Môi trường

Nhân Hội nghị thượng đỉnh về tăng trưởng xanh (P4G):Tai biến thiên nhiên - hệ quả tất yếu của sự phát triển thiếu bền vững

TS. Trần Tuấn Anh 15/04/2025 - 11:07

Trong suốt hơn 30 năm qua, những lời cảnh báo ấy đôi lúc chưa được cân nhắc kỹ lưỡng trong quá trình ra quyết định hoặc còn xem xét một cách hình thức.

Hội nghị Thượng đỉnh trái đất năm 1992 tại Rio de Janeiro (Brazil) lần đầu tiên đặt vấn đề phát triển bền vững một cách nghiêm túc trước toàn thế giới khi thông qua nhiều văn bản quan trọng về môi trường, phát triển, bảo vệ rừng và các công ước biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học.

Tuy nhiên, trong suốt hơn 30 năm qua, những lời cảnh báo ấy đôi lúc chưa được cân nhắc kỹ lưỡng trong quá trình ra quyết định hoặc còn xem xét một cách hình thức.

cay-xanh-do.jpg
Cây xanh bật gốc do siêu bão Yagi tại Hà Nội. Ảnh: C.Dũng

Thiệt hại to lớn do biến đổi khí hậu

Thay vì hành động, nhân loại vẫn tiếp tục khai thác cạn kiệt tài nguyên, phát triển thiếu kiểm soát, thậm chí nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã thực hiện “Chiến lược giả xanh” (greenwashing), cố tình tuyên bố sản phẩm, hoạt động hoặc chiến lược của mình thân thiện với môi trường, trong khi thực tế không như vậy, nhằm đánh bóng hình ảnh hoặc thu hút đầu tư.

Một số vụ việc “Giả xanh” lớn bị phát hiện như: Volkswagen (Đức) năm 2015, bị phát hiện sử dụng phần mềm gian lận để vượt qua kiểm tra khí thải tại Mỹ – sự kiện này còn gọi là “Dieselgate”. Công ty quảng cáo xe thân thiện môi trường trong khi phát thải NOx gấp 40 lần tiêu chuẩn cho phép.

British Petroleum (BP), dù tuyên bố chuyển hướng năng lượng tái tạo, vẫn duy trì đầu tư lớn vào dầu khí, và từng bị lên án vì các chiến dịch truyền thông “xanh” nhưng hành động thực tế không đổi mới rõ rệt.

Những hành động thiếu trách nhiệm đó trong nhiều năm đã đẩy trái đất tới giới hạn không thể hồi phục.

Năm 2024 đã khép lại, nhưng dư chấn của nó đối với khí hậu toàn cầu vẫn còn rung lên trong từng báo cáo khoa học, từng bản tin thời sự, và trong mỗi người đang sống trên hành tinh này. Lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, tất cả các châu lục cùng lúc hứng chịu thiên tai nghiêm trọng trong cùng một khoảng thời gian ngắn như siêu bão Yagi; lũ lụt lịch sử hoành hành ở Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgaria; cháy rừng lan rộng ở Canada và Địa Trung Hải; hạn hán cực đoan ở vùng Sừng châu Phi; và kỷ lục nhiệt độ phá vỡ liên tiếp ở Nam Âu, Trung Đông và Bắc Mỹ.

Theo báo cáo thường niên của Munich Re, các thảm họa thiên nhiên trong năm 2024 đã gây thiệt hại kinh tế tổng cộng khoảng 320 tỷ USD, tăng một phần ba so với năm trước. Trong đó, khoảng 140 tỷ USD được bảo hiểm, đánh dấu một trong những năm tốn kém nhất đối với ngành bảo hiểm kể từ năm 2017.

Còn theo số liệu từ Statista (Hamburg, Đức), khoảng 18.100 người đã thiệt mạng do các thảm họa thiên nhiên trong năm 2024, con số này vẫn có thể tăng lên ở những năm tiếp theo khi biến đổi khí hậu diễn ra phức tạp và khó lường. Bão Helene với sức gió lên tới 225 km/h (tương đương cấp 4 trên thang đo Saffir-Simpson tại Hoa Kỳ) gây thiệt hại khoảng 75 tỷ USD và khiến 243 người thiệt mạng. Siêu bão Yagi tại Đông Nam Á cũng được cho là mạnh nhất trong 70 năm qua, đã tàn phá Việt Nam gây lũ lụt và lở đất nghiêm trọng. Bão cũng ảnh hưởng đến Philippines, Trung Quốc, Lào, Thái Lan và Myanmar, khiến hơn 800 người thiệt mạng và thiệt hại kinh tế khoảng 14 tỷ USD, trong đó chỉ có 1,6 tỷ USD được bảo hiểm.

Cháy rừng tại Canada thiêu rụi 13,29 triệu mẫu Anh (tương đương 5,38 triệu hecta); lũ lụt tại Tây Phi từ tháng 6 đến tháng 9 khiến hơn 1.500 người thiệt mạng và hàng trăm nghìn người phải di dời.

Biến đổi khí hậu đã gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp trên toàn cầu, cụ thể tại Pháp mưa lớn bất thường đã dẫn đến giảm sản lượng lúa mì từ 30-40%, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng thực phẩm

Brazil hạn hán nghiêm trọng ảnh hưởng đến 59% diện tích đất nước, gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp và đe dọa an ninh lương thực. Các nhà khoa học thuộc Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) và Liên Hợp Quốc đã gọi năm 2024 là “năm của giới hạn khí hậu bị phá vỡ”, khi hàng loạt chỉ số từ nhiệt độ trung bình toàn cầu, nồng độ CO₂, diện tích băng tan đều vượt qua các mốc chưa từng có tiền lệ.

Năm 2024 đã chứng kiến sự gia tăng cả về tần suất và mức độ nghiêm trọng của các thảm họa thiên nhiên trên toàn cầu, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Những số liệu này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường các biện pháp thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu, cũng như nâng cao khả năng chống chịu của cộng đồng trước các hiện tượng thời tiết cực đoan trong tương lai.

Khi những bằng chứng khoa học không còn “im lặng” nữa, biến đổi khí hậu là sự thật không thể chối cãi, chúng ra cần nhận thức được không một hiện tượng tự nhiên đơn lẻ nào là ngẫu nhiên, những chuỗi dữ kiện kéo dài, tích tụ và ngày một cực đoan đang tạo nên một mô hình nhất quán, đó là “Hệ thống khí hậu toàn cầu đang mất ổn định”.

Dưới đây là những con số mà nhân loại chúng ta đã tạo ra:

• Nhiệt độ trung bình toàn cầu năm 2024 vượt ngưỡng 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, lần đầu tiên trong lịch sử ghi nhận hiện tượng này suốt 12 tháng liên tục (dữ liệu từ Copernicus Climate Change Service, 2024).

• Lượng CO₂ trong khí quyển đạt mức 423 ppm, mức cao nhất trong 2 triệu năm qua (theo khảo cổ học khí hậu); Hơn 36 tỷ tấn CO₂ thải ra mỗi năm chủ yếu từ nhiên liệu hóa thạch.

• Mực nước biển dâng nhanh gấp đôi so với dự báo IPCC cách đây 10 năm (2014), do tốc độ tan băng tại Greenland và Nam Cực tăng vọt (dữ liệu từ NASA & NOAA, 2018).

• 85% diện tích đất ngập nước trên hành tinh đã biến mất (theo báo cáo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP)). Hơn 1/3 dân số thế giới hiện đang sống tại những khu vực thiếu nước sạch nghiêm trọng (Báo cáo IPCC, 2000).

• Trên 1 triệu loài động, thực vật có nguy cơ tuyệt chủng trong vài thập kỷ tới nếu xu hướng suy giảm môi trường tiếp tục (Báo cáo IPBES, 2019).

Nguyên nhân lớn nhất là do tác động của con người

Những con số thống kê không còn là cảnh báo mà là bằng chứng sống động cho một sự thật tàn nhẫn: Trái đất đang nóng lên mà trong đó nguyên nhân vô cùng lớn do con người đã tác động vào quá trình vận động theo quy luật tự nhiên của hành tinh này bằng sự phát triển nóng thiếu bền vững của mình.

Chúng ta không thể tiếp tục tự lừa dối mình bằng những cam kết mang tính biểu tượng nhiều hơn hành động. Những hội nghị khí hậu quy mô toàn cầu nhưng sau đó là sự yếu ớt về tính thực thi hay những chiến lược “phát triển xanh” nhưng chỉ mang tính khẩu hiệu, bản chất vẫn tác động và xả thải làm tổn thương sinh thái.

Một trong những nguyên nhân lớn của tình trạng này bên cạnh phát thải khí nhà kính chính là sự can thiệp thái quá và thiếu kiểm soát vào các hệ sinh thái tự nhiên, đặc biệt là các lưu vực sông, rừng và vùng đất ngập nước. Tại nhiều quốc gia (trong đó có Việt Nam), trong một giai đoạn nhất định của phát triển đã buộc phải lựa chọn phát triển thủy điện lớn nhỏ nhằm đáp ứng nguồn năng lượng và phục vụ tăng trưởng.

huy-giang.jpg
Mật độ phương tiện giao thông ngày càng nhiều gây phát thải ô nhiễm không khí. Ảnh: Huy Giang

Vì vậy hàng trăm công trình thủy điện đã được xây dựng dọc các lưu vực sông làm cho hàng trăm nghìn ha rừng (đa số là rừng nguyên sinh) bị chặt bỏ để lấy đất cho hồ chứa và hạ tầng hoặc bị ngập nước do thay đổi dòng chảy, một vùng sinh thái rộng lớn hàng trăm ha bị biến đổi do ngập nước hoặc mực nước ngầm dâng lên cao làm biến đổi thảm thực vật, làm mất nơi cư trú của nhiều loài sinh vật, làm giảm đa dạng sinh học, lưu lượng dòng chảy tự nhiên bị thay đổi mạnh mẽ, gây thay đổi cực đoan ở hạ lưu, thiếu nước mùa khô, và làm trầm trọng hơn nguy cơ lũ quét mùa mưa, làm cho lũ ống lũ quét và sạt lở đất trở nên tàn khốc hơn.

Hiệu ứng nhà kính cũng có sự “đóng góp” vô cùng tích cực của nhân loại, khi phát thải khí CO₂ vượt ngưỡng, khai thác rừng, phát triển thủy điện ồ ạt mà ít quan tâm tới tác động môi trường, nước thải công nghiệp và sinh hoạt không được xử lý triểt để, và mô hình phát triển công nghiệp – giao thông dựa vào động cơ đốt trong, nhiên liệu hóa thạch làm cho lượng phác thải khí nhà kính không ngừng tăng theo từng năm.

Hội nghị COP28 tại Dubai (năm 2023) đã đưa ra thông điệp khẩn cấp: Nhân loại cần đạt phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) trước năm 2050. Các nước cam kết chuyển đổi năng lượng, loại bỏ than đá, thúc đẩy năng lượng tái tạo, cắt giảm khí methane và tăng cường tài chính khí hậu. Tuy nhiên, nếu những cam kết này không sớm được hiện thực hóa bằng hành động cụ thể, thế giới sẽ vượt qua các điểm tới hạn không thể đảo ngược.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhân Hội nghị thượng đỉnh về tăng trưởng xanh (P4G): Tai biến thiên nhiên - hệ quả tất yếu của sự phát triển thiếu bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.