Lương - Bảo hiểm

Nhận bảo hiểm xã hội một lần: Cân nhắc kỹ để không phải tiếc nuối

Vũ Minh 04/06/2024 - 20:27

Người lao động rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần chẳng khác nào tự từ chối an ninh tài chính cho bản thân lúc tuổi già. Do đó, mỗi người nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định nhận chế độ này, để không phải tiếc nuối về sau.

Thiệt thòi trước mắt, ảnh hưởng lâu dài

Theo BHXH Việt Nam, người lao động rút BHXH một lần vừa chịu thiệt thòi trước mắt, vừa ảnh hưởng đến quyền lợi lâu dài. Lý do là vì, các chế độ BHXH được thiết kế với mục tiêu bảo đảm an toàn tài chính cho người lao động khi về già, trong đó có chế độ lương hưu hằng tháng.

Ngoài ra, người nghỉ hưu được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí với mức hưởng lên đến 95% chi phí khám, chữa bệnh. Khi qua đời, thân nhân người hưởng chế độ hưu trí nhận về chế độ mai táng, tử tuất. Vì thế, người lao động rút BHXH một lần chẳng khác nào tự bản thân từ chối an ninh tài chính cho bản thân lúc tuổi già.

anh-1.jpg
Có lương hưu hằng tháng, người cao tuổi sống an yên, ít phải phụ thuộc vào con, cháu. Ảnh: Hà Hiền

Tính toán kỹ hơn, BHXH cho biết, chỉ riêng về tài chính, thì người lao động lựa chọn rút BHXH một lần đã bị thiệt thòi rất nhiều so với người lựa chọn hưởng chế độ hưu trí. Ví dụ, một người lao động có đủ 20 năm đóng BHXH (từ năm 2003 đến hết năm 2022) với mức tiền lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH hằng tháng là 6 triệu đồng. Với mức đóng này, nếu người lao động hưởng BHXH một lần trong năm 2024, họ sẽ nhận về số tiền 207 triệu đồng.

Cụ thể, theo quy định của pháp luật hiện hành, khi rút BHXH một lần, người lao động (cả nam và nữ) được nhận về 1,5 mức bình quân tháng đóng BHXH cho mỗi năm tham gia BHXH trước thời điểm năm 2014 và 2 lần mức bình quân tháng đóng BHXH cho mỗi năm tham gia BHXH từ năm 2014 trở đi. Điều này đồng nghĩa, người lao động nêu trên nhận về số tiền BHXH một lần tính theo công thức: 6 triệu đồng x (1,5x11 + 2x9) = 207 triệu đồng.

Nếu lựa chọn nghỉ hưu, theo quy định hiện hành, năm 2024, lao động nam nghỉ hưu khi đủ 61 tuổi. Hiện tuổi thọ trung bình của nam giới ở nước ta là 71,1 tuổi, đồng nghĩa tính trung bình, lao động nam có thời gian hưởng lương hưu là khoảng 10,1 năm, tương đương 121 tháng. Với thời gian đóng BHXH 20 năm, lao động nam hưởng lương hưu với tỷ lệ bằng 45% mức bình quân tháng đóng BHXH, tương ứng với số tiền 2,7 triệu đồng/tháng. Tổng tiền lương hưu lao động nam nhận được trong thời gian 121 tháng là 326,7 triệu đồng, chưa kể được điều chỉnh tăng lương hưu trong quá trình hưởng.

Với lao động nữ, độ tuổi nghỉ hưu năm 2024 là 56 tuổi 4 tháng, tuổi thọ trung bình hiện là 76,5 tuổi. Như vậy, lao động nữ có thời gian hưởng lương hưu trung bình là khoảng 20 năm 2 tháng, tương đương 242 tháng.

Khi đóng BHXH 20 năm, lao động nữ hưởng lương hưu với tỷ lệ bằng 55% mức bình quân tháng đóng BHXH, tương ứng với số tiền 3,3 triệu đồng/tháng. Tổng tiền lương hưu lao động nữ nhận được trong thời gian 242 tháng tối thiểu là 798,6 triệu đồng, chưa kể được điều chỉnh tăng lương hưu trong quá trình hưởng.

Không chỉ bị thiệt thòi về tài chính, mà người hưởng BHXH một lần còn mất nhiều quyền lợi an sinh khi còn ở độ tuổi lao động cũng như lúc về già so với người lựa chọn hưởng chế độ hưu trí. Thế nhưng, số người đề nghị hưởng BHXH một lần vẫn liên tục tăng trong những năm gần đây. Đáng chú ý, từ đầu năm 2024 đến nay, trung bình mỗi tháng, các cơ quan chức năng giải quyết chế độ cho hơn 100.000 lượt người, cao nhất từ trước đến nay.

Với đà tăng như hiện nay, dự báo, năm 2024, cả nước có hơn 1 triệu người hưởng BHXH một lần, làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của hệ thống an sinh xã hội.

Mục tiêu cao nhất là bảo đảm an sinh

Từ những thiệt thòi thấy rõ, BHXH Việt Nam nhiều lần khuyến nghị người lao động hãy cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định hưởng chế độ này. Còn với “người trong cuộc”, hơn ai hết, họ là những người nuối tiếc nhiều nhất.

Như ông Nguyễn Văn Vượng (78 tuổi, trú tại thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì) cho biết, năm 1991, ông là một trong số nhiều người lao động về nghỉ theo chế độ 176 (Quyết định số 176/HĐBT ngày 9-10-1989 của Hội đồng Bộ trưởng về sắp xếp lại lao động trong các đơn vị kinh tế quốc doanh). Tại thời điểm này, ông Vượng tham gia BHXH được hơn 20 năm, nên có hai sự lựa chọn, một là nhận chế độ trợ cấp một lần, thường gọi là nhận “một cục”, có nhiều nét tương đồng với chế độ BHXH một lần hiện nay; hai là hưởng trợ cấp mất sức lao động với số tiền nhận về hằng tháng, thường gọi là chế độ “mất sức”, nhận về số tiền lương hằng tháng.

anh-2.jpg
Các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội quan tâm tuyên truyền giúp người lao động hiểu rõ lợi ích khi tham gia BHXH lâu dài. Ảnh: Hà Hiền

Thấy gia đình đang cần có một khoản tiền để trang trải cho cuộc sống, ông Vượng chọn hưởng chế độ “một cục” với số tiền nhận về tương tương khoảng 8 cây vàng. Sự lựa chọn này khiến ông Vượng trăn trở suốt hơn 30 năm qua. “Giá như, ngày ấy tôi chọn hưởng chế độ “mất sức”, nhận về khoản tiền hằng tháng, thì tổng số tiền tôi nhận được cho đến nay có giá trị gấp nhiều lần mức 8 cây vàng. Quan trọng hơn, những năm tháng tuổi già, tôi ít phải sống phụ thuộc vào con, cháu”, ông Vượng nói.

Là người nhận chế độ BHXH một lần vào năm 2022, chị Lê Thị Thanh (39 tuổi, trú tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh) cho hay, chị rút BHXH một lần được hơn 120 triệu đồng sau 11 năm tham gia chính sách, rồi vay mượn thêm hơn 200 triệu đồng nữa mở cửa hàng tạp hóa. Việc buôn bán không thuận lợi, khiến chị Thanh mất gần hết nguồn vốn an sinh lẫn số tiền đi vay. Trước những khó khăn chồng chất, chị Thanh buộc phải đóng cửa hàng, hiện đi làm giúp việc gia đình theo giờ. “Trải qua những ngày tháng “ba không” (không có tiền lương, không đóng BHXH, không có bảo hiểm y tế), tôi nhận ra vai trò đặc biệt quan trọng của việc có điểm tựa an sinh. Mong rằng, những ai muốn nhận chế độ BHXH một lần hãy cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định, tránh lãng phí như tôi”, chị Thanh nhắn nhủ.

Ngoài hoạt động tuyên truyền, khuyến nghị, BHXH Việt Nam cùng cơ quan chức năng tiếp tục triển khai đồng bộ giải pháp nhằm giảm số người nhận BHXH một lần. Trong đó, giải pháp then chốt là thiết kế chính sách BHXH theo hướng tăng sức hấp dẫn để người lao động yên tâm tham gia lâu dài. Cùng với đó là những phương án hỗ trợ an sinh, giúp người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn, thay vì nhận BHXH một lần để có khoản tiền chi tiêu cho các nhu cầu tối thiểu trước mắt.

Các chuyên gia cho rằng, tất cả nên cùng hướng đến mục tiêu cao nhất là bảo đảm an sinh cho mỗi người, gia đình, rộng hơn là xã hội. Đây là khoản tích lũy cho tuổi già, đóng góp hôm nay để dành cho tương lai, cho nên, đừng chạy theo số đông, theo dư luận hay vì những nhu cầu tối thiểu trước mắt, mà người lao động tự từ chối việc bảo đảm an ninh tài chính cho bản thân lúc tuổi già.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhận bảo hiểm xã hội một lần: Cân nhắc kỹ để không phải tiếc nuối

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.