(HNM) - Bốn năm với 9 kỳ đối thoại được tổ chức theo từng chủ đề, đối thoại về phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã trở thành một kênh quan trọng để Việt Nam và các đối tác chia sẻ những thông tin hữu ích về vấn nạn tham nhũng. Từ diễn đàn này, những nguy cơ được nhận diện cùng nhiều giải pháp được đề ra…
Chia sẻ thông tin
Tại hội thảo bàn tròn trước đối thoại về PCTN lần thứ 10 với chủ đề "đánh giá hiệu quả, tác động của các kỳ đối thoại về PCTN đối với công tác PCTN" vừa được Ban chỉ đạo PCTN TƯ, Thanh tra Chính phủ tổ chức, ý kiến của các đại biểu trong nước và quốc tế đều đánh giá cao hiệu quả thiết thực của các kỳ đối thoại.
Nhiều dự án đã được cấp phép từ 7 đến 8 năm vẫn “treo”.
Khẳng định đối thoại là một diễn đàn có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với công tác PCTN, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý đất đai, khoáng sản, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, từ sau các kỳ đối thoại về PCTN lần thứ 8, 9 với các chủ đề về tăng cường PCTN trong quản lý đất đai, khoáng sản, công tác PCTN của Bộ này đã có chuyển biến tích cực. Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành một số thông tư quy định sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung liên quan đến thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai, thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai với các tổ chức sử dụng đất tại một số tỉnh, thành. Qua đó, bước đầu đã kiến nghị thu hồi 30 nghìn mét vuông đất đô thị, 450 hecta đất rừng tự nhiên tại tỉnh Quảng Ninh, đề nghị thu hồi gần 18 nghìn mét vuông đất sản xuất, kinh doanh tại tỉnh Khánh Hòa. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã kiến nghị thu hồi 12 giấy phép khai thác titan không đúng quy định tại Bình Định, xử phạt hành chính 10/17 đơn vị được thanh tra với số tiền 559 triệu đồng…
Công tác PCTN trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Công tác quản lý đầu tư được đổi mới, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Đáng chú ý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tăng cường minh bạch, công khai trong đấu thầu, nhất là tăng cường vai trò của các bộ, ngành, địa phương và chủ đầu tư nên đã giảm bớt thủ tục hành chính, góp phần tiết kiệm cho ngân sách một khoản kinh phí không nhỏ. Tiếp thu các ý kiến qua các kỳ đối thoại, Bộ Xây dựng đã triển khai thực hiện chương trình sáng kiến minh bạch trong hoạt động xây dựng, góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng.
Cảnh báo nguy cơ
Từ diễn đàn các kỳ đối thoại PCTN, nhiều nguy cơ về tham nhũng đã được cảnh báo. Tại hội thảo trước kỳ đối thoại thứ 10, một lần nữa các vấn nạn trong y tế, giáo dục, quản lý đất đai lại được gióng lên.
Trước hết là nạn phong bì trong bệnh viện. Các đại biểu tham dự đều thừa nhận thực tế tại các bệnh viện tuyến TƯ, tỉnh, thành phố, hiện có một bộ phận nhân viên y tế đã lợi dụng quyền hạn vòi vĩnh, nhũng nhiễu để nhận phong bì. Theo bà Trần Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cộng đồng, tỷ lệ người sử dụng phong bì trong dịch vụ y tế tăng gấp đôi trong 3 năm trở lại đây và càng lên tuyến trên, mức độ nhận phong bì, giá trị phong bì càng lớn. Thói quen nhận phong bì đối với nhân viên y tế mới tại các khoa ngoại, khoa sản thường chỉ sau một năm làm việc, còn với các khoa khác là từ một đến 3 năm.
Việc dạy thêm, học thêm, chạy trường, lạm thu trên danh nghĩa hội cha mẹ học sinh, gây quỹ các đoàn thể buộc cha mẹ học sinh và học sinh phải đóng góp cũng được đề cập. Các ý kiến cho rằng tuy những hành vi tham nhũng này gây thiệt hại về kinh tế không nhiều song chúng mang lại những hiệu ứng rất tiêu cực. Không chỉ làm giảm sút lòng tin của nhân dân, tạo nên những lực cản cho quá trình phát triển của giáo dục mà còn có thể tạo ra những dấu ấn tâm lý không tốt đối với thế hệ trẻ "những chủ nhân tương lai của đất nước".
Đưa ra khẩu hiệu "sạch tham nhũng trong lĩnh vực đất đai", Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cảnh báo 4 nguy cơ dẫn đến tham nhũng trong lĩnh vực này gồm: tính độc quyền, tính cửa quyền của cán bộ, sự thiếu minh bạch và thiếu trách nhiệm giải trình.
Đề ra giải pháp
Qua 4 năm triển khai với 9 kỳ đối thoại theo từng chủ đề riêng biệt, từ diễn đàn này nhiều giải pháp về PCTN đã được triển khai và áp dụng trong thực tế. Có thể kể đến chiến dịch "nói không với phong bì" đang được Bộ Y tế triển khai; hạn chế dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục - Đào tạo; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính của các địa phương trong cả nước và các bộ, ngành.
Hiến kế về PCTN trong quản lý đất đai, tại buổi đối thoại trước kỳ thứ 10, đại diện Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, để ngăn chặn và kiềm chế tham nhũng phải xây dựng được chính sách để nếu muốn tham nhũng thì cũng không thể và không dám thực hiện. Theo đó, trước hết phải xử lý tình trạng chênh lệch lớn giữa khung giá đất của Nhà nước với khung giá thị trường. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, xử lý nghiêm, tăng chế tài đối với các hành vi tham nhũng đất đai.
Ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong PCTN thời gian qua, ông James Anderson, chuyên gia thể chế cao cấp Ngân hàng thế giới cho rằng có 3 việc Việt Nam có thể làm được và cần làm ngay để nâng cao hơn nữa kết quả trong công tác này. Đó là phải phê chuẩn Luật tiếp cận thông tin, kê khai tài sản và đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Theo đại diện của Ngân hàng thế giới, nếu 3 vấn đề này được làm một cách triệt để sẽ là thông điệp tốt gửi tới người dân.
Bốn năm với 9 kỳ đối thoại là quãng thời gian vô cùng quý báu với những kinh nghiệm được chia sẻ liên quan tới tham nhũng - vấn nạn đang là mối quan tâm của toàn cầu. Đề cập khá toàn diện những vấn đề bức xúc của người dân, có thể nói các kỳ đối thoại là diễn đàn mở để mọi cấp, mọi ngành và những ai quan tâm cùng chia sẻ, trao đổi và tìm ra những giải pháp trong PCTN.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.