(HNM) - Để nhân rộng mô hình xây dựng các giàn thép đỗ xe cao tầng trên địa bàn TP Hà Nội quả thực vẫn đang là một
Từ kết quả thí điểm, các cơ quan chức năng đang nghiên cứu triển khai ở một số địa điểm khác nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu điểm đỗ xe của người dân Thủ đô. Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình này quả thực vẫn đang là một "bài toán" khó.
Dự án thí điểm xây dựng các giàn thép đỗ xe cao tầng phát huy hiệu quả cao. Ảnh: Nhật Nam |
Hiệu quả cao từ giàn đỗ xe cao tầng
GTĐXCT tại 32 - Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng) của Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) là dự án đầu tiên được hoàn thành và đưa vào khai thác vào tháng 7-2012 với sức chứa 30 xe ô tô. Rất nhanh chóng, giàn thép này đã lấp đầy công suất và được đánh giá là giải pháp mới khả thi nhằm giải quyết "bài toán" giao thông tĩnh cho Hà Nội. Tiếp sau đó, Tổng công ty Transerco và trực tiếp là Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội (thuộc Transerco) đã mạnh dạn đề xuất thành phố xin được thí điểm triển khai 2 GTĐXCT tại phố Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm) và Nguyễn Công Hoan (quận Ba Đình). Cuối tháng 4-2015, giàn thép tại phố Trần Nhật Duật cao 4 tầng theo công nghệ Nhật Bản được đưa vào khai thác, đáp ứng chỗ đỗ cho 91 xe ô tô. Theo kế hoạch, giàn thép tại phố Nguyễn Công Hoan (công nghệ Hàn Quốc) sẽ được khánh thành vào cuối năm 2015. Tổng mức đầu tư cả hai dự án là 121 tỷ đồng, được ứng vốn ngân sách từ Quỹ Đầu tư phát triển TP Hà Nội.
Trao đổi với PV Báo Hànộimới, ông Phạm Văn Đức, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội cho biết: Đến thời điểm này, giàn thép tại phố Trần Nhật Duật đã lấp đầy được khoảng 90% công suất và dự án đã bắt đầu phát huy hiệu quả theo đúng mục tiêu đầu tư. Cụ thể, dự án góp phần hoàn chỉnh quy hoạch mạng lưới giao thông tĩnh của thành phố; khai thác hiệu quả quỹ đất và từng bước giải quyết nhu cầu đỗ xe của người dân tại khu vực quận Hoàn Kiếm, bởi với cùng một diện tích đất nhưng lại tăng số chỗ đỗ gấp 4 lần. Hơn thế, công trình còn là một điểm nhấn về giao thông đô thị của Thủ đô theo hướng văn minh, hiện đại. Vừa qua đã có nhiều cơ quan, doanh nghiệp trong cả nước đến tham quan, học hỏi mô hình GTĐXCT của Hà Nội để về nghiên cứu triển khai. Qua quá trình thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, Tổng công ty Transerco đang tích cực phối hợp với các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong nước giải mã công nghệ nhằm đẩy mạnh tỷ lệ nội địa hóa để hạ giá thành đầu tư. Tới đây, công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu đề xuất triển khai thêm dự án GTĐXCT tại 295 - Lê Duẩn (trong Công viên Thống Nhất) và tại khu vực bãi đỗ xe nút giao Kim Liên.
Đánh giá cao về mô hình thí điểm GTĐXCT, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, hiện tại, nhu cầu đỗ xe của nhân dân rất cao, trong khi đó điểm đỗ xe tĩnh chưa đáp ứng được. Điểm đỗ xe Trần Nhật Duật sẽ là mô hình để nhân rộng trên địa bàn Thủ đô. Thời gian tới, Hà Nội sẽ tiến hành xã hội hóa để các thành phần kinh tế tham gia xây dựng các GTĐXCT.
Khó để nhân rộng
Hiệu quả của các dự án thí điểm GTĐXCT là đã rõ, tuy nhiên để nhân rộng lại là chuyện không đơn giản. Ông Phạm Văn Đức cho biết, để triển khai được dự án thì thứ nhất, khu đất đó phải nằm trong quy hoạch mạng lưới điểm đỗ xe. Thứ hai, có quy hoạch rồi phải có đất "sạch". Nếu phải giải phóng mặt bằng (GPMB) thì mức đầu tư "đội" lên rất lớn. Hai vị trí ở Trần Nhật Duật là đất do công ty quản lý nên không mất chi phí GPMB. Thứ ba, là cơ chế, chính sách. Với 2 dự án nói trên, nếu không có sự quyết tâm của công ty, của Tổng công ty Transerco và sự chỉ đạo tháo gỡ kịp thời của UBND thành phố thì có lẽ, dự án sẽ khó có thể triển khai.
Thời gian qua đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài (Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu…) đến nghiên cứu thị trường, tìm hiểu cơ hội đầu tư bãi đỗ xe. Tất cả đều đánh giá thị trường rất tiềm năng, nhưng chưa thể triển khai ngay bởi còn vướng về mặt bằng, cơ chế khuyến khích đầu tư… Công nghệ và nguồn vốn đầu tư có thể giải quyết được nhưng chính cơ chế chính sách hiện hành chưa thực sự tạo "cú hích" cho nhà đầu tư tham gia vào thị trường vẫn được coi là "bỏ tiền chẵn, thu tiền lẻ" này. Theo tính toán của Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội, nếu một doanh nghiệp ngoài quốc doanh phải GPMB, vay theo lãi suất ngân hàng để đầu tư thì mất 50 - 60 năm mới có thể hoàn vốn. Trong khi đó, tuổi thọ của một GTĐXCT đạt được ít nhất là 20 năm về máy móc, 40 năm về khung thép và cần thường xuyên duy tu, bảo dưỡng. Do đó, để khuyến khích xã hội hóa đầu tư cần phải có những cơ chế, chính sách phù hợp.
Một số ý kiến cho rằng, GTĐXCT thực sự là giải pháp hiệu quả để giải quyết "bài toán" giao thông tĩnh cho Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Để khuyến khích cho các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực này, chính quyền thành phố cần nghiên cứu xây dựng, ban hành giá trông giữ xe với các công trình có đầu tư nhằm bảo đảm cho nhà đầu tư chủ quản thu hồi vốn theo quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, giá vé cần có sự quản lý của Bộ Tài chính nhằm khống chế giá trần, giá khung. Bên cạnh đó, cần giải tỏa các điểm trông giữ xe không phù hợp trên các tuyến phố hiện nay. Sẽ rất khó cho nhà đầu tư nếu bỏ vốn đầu tư làm GTĐXCT phục vụ cộng đồng và thu phí theo quy định, bởi ngay gần đó vẫn tồn tại các điểm trông giữ xe không có giấy phép, thu với mức giá còn thấp hơn cả mức của giàn thép.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.