(HNM) - Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và hiện có hơn 11 triệu người cao tuổi (khoảng 11% dân số).
Người cao tuổi tại Trung tâm Dưỡng lão OriHome (quận Hoàng Mai). |
Nhu cầu tất yếu
Việc đưa mẹ vào Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội) là một quyết định vô cùng khó khăn đối với gia đình chị Nguyễn Thị M. (ở quận Long Biên, Hà Nội). Thế nhưng, do mẹ từng bị đột quỵ, không thể tự đi lại và bản thân chồng chị M. cũng bị bệnh nên đây được xem là giải pháp tối ưu. Đến nay, mẹ chị M. đã đến sống tại trung tâm được khoảng 5 tháng.
Chị M. chia sẻ: “Thuê người giúp việc thì lo họ không có kinh nghiệm, kiến thức chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi. Gửi mẹ vào trung tâm dưỡng lão có những người có kiến thức, kinh nghiệm chăm sóc người cao tuổi, nên tôi rất yên tâm”.
Tương tự, chị Đỗ Hiền T. (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đưa bố vào viện dưỡng lão được khoảng 2 năm nay. Chị T. kể, thời gian đầu, nhiều người trong gia đình và hàng xóm đều phản đối. Thế nhưng, do nhà neo người, để bố ở nhà lủi thủi một mình thì lo chẳng may xảy ra chuyện không hay. “Việc con bỏ tiền đưa bố mẹ vào các trung tâm dưỡng lão để người thân được hưởng dịch vụ chăm sóc tốt, có môi trường sinh hoạt vui vẻ thoải mái, hoàn toàn không có nghĩa là chối bỏ trách nhiệm. Xã hội cần nghĩ thoáng hơn về vấn đề này”, chị T. nói.
Hiện cơ sở 1 của Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng đang nhận chăm sóc khoảng 70 người cao tuổi. Do nhu cầu ngày càng lớn, có thời điểm cung không đủ cầu nên trung tâm đã đưa vào hoạt động thêm cơ sở 2 từ tháng 7-2018. Chị Hoàng Thị Thu Ngân, Phó Giám đốc Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng cho biết, có ba nhóm chính cần đến nhà dưỡng lão. Thứ nhất là những người cao tuổi có con cái định cư ở nước ngoài hoặc đi làm xa... Nhóm thứ hai vẫn sống cùng con cháu nhưng mong muốn tham gia mô hình dưỡng lão để có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với những người cùng độ tuổi.
Nhóm thứ ba là những người già bị bệnh mạn tính, sức khoẻ yếu, không còn minh mẫn nên phải có người hỗ trợ toàn diện. Nhu cầu thực tế lớn nhưng để có một trung tâm dưỡng lão hoạt động hiệu quả là điều không đơn giản. Ngoài kinh phí đầu tư lớn, các trung tâm dưỡng lão cũng gặp khó khăn về nhân lực. Mỗi người già thường mang trong mình ít nhất 1-2 bệnh mạn tính, tính tình khó chiều lại thêm áp lực từ phía gia đình họ nên công việc của điều dưỡng viên rất vất vả. Vì thế, muốn tuyển nhân sự có chuyên môn và tận tâm là việc không dễ…
Bà Lưu Thị Hường, Trưởng ban Chăm sóc người cao tuổi, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, cho rằng, trong xã hội hiện đại, người cao tuổi dễ có cảm giác lạc lõng. Do đó, ngày càng có nhiều người muốn vào sống tại các trung tâm dưỡng lão để nâng cao chất lượng cuộc sống tuổi già. Tuy nhiên, hiện cả nước mới có hơn 400 trung tâm dưỡng lão, trong đó một nửa theo mô hình bảo trợ xã hội, còn lại theo mô hình tư nhân.
Trên địa bàn Hà Nội hiện có 3 trung tâm bảo trợ xã hội. Không chỉ hạn chế về nhân lực (10 người bệnh mới có 1 nhân viên chăm sóc), cơ sở vật chất tại các trung tâm khá nghèo nàn, thiếu dụng cụ tập phục hồi chức năng. Còn đối với mô hình nhà dưỡng lão có thu phí do các tổ chức ngoài công lập xây dựng và vận hành, điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực được bảo đảm đầy đủ. Tuy nhiên, do mức phí ấn định từ 6 đến 9 triệu đồng/tháng tùy từng gói dịch vụ nên không phải ai cũng có điều kiện tiếp cận.
Đa dạng hóa mô hình
Chăm sóc người cao tuổi tại Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng (quận Hà Đông). |
Trong bối cảnh già hóa dân số, theo bà Lưu Thị Hường, chúng ta nên khuyến khích xã hội hóa dịch vụ dưỡng lão; đa dạng hóa mô hình dưỡng lão phù hợp với từng đối tượng người cao tuổi. Thực tế cho thấy, những người cao tuổi có vấn đề về sức khỏe, không tự chăm sóc được bản thân thì cần được đưa đến các trung tâm dưỡng lão tập trung. Những người cao tuổi vẫn còn sức khỏe thì có thể chọn mô hình dưỡng lão dạng bán trú.
Đồng quan điểm trên, ông Tạ Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội cho rằng, cần nghiên cứu phát triển mô hình chăm sóc người cao tuổi theo ngày như nhiều quốc gia đã thực hiện. Với mô hình này, người cao tuổi có nhiều hình thức giải trí phù hợp như chơi cờ, bóng bàn, thể dục dưỡng sinh, tham gia câu lạc bộ thơ… Đến chiều tối, họ lại về với con cháu. Để xây dựng mô hình bán trú, dù là dưới hình thức xã hội hóa thì vẫn cần sự hỗ trợ của Nhà nước. “Mô hình này rất hay, ở chỗ người cao tuổi không bị tách rời khỏi gia đình, đời sống tinh thần thoải mái”, ông Tạ Quang Huy chia sẻ.
Trong khi nguồn ngân sách nhà nước dành cho công tác chăm sóc sức khỏe, đời sống người cao tuổi còn hạn hẹp thì xu hướng xã hội hóa, vận động tư nhân thành lập trung tâm dưỡng lão, tham gia chuỗi dịch vụ chăm sóc người cao tuổi là tất yếu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.