(HNM) - Kết quả điều tra của Bệnh viện Mắt TƯ tại 16 tỉnh, thành phố ở đối tượng trên 50 tuổi cho thấy, tỷ lệ mù lòa chung chiếm 3,1%, trong đó khoảng 25.000 người mù do bệnh glôcôm. Đáng lưu ý, có từ 31,7% đến 33,1% bệnh nhân bị glôcôm góc mở, có tiền sử tra corticoid tại mắt kéo dài. Theo các bác sỹ chuyên khoa thì đây chính là hậu quả của việc lạm dụng và tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt trong cộng đồng cần phải báo động.
Một buổi hội chẩn của các y, bác sĩ tại Khoa Glôcôm, Bệnh viện Mắt trung ương. Ảnh: Hữu Oai |
Nguyên nhân gây mù vĩnh viễn
Glôcôm là nguyên nhân thứ hai (sau bệnh đục thể thủy tinh) gây mù lòa cho người ở hầu hết các khu vực trên thế giới. Ước tính sẽ có khoảng 80 triệu người mắc bệnh vào năm 2020, chiếm tỷ lệ 2,86% ở những người hơn 40 tuổi trên toàn cầu, trong đó 11,2 triệu người bị mù do bệnh. Đa số những người mù đang sống tại các nước đang phát triển, đặc biệt là người dân sống ở nông thôn, thiếu các dịch vụ chăm sóc mắt (47% bệnh nhân glôcôm thuộc về châu Á).
Ba dấu hiệu đặc trưng của bệnh glôcôm là nhãn áp tăng cao trên 25mmHg; thị trường thu hẹp và lõm đĩa thị giác. Bệnh Glôcôm nguyên phát có 2 hình thái khác nhau: Glôcôm góc đóng: khởi phát đột ngột, có thể xảy ra sau khi xúc động mạnh, dùng thuốc có tác dụng hủy phó giao cảm hoặc cường giao cảm theo đường toàn thân hoặc tại mắt. Đột nhiên bệnh nhân thấy đau nhức mắt, nhìn thấy mờ nhiều, sợ ánh sáng, chảy nước mắt nhưng không tiết rỉ, mi mắt sưng nề... Glôcôm góc mở: bệnh thể hiện rất thầm lặng, thỉnh thoảng có những cơn đau tức nhẹ ở mắt, nhức trên cung lông mày, nhìn hơi mờ. Rất nhiều trường hợp bệnh nhân không hề thấy nhức mắt, chỉ có dấu hiệu nhìn mờ dần… |
Theo ThS Vũ Anh Tuấn, Phó khoa Glôcôm (BV Mắt TƯ), bệnh này nguy hiểm ở chỗ không có một loại thuốc hay phẫu thuật nào có thể làm phục hồi những tổn thương chức năng và thực thể do glôcôm gây ra. Nếu như ở bệnh đục thể thủy tinh có thể điều trị lấy lại ánh sáng cho bệnh nhân bằng can thiệp phẫu thuật thì bệnh glôcôm là nguyên nhân gây mù vĩnh viễn. Nguyên nhân và cơ chế phát bệnh hiện vẫn chưa được nghiên cứu rõ ràng nên rất khó phòng ngừa. Phát hiện sớm, điều trị kịp thời, theo dõi thường xuyên và khi bị mắc các bệnh về mắt phải theo sự chỉ định điều trị của bác sỹ là những cách để ngừa bệnh. Tuy vậy, có tới 53% bệnh nhân glôcôm qua điều tra không biết hoặc biết lơ mơ về bệnh của mình; 95% người dân được hỏi cho biết, chưa nghe, chưa biết về bệnh này. Do thiếu kiến thức nên đa số người dân vẫn có thói quen sử dụng thuốc tra mắt vô tội vạ, cứ đau mắt là tự ý mua thuốc về điều trị. Thói quen này rất nguy hiểm vì trong nhiều loại thuốc tra mắt có chứa thành phần kháng sinh và corticoid nếu sử dụng không đúng liều lượng chính nó lại là tác nhân gây bệnh.
Không nên tự điều trị
Thống kê của Khoa Glôcôm (BV Mắt TƯ) trong năm 2009, bệnh nhân bị glôcôm góc mở, có tiền sử tra corticoid tại mắt kéo dài chiếm 31,7% đến 33,1%, trong đó số người ở độ tuổi lao động (25-59) chiếm 63,1%. Đây là điều đáng báo động về vấn đề lạm dụng và tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt trong cộng đồng. Corticoid thuộc nhóm steroid là chất kháng viêm rất mạnh, dùng đúng chỉ định sẽ đem lại kết quả rất tốt trong điều trị các bệnh về mắt, nhưng nếu lạm dụng nó hoặc dùng không theo chỉ định của bác sỹ có thể làm tăng nhãn áp, tổn hại thần kinh thị giác, làm nặng thêm các bệnh nấm mắt và nhất là gây đục thủy tinh thể. Cụ thể, với trường hợp bệnh nhân bị viêm loét giác mạc do nấm, nếu nhỏ corticoid sẽ làm bệnh bùng phát nặng thêm, gây biến chứng thủng giác mạc hay trường hợp bệnh nhân sử dụng kéo dài sẽ gây đục thủy tinh thể (cườm khô) và tăng nhãn áp (cườm nước) dẫn đến giảm thị lực, thậm chí mù mắt vĩnh viễn. Điển hình là trường hợp một bé gái 11 tuổi (ở Đông Anh - Hà Nội), vào BV Mắt TƯ khi thị lực giảm gần như mù. Người mẹ đã ân hận kể lại quá trình tự điều trị đỏ mắt, ngứa mắt cho con bằng việc tra thuốc nhỏ mắt có chứa thành phần kháng sinh và corticoid trong một thời gian dài gần 3 năm. Thời gian đầu sử dụng loại thuốc này, mắt bé nhanh chóng hết ngứa và đỏ nhưng càng về sau mắt càng mờ nên người mẹ mới đưa con tới bệnh viện.
Ðể tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra, khi mắt bị đau, đỏ, cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa khám, chẩn đoán chính xác bệnh và dùng đúng thuốc; tuyệt đối không tự ý mua thuốc nhỏ mắt, nhất là loại chứa corticoid. Khi bác sỹ đã kê cho đơn thuốc nhỏ mắt chứa corticoid thì bắt buộc người bệnh phải khám lại, khi ấy bác sĩ sẽ đánh giá lại tình trạng bệnh và có chỉ định tiếp theo. Ngoài ra, mọi người lưu ý không dùng đơn thuốc cũ nhỏ liên tục vì sẽ gây tình trạng lạm dụng thuốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.