(HNMO) - Yêu nước, có tinh thần trách nhiệm với đất nước là truyền thống của nhân dân Việt Nam. Mỗi người dân đều có quyền bày tỏ lòng yêu nước cũng như quan điểm về những vấn đề hệ trọng của đất nước, song phải được đóng góp ý trên tinh thần xây dựng để cùng tìm ra một giải pháp toàn diện; và theo nguyên tắc
Ùn tắc giao thông tại khu vực Lăng Cha Cả (quận Tân Bình, TPHCM) do cuộc tụ tập đông người vào sáng 10-6. Ảnh: Gia Minh |
Sự quan tâm sâu sắc tới dự án luật này là điều dễ hiểu. Bởi lẽ, việc xây dựng các mô hình kinh tế mới này là vấn đề cấp thiết để tạo những động lực tăng trưởng mới cho đất nước nhưng vẫn bảo đảm tốt an ninh, chủ quyền quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa và Cách mạng công nghiệp 4.0.
“Hà Nội, TP Hồ Chí Minh luôn là đầu tàu, động lực phát triển của cả nước. 7 vùng kinh tế trọng điểm vẫn tiếp tục được tập trung cơ chế chính sách, phát huy thế mạnh, làm lan tỏa đến các địa phương và vùng khác. Việc ra đời các đặc khu không ảnh hưởng đến quan điểm phát triển, nguồn lực trung ương và địa phương tới 7 vùng trọng điểm này” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã khẳng định như vậy trước Quốc hội ngày 6-6.
Với trách nhiệm cao của mình, trong quá trình xây dựng dự án luật này, cơ quan soạn thảo đã rất lắng nghe ý kiến của nhân dân, đại biểu Quốc hội, giới trí thức và các lão thành cách mạng và cả giới Việt kiều để điều chỉnh, bảo đảm đất nước phát triển, tạo môi trường đầu tư kinh doanh.
Trả lời báo chí sáng 7-6-2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Sự phát triển của đất nước phải là bền vững, đảm bảo độc lập chủ quyền, tự do một cách lâu dài, đảm bảo quyền lợi quốc gia dân tộc một cách căn bản, xuyên suốt trong quá trình gìn giữ non sông đất nước Việt Nam của chúng ta.
Với tinh thần đó, mặc dù đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, được tiếp thu, chỉnh sửa, ngày 9-6-2018 Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn thống nhất trình Quốc hội cho phép lùi thông qua dự án luật này từ kỳ họp thứ năm sang kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV.
Đồng thời, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các tầng lớp nhân dân và cử tri, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thận trọng, cân nhắc nhiều mặt và thống nhất với Chính phủ chỉnh lý dự án luật theo hướng không quy định trường hợp đặc biệt thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu có thể được kéo dài không quá 99 năm.
Việc chuyển dự án luật này sang xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV cũng như việc thống nhất điều chỉnh nhiều nội dung ưu đãi - giúp có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện nhằm bảo đảm dự án luật khi trình Quốc hội thông qua đáp ứng được các yêu cầu, nguyện vọng của các vị đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân, xây dựng thành công 3 đặc khu, giữ vững an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia. Điều này thể hiện sự cầu thị và trách nhiệm cao của Quốc hội trước vấn đề phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, lợi dụng một số nội dung trong dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, một số phần tử phản động, cơ hội chính trị đã xuyên tạc - coi việc nghiên cứu hình thành những đơn vị hành chính đặc biệt này là “hành vi bán nước”, "nguy cơ mất chủ quyền quốc gia"...
Thông qua mạng xã hội, chúng đã có nhiều bài viết phản đối dự án luật với những lời lẽ kích động, chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân; kích động phá hoại sự nghiệp đổi mới đất nước; chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân; phá hoại hình ảnh một đất nước Việt Nam thanh bình trong mắt bạn bè quốc tế…
Thậm chí, lợi dụng vấn đề được dư luận quan tâm, lợi dụng sự thiếu thông tin của một bộ phận nhân dân, những kẻ này còn kêu gọi xuống đường phản đối dự luật. Tóm lại, những luận điệu và hành vi đó đều là những “bổn cũ soạn lại” và không qua mắt được đại bộ phận nhân dân.
Tuy nhiên, đáng tiếc là trong ngày Chủ nhật 10-6, một bộ phận nhân dân ở các địa phương của đất nước như TP Hồ Chí Minh, Nha Trang, Bình Thuận, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội... đã có hành động tụ tập đông người. Họ đã lấn chiếm lòng đường, vỉa hè - gây cản trở giao thông và mang theo người những khẩu hiệu in sẵn với nội dung xuyên tạc thực tế tình hình đất nước, xuyên tạc nội dung dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, kể cả là những nội dung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu để sửa đổi. Đáng lưu ý, hòa vào đám đông này có những đối tượng phản động, cơ hội chính trị đã kích động quần chúng nhân dân lợi dụng vấn đề này để chống lại chế độ, chống lại đất nước.
Như nhiều lần kêu gọi và tụ tập trái pháp luật trước đây, các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng những người dân chân chính đã tuyên truyền, vận động, chỉ rõ cho nhiều người tham gia tụ tập nhận thức về hành vi không đúng của mình. Nhiều người đã nhận ra và đã trở về nhà. Nhưng cũng có một số đối tượng phản động, cơ hội chính trị cố tình manh động khiến các cơ quan bảo vệ pháp luật phải cưỡng chế để ngăn chặn các hành vi quá khích.
Yêu nước, có tinh thần trách nhiệm với đất nước là truyền thống của nhân dân Việt Nam. Mỗi người dân đều có quyền bày tỏ lòng yêu nước cũng như quan điểm về những vấn đề hệ trọng của đất nước, song phải được đóng góp ý trên tinh thần xây dựng để cùng tìm ra một giải pháp toàn diện; và theo nguyên tắc "thượng tôn pháp luật"- không được lợi dụng thể hiện lòng yêu nước để cản trở giao thông, gây rối trật tự nơi công cộng, vi phạm pháp luật.
Từ trước đến nay, khi xây dựng, xem xét thông qua các đạo luật, các cơ quan soạn thảo và Quốc hội đều luôn lắng nghe, tham khảo nhiều ý kiến góp ý, phản biện của rộng rãi các tầng lớp nhân dân. Với dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc lần này, Chính phủ và Quốc hội tiếp tục thể hiện nhất quán tinh thần cầu thị và trách nhiệm cao đó. Những hành vi kích động người khác tụ tập trái pháp luật rồi lợi dụng đám đông để có hành vi manh động, vi phạm pháp luật của một số đối tượng phản động, cơ hội chính trị tại các địa phương trong ngày 10-6 không phải là hành vi mang tính xây dựng, vì đất nước, mà là sự cố tình để đạt mục đích xấu. Vì thế, đông đảo các tầng lớp nhân dân đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật cần kiên quyết xử lý nghiêm minh những hành vi này theo pháp luật, để bảo đảm pháp luật được thực thi mọi lúc, mọi nơi.
Qua đây, mỗi người dân cũng cần nêu cao cảnh giác, nhận thức rõ bản chất vấn đề, hiểu đúng về bản chất việc xây dựng chính sách “đặc khu” của Đảng, Nhà nước; không để chính mình bị người khác lợi dụng gây tổn hại cho lợi ích đất nước. Đây chính là cách thể hiện lòng yêu nước, trách nhiệm với đất nước một cách đúng đắn và hiệu quả nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.