Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhận thức đúng, hành xử đúng

Nhóm PV Ban Bạn đọc| 06/04/2019 08:03

(HNM) - Những ngày qua, hiện tượng

Qua vụ việc trên cho thấy, việc định hướng cho giới trẻ có cách hành xử đúng pháp luật, có nhận thức đúng trong sử dụng và tương tác với mạng xã hội là điều rất cần thiết hiện nay. Nhóm phóng viên Báo Hànộimới đã ghi nhận một số ý kiến xung quanh vấn đề này.

Nhà trường và gia đình cần có cách giáo dục, định hướng cụ thể để học sinh biết cân nhắc, hành xử đúng mực khi tham gia mạng xã hội. Ảnh: Sơn Hà


Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội: Tăng cường giáo dục giá trị sống cho học sinh

Thế hệ trẻ, nhất là người trong độ tuổi dậy thì khó nhận biết đúng - sai nên rất dễ bị tác động bởi những yếu tố truyền thông. Gần đây nhất, "Khá Bảnh" với những phát ngôn ngông cuồng, nội dung phản cảm, lời lẽ dung tục, những hành động không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam nhưng lại được giới trẻ tung hô, chào đón như thần tượng.

Đây là vấn đề nhức nhối của xã hội, khiến phụ huynh vô cùng lo lắng. Liệu con em mình có "miễn dịch" với loại thông tin này, hay cũng bị "nhiễm" trước xu hướng trào lưu, tư duy lệch lạc của số đông? Tôi cho đây là biểu hiện của một bộ phận lớp trẻ thiếu cơ bản giá trị sống, dẫn đến nhận thức sai, kéo theo nhân cách, đạo đức bị xuống cấp.

Thực tế, từ trước đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới quan tâm đến giáo dục kỹ năng sống chứ chưa quan tâm nhiều đến giá trị sống. Điển hình vụ nữ sinh bị đánh hội đồng vừa qua ở Hưng Yên hay sự việc "Khá Bảnh" nổi như cồn... cho thấy học sinh thiếu cơ bản giá trị sống, giá trị yêu thương, giá trị tôn trọng và chuẩn mực đạo đức, nhân cách…

Nguyên nhân một phần là việc xây dựng văn hóa trường học lâu nay mang tính hình thức, khẩu hiệu, hô hào chung chung và bệnh thành tích. Để giải quyết tận gốc vấn đề này, theo tôi, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường hơn nữa việc giáo dục giá trị sống cho học sinh các cấp, đặc biệt, phải chú trọng ngay từ cấp tiểu học.

Luật sư Lê Đức Bính, Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hà Nội: Xử nghiêm các hành vi vi phạm để răn đe

Hiện tượng "Khá Bảnh" với 2 triệu lượt người theo dõi trên YouTube chứng tỏ những thứ dị hợm đang len sâu vào đời sống của một bộ phận giới trẻ. Trong khi đó, nhiều tấm gương học sinh, sinh viên giỏi, đi thi quốc tế hay vận động viên thành tích cao lại không được chào đón và quan tâm của nhiều người. Sự trái ngược này rất đáng để nhiều người ngẫm suy.

Để ngăn chặn sự ảnh hưởng của những thông tin "bẩn" trên mạng xã hội đến giới trẻ, cần nhiều giải pháp thực hiện đồng bộ và toàn diện. Trong đó, giáo dục là biện pháp quan trọng để giúp giới trẻ định hình lại nhận thức, nhân cách. Theo tôi, giáo dục cần bám vào bản chất hình mẫu của thanh niên Việt Nam thời kỳ mới: “Tâm trong”, “Trí sáng”, “Hoài bão lớn”. Đồng thời, chú trọng giáo dục pháp luật, giúp giới trẻ hiểu biết lẽ sống, không vi phạm, không làm điều gì xâm hại đến đạo đức xã hội, biết xây dựng lý tưởng sống, cống hiến tài năng cho đất nước. Cùng với đó là việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để răn đe những trường hợp tương tự.

Em Nguyễn Minh Tuấn, sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội: Phải tự nhận thức được những điều xấu - tốt

Là một sinh viên, tôi rất buồn khi thấy các bạn đồng trang lứa tung hô một số nickname trên mạng xã hội và tỏ ra hâm mộ những phát ngôn gây sốc, chửi bậy, khoe xăm trổ, khoe trang sức và nhảy những điệu nhảy gây phản cảm. Sống trong thời đại hiện nay, hầu hết các bạn trẻ đều sử dụng công nghệ thông tin cho công việc và học tập, bản thân tôi hằng ngày vẫn lướt web và thường xuyên "gặp" các hiện tượng trên, nhưng không bao giờ tôi đọc vì hoàn toàn không ủng hộ.

Bản thân tôi và nhiều người trẻ khác kịch liệt phản đối trào lưu cổ vũ cho những thông tin "rác rưởi", đi ngược giá trị đạo đức dân tộc mình. Tôi cho rằng, trong thời đại mạng xã hội ngày càng phát triển, mỗi cá nhân nên tự nâng cao nhận thức để phân biệt được những điều đúng - sai, tốt - xấu và có cách hành xử đúng đạo lý, đúng pháp luật. Đồng thời, vận động, tuyên truyền những người sống quanh mình không nên quan tâm đến thông tin vô bổ, độc hại; có thái độ rõ ràng và bài trừ những hành vi vi phạm pháp luật trên mạng xã hội...

Chị Nguyễn Thị Huyền, phường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng): Nhà trường định hướng để học sinh có hành xử đúng

Tôi đang có con tuổi mới lớn nên vô cùng lo lắng trước những biểu hiện xuống cấp đạo đức, nhận thức lệch lạc trong giới trẻ hiện nay. Thời gian trẻ ở nhà so với thời gian đi học và tìm hiểu thông tin trên mạng xã hội chiếm tới hơn 1/2 quỹ thời gian mỗi ngày nên những mặt trái từ mạng xã hội, thậm chí ngay trong môi trường sư phạm tác động trực tiếp và chi phối tư duy nhận thức của con trẻ, rất khó đo lường.

Mặc dù gia đình tôi cố gắng quan tâm, kiểm soát, uốn nắn... nhưng cũng không bảo đảm con chúng tôi có thực sự ngoan không bởi nguồn gây hại chưa được ngăn chặn từ gốc. Tôi mong rằng nhà trường luôn có cách giáo dục, tác động cũng như định hướng cụ thể để các con biết cân nhắc, hành xử đúng mực trong sử dụng, tương tác với mạng xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhận thức đúng, hành xử đúng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.