDP. Đây là phái thứ hai của LDP tự giải thể sau phái do Chủ tịch Hội đồng chung LDP Hiroshi Moriyama đứng đầu.

Trên cơ sở đó, truyền thông bản địa ngày 7-9 cho biết, LDP cầm quyền dự kiến bầu Chủ tịch mới vào ngày 27-9. Vì lưỡng viện Quốc hội Nhật Bản đều do LDP và đối tác cùng liên minh là đảng Komeito kiểm soát, việc người giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu nội bộ của LDP trở thành Thủ tướng tiếp theo của Nhật Bản chỉ mang tính thủ tục. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý nằm ở chỗ, nếu Thủ tướng tiếp theo quyết định giải tán Hạ viện ngay sau khi đắc cử, thời điểm sớm nhất để tổ chức bầu cử sớm sẽ là ngày 27-10.

Gương mặt mới nhất tuyên bố tranh cử chức Chủ tịch LDP là cựu Bộ trưởng Môi trường Shinjiro Koizumi (43 tuổi). Trong buổi họp báo công bố tại Tokyo, con trai của cựu Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi bày tỏ ý định tiến hành cải cách chính trị và khôi phục niềm tin công chúng vào đảng cầm quyền, đồng thời cải cách thị trường lao động một cách dứt khoát và đưa ra quy định mới nhằm khuyến khích hôn nhân. Về dài hạn, chính trị gia này sẽ nghiên cứu sửa đổi hiến pháp, bao gồm quy định về Lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Nếu trở thành Thủ tướng tiếp theo, ông Koizumi cũng có ý định giải tán Hạ viện, tiến hành tổng tuyển cử sớm nhất, nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của công chúng, tạo thuận lợi thực hiện kế hoạch đề ra.

Quyết định của ông Shinjiro Koizumi được đưa ra ngay sau khi Tổng Thư ký LDP Toshimitsu Motegi (68 tuổi) - người ngày 4-9 đã thông báo sẽ ra ứng cử trong cuộc bầu cử vào ngày 27-9. Ông Toshimitsu Motegi cũng nêu những nét chính về cương lĩnh tranh cử của mình, trong đó nhấn mạnh mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế với những trụ cột chính như: Bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh năng lượng và an ninh lương thực... Chính trị gia từng giữ các chức vụ quan trọng trong Chính phủ Nhật Bản, bao gồm Bộ trưởng Ngoại giao; Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp khẳng định đã có một kế hoạch cụ thể để thực hiện các mục tiêu trên, đồng thời cam kết sẽ duy trì chính sách không tăng thuế, mà thúc đẩy nguồn thu dựa vào tăng trưởng kinh tế.

Ngoài hai tên tuổi lần đầu tiên tranh cử nêu trên, cuộc chạy đua vào chiếc "ghế nóng" trước đó đã có 4 ứng viên nặng ký khác “ghi danh” là: Ông Hayashi Yoshimasa (63 tuổi) - đương kim Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Nội các Nhật Bản; ông Ishiba Shigeru (67 tuổi) - nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản; Bộ trưởng Kỹ thuật số Kono Taro (61 tuổi) và cựu Bộ trưởng An ninh Kinh tế Takayuki Kobayashi (49 tuổi).

Nhiều gương mặt khác từng bày tỏ ý định ứng cử, bao gồm cả Ngoại trưởng Yoko Kamikawa. Tuy nhiên, để đủ điều kiện tranh cử, mỗi ứng cử viên cần ít nhất 20 người tiến cử, trong khi số người có đủ điều kiện để tiến cử người khác trong nội bộ LDP chỉ có 367 người, và 1 cá nhân không có quyền giới thiệu nhiều người. Các chuyên gia của The Japan News cho rằng, thực tế này đồng nghĩa, cánh cửa cơ hội đang nhanh chóng khép lại. Dù vậy, một số ý kiến phân tích cho rằng, số ứng cử viên lúc này đã là khá lớn và sự “đông đúc” chắc chắn sẽ dẫn đến nhiều khó khăn trong chọn lựa sau này.

Vì thế, bối cảnh hiện nay đồng nghĩa LDP cần nhanh chóng xúc tiến các công đoạn cần thiết, sớm mở đường để tạo tiền đề cho một “đầu tàu” đủ năng lực tiếp tục chèo lái đất nước Mặt trời mọc trong giai đoạn kinh tế - chính trị toàn cầu đang có nhiều biến động. Người chiến thắng dĩ nhiên sẽ phải ứng phó với hàng loạt thách thức, từ việc duy trì tăng trưởng cho nền kinh tế đang đối mặt với dân số bị thu hẹp và già hóa nhanh chóng cho tới những vấn đề về an ninh trong khu vực.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhật Bản hướng tới bầu cử sớm: Giai đoạn chuyển tiếp quan trọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.