Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhận rõ trách nhiệm “vườn ươm” đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý tương lai

TS. Lưu Minh Trị| 22/03/2011 06:39

(HNM) - Xuyên suốt mọi thời kỳ cách mạng, Đoàn luôn luôn là đội hậu bị của Đảng. Nhiều bài học của phong trào thanh niên và xây dựng tổ chức Đoàn, Đội còn nguyên giá trị đến ngày nay. Đặc biệt, bài học rất lớn và cực kỳ quan trọng là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã và đang đào luyện những người kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp vĩ đại của Đảng.


Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Báo Hànộimới xin trân trọng giới thiệu bài viết của Tiến sĩ Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội, nguyên UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, về trách nhiệm "vườn ươm" đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý tương lai.


Nhiều cán bộ của hệ thống chính trị đã trưởng thành và đi lên từ các phong trào đoàn viên thanh niên. Ảnh: Linh Tâm

Về phương diện tổ chức, có thể thấy thực tiễn công tác Đoàn và phong trào thanh niên ở Hà Nội là nguồn cán bộ trẻ dồi dào của Đảng, Nhà nước...

Hãy bắt đầu từ tổ chức Đội thiếu niên và Đội nhi đồng Hồ Chí Minh. Chính các chi hội trưởng, lớp trưởng lớp phó... trong các chi đội, liên đội thiếu niên và lớp học là lực lượng hậu bị cán bộ lãnh đạo và quản lý tương lai. Các em được học tập và tập dượt chỉ huy, quản lý một chi đội - liên đội, một lớp học dưới sự dìu dắt của thầy, cô giáo và anh chị đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh, sẽ trưởng thành dần. Lên học các cấp cao hơn, học đại học, học nghề... các em đó lại là lớp trưởng, bí thư chi đoàn, bí thư Đoàn trường... Ra trường, từng bước các em đó sẽ có cơ hội làm giám đốc, chủ tịch huyện, quận, cục trưởng, vụ trưởng, bí thư đảng các cấp, bộ trưởng, chủ tịch tỉnh, thành phố... Những cán bộ, chỉ huy thời tuổi thanh, thiếu niên, sẽ trưởng thành, kế tục cán bộ lãnh đạo lớp cha anh đã cao tuổi...

Năm 1980, đồng chí Lê Duẩn - Tổng bí thư Trung ương Đảng được tặng Giải thưởng Lênin “Vì củng cố hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc”. Đồng chí đã dành toàn bộ tiền thưởng để làm một công trình cho thiếu nhi Thủ đô. Thường vụ Thành ủy, trực tiếp là đồng chí Bí thư Lê Văn Lương đã làm việc và yêu cầu Thành đoàn đề xuất việc xây dựng một công trình nhằm giáo dục, tập hợp thiếu nhi. Sau nhiều phương án chuẩn bị, Thường vụ Thành đoàn báo cáo với Thành ủy và UBND thành phố cho phép xây dựng một trường huấn luyện tổng phụ trách và chỉ huy Đội thiếu niên. Được thành phố phê duyệt, tháng 12-1981 khởi công xây dựng và đến 19-5-1983 trường chính thức khánh thành, sau đó được mang tên Tổng Bí thư Lê Duẩn. Trong 28 năm qua, Trường cán bộ đội đã huấn luyện cho hàng vạn cán bộ đội, tạo bước tiến mới trong công tác Đội và phong trào thiếu nhi Thủ đô. Nhìn ở tầm chiến lược, Trường cán bộ đội Lê Duẩn và hệ thống Đội thiếu niên chính là môi trường, là vườn ươm đội ngũ cán bộ lâu dài cho hệ thống chính trị.

Tôi nhớ trong dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Trường cán bộ đội Lê Duẩn (năm 1993), Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã trao tặng trường bức trướng ghi dòng chữ: “Trường đội Thiếu niên Lê Duẩn - nơi góp phần đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý tương lai cho đất nước”. Thực tế ở Hà Nội cho thấy: Cán bộ đoàn trưởng thành là lực lượng quan trọng tăng cường cho bộ máy Đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp, cán bộ chủ chốt ở nhiều cơ quan, doanh nghiệp...”. Đây cũng là thành công trong công tác cán bộ của Thành ủy Hà Nội nhiều năm qua.

Năm 1981, theo yêu cầu có nguồn cán bộ cho các phường, Ban thường vụ Thành ủy, trực tiếp là đồng chí Bí thư Lê Văn Lương đã đồng ý cho Thành đoàn tuyển dụng các sinh viên tốt nghiệp đại học về làm cán bộ đoàn phường. Đây là một quyết định “đột phá” của Thành ủy, của đồng chí Bí thư Lê Văn Lương. Thành đoàn đã xét chọn hơn 90 sinh viên khá giỏi, có tham gia công tác Đoàn hoặc lãnh đạo lớp, đưa về làm cán bộ đoàn chuyên trách ở phường (có một số ít ở Đoàn thanh niên quận). Thời kỳ đó, ở phường còn thiếu nhiều cán bộ trẻ, nên số anh chị em này đã góp phần đẩy mạnh công tác chung của phường. Thế rồi, sau 5 - 10 năm và đến nay đã 30 năm, hầu hết số sinh viên đó đã trở thành cán bộ lãnh đạo các cấp. Thời kỳ đầu, sau 5-7 năm, các đồng chí đó đã trở thành phó chủ tịch, chủ tịch phường, cán bộ chủ chốt quận. Một số người là cán bộ chủ chốt thành phố Hà Nội như: Trần Bích Thủy - Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận (nay là Phó Ban Dân vận TƯ); Ngô Thị Thanh Hằng - UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố (nay là Trưởng ban Tổ chức Thành ủy).

Cán bộ đoàn là lực lượng dự bị cho bộ máy cán bộ các cấp. Sơ bộ, cho thấy có khoảng 90% cán bộ chủ chốt từ xã, phường, quận, huyện, thành phố đã kinh qua công tác Đoàn (từ chi đoàn, ủy viên BCH Đoàn, bí thư đoàn các cấp - không chuyên trách và chuyên trách). Môi trường công tác Đoàn đã rèn luyện về bản lĩnh chính trị, tính Đảng, phong cách công tác cho người cán bộ lãnh đạo, quản lý. Nhiều cán bộ chủ chốt của thành phố từng là cán bộ Đoàn. Như các đồng chí: Trần Văn Tuấn, Nguyễn Quốc Triệu, Nguyễn Thế Thảo, Ngô Thị Doãn Thanh, Nguyễn Huy Tưởng, Vũ Hồng Khanh, Ngô Thị Thanh Hằng... Thành công trong công tác cán bộ của Thành ủy Hà Nội, nhất là từ thời đồng chí Bí thư Lê Văn Lương (mà tôi biết) đã tạo nguồn cán bộ chủ chốt từ Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ, các doanh nghiệp xuất sắc, các trường đại học và viện nghiên cứu... Trong đó, dù ở các nguồn trên, nhưng hầu hết anh chị em đều tham gia hoặc trải qua công tác Đoàn thanh niên ở cơ sở. Tổng kết chuyên đề tạo nguồn cán bộ của thành ủy Hà Nội chắc chắn sẽ cho ta nhiều bài học, trong đó có bài học mạnh dạn đưa cán bộ trẻ vào dần từng cấp, kể cả Thành ủy viên dự khuyết (trước đây), Ủy viên Trung ương dự khuyết, để đào tạo nguồn lâu dài. Tầm nhìn chiến lược và thành công về công tác tạo nguồn cán bộ trẻ - từ vườn ươm Đoàn, Hội, Đội phải kể đến một con người lãnh đạo xuất sắc, đó là cố Bí thư Thành ủy Lê Văn Lương. Đó là một con người luôn yêu quý, tôn trọng, tin tưởng, độ lượng... đối với thanh niên. Đồng chí đã từng nói với cán bộ đoàn: Thanh niên dễ có thiếu sót, mà dám làm, đi đầu xung kích... thì có thể có sai. Điều quan trọng là nói rõ để thanh niên sửa chữa và biết sửa; không nên kỷ luật quá nặng nề với thanh niên khi họ bị vấp váp, nhưng biết ngẩng đầu...

Đoàn thanh niên thành phố Hà Nội đang đảm nhận trách nhiệm vận động đoàn viên và thanh niên xung kích trên mọi mặt hoạt động chính trị, kinh tế, đô thị, phòng, chống tệ nạn xã hội... Đồng thời, Đoàn thanh niên là đội hậu bị, tạo nguồn, cung cấp cán bộ trẻ có đức có tài cho Đảng, Nhà nước... Chế độ, con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, yêu cầu đội ngũ cán bộ đủ bản lĩnh, tài năng và trong sạch để gánh vác. Nguồn cán bộ đó chủ yếu là từ Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Vinh dự, trách nhiệm đó lớn lao và nặng nề biết bao!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhận rõ trách nhiệm “vườn ươm” đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý tương lai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.