(HNM) - Theo những quy định trong việc xác định tiêu chí bảo đảm chất lượng đầu vào tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014, có một số điểm thí sinh cần lưu ý...
- Ông có lưu ý gì đặc biệt đối với thí sinh trước những thay đổi trong quy định tuyển sinh mới công bố?
- Một trong những điểm mới quan trọng nhất của phương án tiêu chí bảo đảm chất lượng đầu vào năm nay là việc xác định điểm ưu tiên với ngành có nhân hệ số môn thi chính. Cụ thể, ngành không có môn thi chính, điểm ưu tiên được xác định bình thường như những năm qua. Riêng với thí sinh dự thi vào ngành có nhân hệ số môn thi chính, điểm ưu tiên khu vực và đối tượng được xác định là điểm ưu tiên theo quy chế nhân với 4 rồi chia cho 3, theo công thức Dtt = 4Dqc/3. Trong đó Dtt: là điểm ưu tiên thực tế; Dqc là điểm ưu tiên xác định theo quy chế (điểm trung bình được làm tròn đến hai chữ số thập phân).
- Mục đích của cách tính này là gì, thưa ông?
- Điểm ưu tiên phải xác định theo công thức như trên mới phù hợp với hệ thống điểm khi chuyển từ 30 sang 40 (do có nhân hệ số). Nếu không nhân hệ số điểm ưu tiên theo cách này thí sinh sẽ chịu thiệt thòi khi dự thi vào các ngành có môn thi chính, đặc biệt với những trường hợp xét điểm trúng tuyển ở mức tối thiểu. Vì sẽ xảy ra trường hợp cùng một thí sinh với điểm thi và điểm ưu tiên, nếu không nhân hệ số, thí sinh này sẽ trúng tuyển, còn sau khi nhân hệ số môn thi chính mà không nhân hệ số điểm ưu tiên, sẽ không trúng tuyển.
- Ông có thể giải thích rõ hơn tác động của cách tính này đối với kết quả thi của thí sinh?
- Ở đây chúng ta phải phân biệt tác động của việc nhân hệ số điểm môn chính và tác động của việc nhân hệ số cho điểm ưu tiên. Nghiên cứu cho thấy nếu điểm môn chính bằng điểm trung bình 3 môn thì việc nhân hệ số môn chính không có tác động gì, nhưng nếu học sinh có kết quả môn chính cao hơn trung bình sẽ được lợi khi xét tuyển, còn thấp hơn thì sẽ bị thiệt khi xét tuyển. Đây chính là ưu điểm của việc quy định môn chính (cho phép chọn được học sinh có năng lực ở môn chính).
Còn tác động của việc nhân hệ số cho điểm ưu tiên có thể được minh họa bằng các ví dụ như sau (để loại bỏ tác động của việc nhân hệ số môn chính, ta phải chọn ví dụ sao cho điểm môn chính bằng điểm trung bình của 3 môn): Học sinh thi khối B, được hưởng ưu tiên 3 điểm theo Quy chế có kết quả: Toán 5, hóa 3, sinh 4. Trường chọn điểm xét tuyển cơ bản là 15. Nếu không quy định môn chính, học sinh sẽ được tổng 15 điểm (5+3+4+3 điểm ưu tiên) bằng điểm xét tuyển cơ bản. Nếu quy định sinh là môn chính, và không nhân hệ số cho điểm ưu tiên, tổng điểm có xét hệ số môn chính là 5+3+8+3 điểm ưu tiên = 19, và điểm xét tuyển cơ bản có tính hệ số môn chính là: 15x4/3=20. Như vậy nếu không nhân hệ số điểm môn chính thì học sinh sau khi nhân hệ số môn chính sẽ có kết quả dưới điểm xét tuyển cơ bản có xét đến hệ số môn chính. Nếu nhân hệ số cho điểm ưu tiên, điểm của học sinh sẽ là: 5+3+8+3x4/3 = 20 đúng bằng điểm xét tuyển cơ bản có xét đến hệ số môn chính.
Như vậy vấn đề trên đã rõ, không nhân hệ số điểm ưu tiên, học sinh sẽ bị thiệt.
- Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.