(HNM) - Sau nhiều năm nghiên cứu, ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội đã áp dụng thành công mô hình trang trại nuôi ruồi lính đen.
Trang trại nuôi ruồi lính đen của ông Nguyễn Văn Chí. |
Ông Nguyễn Văn Chí cho hay, cách đây gần 10 năm, ông được biết ở tỉnh Long An có gia đình ông Phạm Văn Bé nuôi ruồi lính đen từ nguồn chất thải chăn nuôi và phế phẩm nông sản. Đến năm 2017, tình cờ gặp Tiến sĩ côn trùng học Trần Tấn Việt - nguyên Trưởng khoa Nông học, Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh, ông Chí được giới thiệu và bắt đầu nuôi ruồi lính đen lấy ấu trùng làm thức ăn phục vụ chăn nuôi và phân hữu cơ bón cho cây trồng. “Nuôi ruồi lính đen chuồng trại sạch sẽ, an toàn, không bị bốc mùi hôi thối. Chi phí thức ăn giảm đáng kể do ruồi lính đen chỉ phân hủy các chất hữu cơ như phân gia súc, rau quả...”, ông Nguyễn Văn Chí chia sẻ.
Nhận thấy đây là mô hình tốt, giải pháp hữu hiệu khắc phục ô nhiễm môi trường trong nông nghiệp và hiệu quả kinh tế cao, ông Nguyễn Văn Chí đã trình bày ý tưởng xây dựng mô hình thí điểm và được Sở NN&PTNT Hà Nội đặt hàng nghiên cứu đề tài khoa học cấp thành phố về nuôi ruồi lính đen. Để có cơ sở ứng dụng nhanh tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất và nghiên cứu, làm tiền đề tham gia thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm của thành phố, Sở NN&PTNT Hà Nội đã cho phép ông Nguyễn Văn Chí tự đầu tư kinh phí nghiên cứu đề tài khoa học về nuôi ruồi lính đen.
Ruồi lính đen (Hermetia illucens) là côn trùng sẵn có trong tự nhiên, không có vòi nên không chích hút vào hoa quả và không bám vào thức ăn như các loài ruồi khác nên khá an toàn. Để có nguồn con giống, ông Nguyễn Văn Chí đã đặt bẫy ngoài tự nhiên, dụ ruồi lính đen vào đẻ trứng. Sau khi thu được trứng ruồi, ông đưa về ấp, nuôi ấu trùng để phát triển đàn giống. Tại trang trại Sen Trì (xã Bình Yên, huyện Thạch Thất) - nơi đang thử nghiệm nuôi ruồi lính đen, ông Nguyễn Văn Chí thiết kế chuồng nuôi bằng lưới nhỏ, khép kín để ruồi không bay ra ngoài, có giá thể cho ruồi đẻ trứng. Vòng đời ruồi lính đen kéo dài khoảng 40 ngày và chia thành 5 giai đoạn: Ruồi trưởng thành, trứng, ấu trùng, tiền nhộng và nhộng. Khi ấu trùng phát triển thành nhộng, thì đây chính là nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng, rất tốt phục vụ chăn nuôi gia cầm, gia súc, thủy sản... Ruồi lính đen sẽ tự chết sau khi hết vòng đời và được tận dụng làm phân bón hữu cơ.
Hiện nay, trang trại Sen Trì mỗi ngày thu được từ 200 đến 300kg nhộng ruồi lính đen làm thức ăn cho lợn, gà. Lượng phân sau khi dùng nuôi ấu trùng sẽ chuyển thành phân bón hữu cơ phục vụ trồng rau, hoa ngay tại trang trại. Sau gần 2 năm nuôi thử nghiệm, cuối năm 2018, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã nghiệm thu đề tài này. Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, Hà Nội có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn với hơn 1,6 triệu con lợn, gần 30 triệu con gia cầm, lượng phân hằng ngày thải ra môi trường hơn 9.000 tấn, nếu áp dụng tốt mô hình nuôi ruồi lính đen sẽ tạo ra thức ăn dinh dưỡng cho chăn nuôi và giúp xử lý ô nhiễm môi trường. Không chỉ trong chăn nuôi, mô hình này còn giúp xử lý chất thải từ các làng nghề chế biến thực phẩm như bã đậu, bã sắn... nên có nhiều dư địa để phát triển.
Từ kết quả nghiên cứu, ông Nguyễn Văn Chí cho biết, thời gian tới sẽ chuyển giao kỹ thuật nuôi ruồi lính đen cho nông dân Hà Nội để xử lý chất thải trong nông nghiệp; đồng thời tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vào sản xuất để đưa ra sản phẩm nhộng ruồi lính đen chất lượng cao làm thức ăn phục vụ chăn nuôi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.