(HNM) - Trong tổng số 1.090 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, Hà Nội chỉ có 300 hợp tác xã chuyên ngành trồng rau, hoa, cây cảnh, chăn nuôi..., nhưng bước đầu đã khẳng định được ưu thế vượt trội so với hợp tác xã nông nghiệp truyền thống. Do đó, nhân rộng mô hình hợp tác xã chuyên ngành là nhu cầu thực tế đang đặt ra. Song, để mô hình này khai thác được thế mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động thì còn nhiều việc phải làm.
Nhiều ưu thế vượt trội
Hợp tác xã Sản xuất và Tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (huyện Đan Phượng) thành lập năm 2019 chỉ với 7 thành viên chuyên sản xuất rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao. Giám đốc hợp tác xã Đặng Thị Cuối cho biết, đơn vị tập trung sản xuất các loại rau giống nhập ngoại như su hào hoa, bắp cải tí hon; các loại rau theo mùa... Hiện hợp tác xã đã xây dựng được thương hiệu “Rau quê hương người gái đảm” với nhiều sản phẩm được tiêu thụ tại các nhà hàng, siêu thị, cửa hàng rau sạch và các bếp ăn tập thể. Giá trị thu nhập mỗi héc ta canh tác rau của hợp tác xã lên tới 6,6 tỷ đồng/năm.
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí so sánh: Các hợp tác xã nông nghiệp truyền thống thường có số lượng thành viên lớn; triển khai nhiều dịch vụ cho xã viên như cung ứng giống, phân bón, làm đất, thu hoạch..., còn hợp tác xã chuyên ngành lại chuyên sâu từng lĩnh vực sản xuất. Hợp tác xã chuyên ngành có quy mô nhỏ, chỉ từ 7 đến 50 thành viên, cùng sản xuất một hay một nhóm sản phẩm, có hợp tác, liên kết tham gia chuỗi giá trị sản phẩm; bộ máy quản lý, đặc biệt là người đứng đầu đều có năng lực, trình độ chuyên môn cao...
Mặt khác, đa số hợp tác xã chuyên ngành đều đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất khá bài bản như: Kho lạnh, nhà lưới, dây chuyền sơ chế, chế biến, cửa hàng giới thiệu sản phẩm... Bên cạnh đó, mô hình này cũng chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)... Do đó, tuy số lượng thành viên không nhiều nhưng quy mô, sản lượng, giá trị sản phẩm của hợp tác xã chuyên ngành khá lớn. Doanh thu trung bình của một hợp tác xã loại này có thể đạt từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng/năm.
Tạo động lực phát triển
Mặc dù hợp tác xã chuyên ngành có ưu thế vượt trội so với hợp tác xã nông nghiệp truyền thống nhưng theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, mô hình này chiếm số lượng chưa nhiều (300/1.090 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động) và cũng còn gặp không ít khó khăn về vốn và quỹ đất.
Ông Tạ Viết Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì (xã Vân Hòa, huyện Ba Vì) cho biết, hợp tác xã có 25 thành viên, mỗi hộ góp vốn 100 triệu đồng hoặc nuôi 5 con bò sữa. Số vốn thành viên góp chưa đủ lớn để đẩy mạnh sản xuất... "Chúng tôi mong muốn được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước để mở rộng sản xuất, kinh doanh; đồng thời mong muốn Nhà nước hỗ trợ đào tạo chuyên sâu về marketing để thực hiện việc truyền thông, quảng cáo và bán hàng chuyên nghiệp hơn..." - ông Hùng chia sẻ.
Còn ông Trịnh Văn Vĩnh, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Hòa Bình (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông) trăn trở: "Hợp tác xã hoạt động hiệu quả nhưng chưa thể phát triển do khó tích tụ ruộng đất. Nhiều hộ nông dân không sản xuất nông nghiệp nhưng cũng không muốn cho hợp tác xã thuê đất. Trong khi đó, đất công ích của xã muốn thuê phải thông qua phương thức đấu giá nên giá cao, không đáp ứng được phương án sản xuất, kinh doanh...".
Để thúc đẩy phát triển hợp tác xã chuyên ngành, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Tuyết Anh thông tin, huyện hỗ trợ các hợp tác xã loại này 50% chi phí mua máy móc, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; hỗ trợ xây dựng quy trình sản xuất VietGAP... Tuy vậy, các hợp tác xã vẫn cần được thành phố tháo gỡ khó khăn bằng việc kéo dài thời hạn thuê đất thay vì 5 năm như hiện nay để yên tâm đầu tư, sản xuất.
Theo Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, hợp tác xã chuyên ngành đã chứng minh được hiệu quả nổi trội nên được thành phố khuyến khích và tạo điều kiện để mở rộng quy mô, phạm vi, địa bàn hoạt động với các ngành nghề sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Trong đó, ưu tiên phát triển hợp tác xã nông nghiệp gắn với chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; sản xuất giống, bảo quản, chế biến nông sản... Thời gian tới, thành phố sẽ tạo điều kiện cho các hợp tác xã vay vốn ưu đãi; tìm cách hỗ trợ việc tích tụ ruộng đất.
Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Định, Phó Trưởng phòng Kinh tế hợp tác (Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn - Bộ NN&PTNT) khẳng định, để nhân lên hiệu quả của các hợp tác xã chuyên ngành, Bộ NN&PTNT sẽ mở các lớp đào tạo nghề “giám đốc” cho lãnh đạo hợp tác xã, từ đó nâng cao kiến thức, năng lực quản lý và chỉ đạo sản xuất để các hợp tác xã chuyên ngành phát huy được thế mạnh của mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.