Số liệu thống kê của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản cho thấy, tại thời điểm ngày 1-9, số người già sống trên 100 tuổi ở Nhật Bản là 86.510 người, tăng hơn 6.060 người so với cùng kỳ năm 2020. Lần đầu tiên số các cụ ông hơn 100 tuổi tại Nhật Bản vượt 10.000 người.
Năm 2021 là năm thứ 51 Nhật Bản ghi nhận kỷ lục về số người già trên 100 tuổi, trong đó, theo giới tính, số cụ bà là 76.450 người (tăng 5.475 người, chiếm 88%). Cụ bà cao tuổi nhất tại Nhật Bản là bà Kane Tanaka, hiện đã 118 tuổi và đang sống tại thành phố Fukushima. Bà cũng được sách kỷ lục thế giới Guniness công nhận là người cao tuổi nhất thế giới hiện nay. Cụ Mikizo Ueda, 110 tuổi, hiện sống ở thành phố Nara là cụ ông cao tuổi nhất Nhật Bản.
Về mặt địa lý, địa phương ghi nhận tỷ lệ người già trên 100 tuổi tính trên 100.000 dân cao nhất là Shimane, với tỷ lệ 134,75, tiếp đến là tỉnh Kochi và Kagoshima, lần lượt là 126,29 và 118,74. Tỉnh có tỷ lệ người già thấp nhất là Saitama, với tỷ lệ 44,42; tiếp đến là tỉnh Aichi và Chiba, với tỷ lệ lần lượt là 44,42 và 49,12. Tỷ lệ trung bình trên cả nước là 68,54.
Nhật Bản là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới và tỷ lệ sinh ở mức thấp nhất. Ước tính, số người già từ 65 tuổi trở lên ở Nhật Bản sẽ chiếm gần 40% tổng dân số vào năm 2060, tăng gần gấp đôi so với mức 23% của năm 2010.
Nếu như trong cuộc khảo sát năm 1963, số người trên 100 tuổi tại Nhật Bản là 153 người, đến năm 1981, con số này lên mức 1.000 người và vượt ngưỡng 10.000 người vào năm 1998. Tuổi thọ trung bình tại cường quốc châu Á này năm 2020 cũng ở mức cao trên thế giới - 87,74 tuổi với nữ và 81,64 tuổi với nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.