(HNMO) - Sáng nay 1-7, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải đi thăm và làm việc với huyện Thanh Oai. Cùng đi có Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu.
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải thăm làng nghề tại xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai. Ảnh: Bá Hoạt |
Kiến nghị nhiều vấn đề
Tại cuộc làm việc với Huyện ủy, Bí thư Thành uỷ đã nghe báo cáo về tình hình thực hiện các nhiệm vụ chính trị 6 tháng đầu năm, nghe và chủ trì thảo luận giải quyết 10 kiến nghị của huyện.
Thanh Oai được quy hoạch là vành đai xanh của Thủ đô, gồm 20 xã, 1 thị trấn, dân số trên 19 vạn người. Sau Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 22, huyện đã xây dựng 6 chương trình công tác toàn khoá, thành lập ban chỉ đạo các chương trình, ban chỉ đạo thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức... 6 tháng đầu năm, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đạt 6.075 tỷ đồng, đạt 49,2% so với kế hoạch, bằng 112,5% so với cùng kỳ năm 2015. Toàn huyện đã có 7/20 xã được công nhận là xã nông thôn mới. Năm 2016, huyện phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, đến nay cơ bản đạt 19 tiêu chí.
Huyện Thanh Oai đề xuất, kiến nghị 10 nội dung, trong đó có nhiều kiến nghị về đầu tư phát triển hạ tầng như: đẩy nhanh thủ tục dự án và tiến độ nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 21B, đoạn qua thị trấn Kim Bài kết hợp xây dựng quảng trường, công viên cây xanh; đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường trục phát triển phía nam (Cienco5) đấu nối đường trục với các xã, các huyện lân cận theo kế hoạch đã phê duyệt; có cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí và quy hoạch, thiết kế lại hệ thống thuỷ nội đồng phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất chuyên canh lớn; hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý nước rác thải, nước thải tại các làng nghề; xây dựng 2 tuyến nước sạch của thành phố tại Thanh Oai (1 tuyến dọc Quốc lộ 21B, 1 tuyến dọc theo đường trục phát triển phía Nam); hỗ trợ kinh phí quy hoạch tổng thể không gian di tích lễ hội Bình Đà, nâng cấp lễ hội này lên cấp thành phố tiến tới đề nghị được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia đặc biệt; cấp bổ sung ngân sách để xây dựng trường học và trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; chấp thuận chủ trương cho huyện đấu giá 10ha đất ở tại xã Cự Khê để tạo nguồn vốn xây dựng nông thôn mới; giúp huyện giao đất dịch vụ cho người dân; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm đối với gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp...
Giải trình thêm về kiến nghị điều chỉnh quy hoạch và hỗ trợ đầu tư xây dựng thị trấn Kim Bài đạt đô thị loại 5 vào năm 2020, Chủ tịch UBND thị trấn Nguyễn Huy Hoàn cho biết, mục tiêu tưởng chừng đơn giản nhưng là sự mong mỏi của cả huyện, đã phấn đấu 23 năm chưa đạt được. Bí thư Đảng uỷ xã Phương Trung Hoàng Công Khoá kiến nghị rút ngắn thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất, vì có những thủ tục lên đến 270 ngày, làm mất cơ hội.
Trưởng phòng Đô thị UBND huyện Nguyễn Xuân Tùng nêu thêm 3 dự án chậm triển khai trên địa bàn, trong đó có 2 dự án do Sở GTVT làm chủ đầu tư là cầu Vạn Thanh, cầu Phương Hồng Phú và 1 dự án do Sở TNMT làm chủ đầu tư là dự án xử lý nước thải tại Cụm công nghiệp làng nghề Thanh Thuỳ.
Toàn cảnh buổi làm việc. |
Mở “nút thắt” phát triển cho huyện
Trao đổi về các kiến nghị của huyện, Phó Giám đốc Sở GTVT Phạm Hoàng Tuấn cho biết, Sở đã cùng với huyện khảo sát tất cả các tuyến đường và thống nhất với huyện trước khi đưa ra các kiến nghị tại cuộc làm việc này. Thanh Oai là địa bàn nhiều năm chưa được đầu tư đáng kể về hạ tầng giao thông, chính vì vậy, việc đầu tư những tuyến đường như kiến nghị của huyện là rất cần thiết, cấp bách. Trong kế hoạch đầu tư hạ tầng giao thông do Sở GTVT lập đã đưa vào một số dự án đầu tư hạ tầng giao thông cho huyện Thanh Oai. Theo ông Phạm Hoàng Tuấn, trong số những tuyến đường ngang nối các xã, thị trấn với đường trục phía Nam mà huyện đề xuất, nên ưu tiên thực hiện đường ngang nối từ thị trấn Kim Bài với trục phía Nam dài 5,3km với chi phí khoảng 300 tỷ đồng.
Giám đốc Sở KHĐT Nguyễn Văn Tứ khẳng định, vốn đầu tư dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 21B qua thị trấn Kim Bài đã được đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 của thành phố. Về đề nghị hỗ trợ huyện thu hút đầu tư, ông Tứ đề nghị huyện sớm lập danh mục đầu tư để báo cáo thành phố, đồng thời gợi ý nên khai thác khu vực rất đẹp có thể thu hút nguồn lực xã hội hóa là Đầm Cao Viên, thuộc xã Cao Viên. Giám đốc Sở KHĐT cũng đề nghị huyện chuẩn bị sớm, có kế hoạch quản lý, vận hành tốt khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại xã Bình Minh, nhà máy nước sạch (vốn World Bank, công suất 3300m3/ngày đêm). Ông cũng đề nghị huyện nên tập trung phát triển các khu cụm công nghiệp, nhất là dọc hai bên trục đường phía Nam để vừa tăng giá trị sản xuất vừa tạo công ăn việc làm cho người dân, vì số người dân Thanh Oai đi làm thuê nơi khác quá đông.
Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Phan Chu Đức đánh giá cao những thành tích về công tác xây dựng Đảng của huyện thời gian gần đây, đặc biệt là giải quyết hiệu quả một số “điểm nóng”. Thanh Oai cũng là nơi thực hiện tốt Đề án 06 và Nghị quyết 09 của Thành ủy (mặc dù không có nhiều doanh nghiệp). Tuy nhiên, đồng chí Phan Chu Đức đề nghị Huyện ủy tập trung đầu tư mạnh vào công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ, vì lực lượng cán bộ cấp ủy từ huyện đến xã ở độ tuổi khá cao. Đơn cử như số Ủy viên Thường vụ Huyện ủy, hết nhiệm kỳ này chỉ còn đúng 1 người còn tuổi tái cử.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu đề nghị Sở KHĐT, Sở GTVT phải tập trung đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án đường trục phía Nam. Đối với dự án đường nối thị trấn Kim Bài với đường trục phía Nam, các ngành và huyện phải phấn đấu quyết liệt để có thể khởi công vào cuối năm nay. Phó Chủ tịch yêu cầu các sở, ngành rút ngắn thời gian làm thủ tục đấu giá đất xuống còn khoảng 90 ngày.
Đồng tình với ý kiến của Giám đốc Sở KHĐT là Thanh Oai cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho biết: “Tôi làm việc với các doanh nghiệp ở Thanh Oai thấy đều kêu là muốn mở rộng sản xuất mà không có đất. Đề nghị huyện phải vào cuộc mạnh tháo gỡ việc này”.
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận buổi làm việc. |
Kết luận cuộc làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đồng tình với ý kiến của Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy và lãnh đạo các sở, ngành; đồng thời yêu cầu cấp ủy, chính quyền huyện phải tập trung nhận diện những hạn chế, yếu kém để đề ra giải pháp, lộ trình giải quyết phù hợp. Trước hết, huyện cần ưu tiên phát triển hạ tầng, thúc đẩy xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề, các cụm công nghiệp dọc trục đường phía Nam tháo gỡ nhu cầu mở rộng sản xuất cho doanh nghiệp. Sau dồn điền đổi thửa, huyện cần có cơ chế đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, đặc biệt là thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm tận dụng thị trường Hà Nội, nâng tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển mạnh các mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, giá trị cao. Bí thư Thành ủy lưu ý cấp ủy, chính quyền rà soát để xem có thể tháo gỡ, có thể làm gì tốt hơn nữa để giúp người dân thuận tiện khi làm thủ tục hành chính thì phải cố gắng hết sức. “Bộ máy chính quyền chúng ta không phải hành là chính, mà là vì dân, các đồng chí cần nhớ rõ điều đó” - đồng chí Hoàng Trung Hải chỉ đạo, đồng thời nhấn mạnh, để tháo gỡ khó khăn, lãnh đạo huyện cần vào cuộc quyết liệt, năng động, mạnh dạn.
Đối với các kiến nghị của huyện, Bí thư Thành ủy ghi nhận và khẳng định sẽ giao cho Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo các ngành giải quyết cụ thể và trả lời huyện. Đặc biệt quan tâm đến vấn đề phát triển hạ tầng của huyện, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nêu rõ: “Có mở đường ra mới có cơ hội phát triển, nên không thể không tập trung dành vốn cho hạ tầng, phải “thắt lưng buộc bụng” cũng phải đầu tư cho hạ tầng” - Đồng chí chỉ đạo Ban Cán sự UBND thành phố chỉ đạo đẩy nhanh thủ tục triển khai các dự án hạ tầng giao thông cho huyện Thanh Oai, đặc biệt là dự án nâng cấp Quốc lộ 21B; chỉ đạo các sở, ngành liên quan làm việc cụ thể với chủ đầu tư đường trục phía Nam để làm rõ tiến độ, khó khăn, vướng mắc để có biện pháp khẩn trương tháo gỡ.
Trước cuộc làm việc, Bí thư Thành uỷ đã đến thắp hương tại Di tích lịch sử Đền Nội - Bình Đà (xã Bình Minh) - nơi thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân. Mỗi dịp Giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 Âm lịch) hằng năm, đây là nơi lãnh đạo tỉnh Phú Thọ đến thắp hương trước khi về tổ chức lễ tại Đền Hùng. Bí thư Thành uỷ và Đoàn đã kiểm tra Bộ phận "Một cửa", thăm một số mô hình sản xuất, trồng cây lưu niệm tại xã Thanh Thuỳ...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.