(HNM) - Hơn 4 năm thực hiện Chỉ thị 11/CT-TU ngày 3-10-2012 của Thành ủy Hà Nội về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố, tổ chức Đoàn các cấp đã có nhiều cố gắng trong vận động đoàn viên, thanh niên thực hiện cưới văn minh...
"Đám cưới tập thể" và "Đám cưới vàng" được tổ chức tại Công viên Bách Thảo. Ảnh: Vương Đức |
Hướng đến hạnh phúc bền lâu
Không hào nhoáng, rực rỡ, không ồn ào, sôi động như đám cưới ở các nhà hàng, khách sạn lớn, không ăn uống linh đình, không thuốc lá; chỉ có bánh kẹo, hoa quả, trà, nước ngọt và âm nhạc nhẹ nhàng, nhưng đám cưới tập thể theo nếp sống mới được Thành đoàn Hà Nội cùng Quận đoàn Ba Đình tổ chức tại Công viên Bách Thảo cuối tháng 4 vừa qua đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc. 18 cặp cô dâu, chú rể cùng gia đình, bạn bè, họ hàng ai cũng hân hoan, vui vẻ. Vai trò MC với những lời chúc phúc và thủ tục truyền thống dành cho những cặp đôi được cán bộ đoàn đảm nhận càng làm cho cuộc vui hoàn hảo. Đặc biệt, cùng vui với các cặp đôi còn có 18 cặp ông bà đã chung sống với nhau trên 50 năm được tổ chức “Đám cưới vàng”. Đây là dịp để các bạn trẻ học hỏi kinh nghiệm giữ hạnh phúc bền vững, phương pháp nuôi dạy con, sắp xếp cuộc sống gia đình… của thế hệ đi trước.
Vui mừng, xúc động trước lễ cưới đặc biệt của mình cùng các đôi bạn trẻ khác, chiến sĩ bộ đội - chú rể Chu Văn Hiệp sinh năm 1990 cùng cô dâu An Thanh Thảo, sinh năm 1991, học viên lớp nguồn Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong cho biết, được sự quan tâm và giúp đỡ của tổ chức Đoàn, sau khi báo cáo và được gia đình ủng hộ, chúng mình đăng ký và được tổ chức lễ cưới văn minh này. Tham dự cưới văn minh, không những được hưởng không khí ấm áp, hạnh phúc, vui vẻ, các cặp đôi còn được tổ chức lễ hằng thuận tại chùa Sùng Phúc, được nghe giảng về nghĩa vợ chồng, đạo làm con, trách nhiệm của người làm cha, mẹ… theo giáo lý nhà Phật, để cuộc sống vợ chồng luôn hòa thuận, bền vững.
Tham dự đám cưới theo nếp sống mới, “Đám cưới vàng”, mọi người đều khẳng định, đây là mô hình đám cưới tiết kiệm, chống lãng phí, mà vẫn trang trọng, lịch sự, vui vẻ. Qua đây, các cặp đôi thêm hiểu giá trị cốt lõi tốt đẹp nhất của một lễ cưới là hạnh phúc bền lâu, chứ không phải ở sự xa hoa, lãng phí của tiệc cưới.
Nhân rộng nét đẹp trong cưới hỏi
Thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU của Thành ủy Hà Nội về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố, những năm qua, Thành đoàn Hà Nội đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã xây dựng mô hình cưới văn minh, chỉ tổ chức tiệc ngọt, được nhiều địa phương tích cực hưởng ứng. Tiêu biểu như tại huyện Ứng Hòa, năm 2016, Huyện đoàn đã tổ chức đám cưới văn minh cho 9 cặp đôi trẻ, hiện nay đang đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn tiếp tục thực hiện ở cấp xã.
Bí thư Huyện đoàn Bùi Quang Bình cho biết, Huyện đoàn đã ký kết kế hoạch liên tịch với Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện để cùng tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên. Cán bộ đoàn thường xuyên nắm bắt tình hình trong thanh niên địa phương để kịp thời tuyên truyền, vận động các bạn trẻ cùng gia đình ngay từ khi chuẩn bị tổ chức đám cưới. Huyện đoàn tích cực phối hợp cùng các đoàn thể đẩy mạnh xã hội hóa nguồn quỹ để có điều kiện hỗ trợ tổ chức cưới tập thể hay cưới theo nếp sống mới và tặng quà cưới cho các cặp đôi…
Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên thành phố Nguyễn Ngọc Việt cho biết, năm 2017, tiếp tục thực hiện Chỉ thị của Thành ủy Hà Nội, để việc tuyên truyền được sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân đặc biệt là các bạn trẻ, Thành đoàn tổ chức chương trình "Ngày Hạnh phúc", với đám cưới văn minh cho 18 cặp đôi trẻ và “Đám cưới vàng” cho 18 cặp đôi đã chung sống với nhau trên 50 năm. Qua đó xây dựng nét đẹp trong cưới hỏi theo hướng tiết kiệm, trang trọng, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc; loại bỏ những nghi lễ phong kiến lạc hậu. Mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng trong thời gian tới.
Bí thư Quận đoàn Ba Đình Đặng Minh Đức cho rằng, tổ chức đám cưới văn minh kết hợp với “Đám cưới vàng” là mô hình được sự hưởng ứng của nhiều người dân và các bạn trẻ. Tuy nhiên, để nhân rộng, tổ chức Đoàn còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, khi tuyên truyền, nhiều bạn trẻ nhận thức được đây là hình thức tổ chức vừa văn minh, vừa giữ nét đẹp truyền thống; đồng thời tiết kiệm, đỡ gánh nặng cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên, trên thực tế, việc này khó thực hiện trên diện rộng. Các bạn trẻ muốn tổ chức cưới văn minh cũng khó vì không được sự ủng hộ của cha mẹ, họ hàng bởi còn tâm lý, đám cưới là chuyện hệ trọng của cả đời người, phải tổ chức cho bằng bạn bằng bè… Thực tế cho thấy, mô hình cưới văn minh thường được các gia đình còn khó khăn về kinh tế hưởng ứng, với gia đình có điều kiện thì rất khó thuyết phục.
Vì thế, nhiều cán bộ đoàn đề xuất, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền trong đoàn viên thanh niên, cần tăng cường tuyên truyền rộng rãi trong xã hội, coi đây là việc phải làm thì mới mong gạt bỏ được suy nghĩ cổ hủ. Tổ chức Đoàn xác định đây là nhiệm vụ quan trọng nhưng khó thực hiện nên đã đưa tiêu chí tổ chức đám cưới theo nếp sống mới vào đánh giá kết quả thi đua. Các cấp ủy đảng, chính quyền, ngành, đoàn thể cũng nên đưa vào quy chế đánh giá thi đua bởi trong nhiều gia đình, chính phụ huynh mới đóng vai trò quyết định…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.