(HNM) - Sau hơn 3 năm làm việc tại Phòng Kế toán Công ty cổ phần (CP) Thương mại Cầu Giấy, tháng 8-2009, anh Dương Quốc Hà nộp đơn xin chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn.
Vì sao người lao động khởi kiện?
Đầu năm 2006, anh Dương Quốc Hà được tuyển dụng vào làm việc tại Phòng Kế toán Công ty CP Thương mại Cầu Giấy. Sau 5 tháng thử việc, anh được công nhận là nhân viên chính thức. Công ty yêu cầu góp tiền thỏa thuận thực hiện hợp đồng từ 5-10 triệu đồng làm vốn kinh doanh và có trả lãi hằng tháng nhằm "gắn với trách nhiệm của người lao động (NLĐ) tham gia trong quá trình làm việc, kinh doanh tại công ty". Tháng 6-2006, anh Hà nộp 7 triệu đồng.
Hợp đồng lao động của anh Hà có thời hạn 3 năm. Sau hơn 3 năm làm việc, ngày 27-8-2009, anh Hà nộp đơn xin nghỉ việc trước thời hạn. Sau khi nộp đơn, anh Hà bị mắc bệnh phải đi nằm viện và có giấy tờ xác nhận của bệnh viện nhưng Công ty CP Thương mại Cầu Giấy cho rằng chưa đủ 30 ngày kể từ khi nộp đơn theo luật định, anh Hà đã nghỉ nên công ty không trả khoản trợ cấp thôi việc và tiền góp vốn của anh. Đầu tháng 1-2010, không thể chờ đợi thêm, Dương Quốc Hà chính thức đệ đơn khởi kiện lên TAND quận Cầu Giấy.
Tiền góp vốn kinh doanh vào túi ai?
Để có cái nhìn khách quan và hai chiều về vụ việc này, đầu tháng 4-2010, chúng tôi đã liên lạc nhiều lần với cán bộ phụ trách nhân sự của Công ty CP Thương mại Cầu Giấy nhưng đều bị khất lần hết ngày này sang ngày khác.
Về quan điểm giải quyết vụ việc, Luật sư Phạm Thanh Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Phạm Hoàng, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, anh Dương Quốc Hà có yêu cầu chấm dứt hợp đồng và báo trước 30 ngày đối với hợp đồng xác định thời hạn như vậy là hoàn toàn đúng luật. Vì vậy, doanh nghiệp phải có trách nhiệm thanh toán trợ cấp thôi việc cho anh Hà.
Trình bày với phóng viên Báo Hànộimới, anh Hà cho rằng, theo thông báo của công ty khi anh vào làm việc tại đây, số tiền 7 triệu đồng đóng vào công ty là khoản "thỏa thuận và thực hiện hợp đồng được sử dụng vào vốn kinh doanh và trả lãi hằng tháng theo quy định của công ty". Tuy nhiên, phía công ty đã đưa thêm vào nội dung thông báo rằng: "Nếu vi phạm kỷ luật đến mức sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng thì không được hoàn trả lại tiền, số tiền đó được bổ sung vào vốn kinh doanh của công ty". Trong khi đó, trên phiếu thu, phía công ty lại ghi lý do nộp là "vốn kinh doanh" và hằng năm, anh Hà vẫn được công ty trả lãi từ khoản vốn góp trên.
Tại buổi hòa giải của Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy, đại diện Công ty CP Thương mại Cầu Giấy lại cho rằng, số tiền trên đã được dùng để chi phí đào tạo cho nhân viên trong công ty. Trong khi đó, anh Hà cho biết, trong quá trình làm kế toán, anh không hề được đào tạo nâng cao nghiệp vụ. Hiện tại, công ty có khoảng 400 cán bộ, nhân viên, hầu hết khi vào làm việc tại công ty đều phải đóng khoản "vốn góp" từ 5 đến 10 triệu đồng. Và NLĐ không bao giờ được nhận lại khoản đóng góp trên với những lý do như "đơn phương chấm dứt hợp đồng "hoặc" chi phí cho công tác đào tạo" như lý lẽ của đại diện công ty này tại Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy. Nếu làm một phép tính đơn giản, với mức "góp vốn" thấp nhất, Công ty CP Thương mại Cầu Giấy đang quản lý số vốn khoảng hơn 2 tỷ đồng của hơn 400 cán bộ công nhân cho việc "thỏa thuận hợp đồng". Và với khoản "góp tiền thỏa thuận hợp đồng" này, dù NLĐ gắn bó hoặc không gắn bó với doanh nghiệp thì doanh nghiệp vẫn là người hưởng lợi.
Rõ ràng, với việc huy động vốn bằng cách "góp tiền thỏa thuận hợp đồng" và không hoàn trả cho NLĐ khi chấm dứt hợp đồng, Công ty CP Thương mại Cầu Giấy đang vi phạm Luật Lao động về giao kết hợp đồng. Ngoài ra, với trình tự nghỉ việc theo hồ sơ lưu của anh Hà, Công ty CP Thương mại Cầu Giấy phải có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho anh Dương Quốc Hà trong thời gian làm việc tại doanh nghiệp từ tháng 1-2006 đến tháng 8-2009.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.