(HNM) - Thực phẩm chế biến sẵn được bán qua mạng đang trở thành sự lựa chọn của không ít bà nội trợ do không phải mất công tới siêu thị, các khu chợ đông đúc mà vẫn có thể lựa chọn được món ăn theo sở thích. Thế nhưng, đằng sau sự tiện lợi đó, thực phẩm rao bán qua mạng tiềm ẩn không ít nỗi lo.
Chất lượng có bảo đảm an toàn?
Trên các diễn đàn xã hội, nhất là các trang facebook cá nhân, đủ loại thực phẩm được rao bán, từ những loại mới lạ được "xách tay" từ nước ngoài cho đến các món ăn dân dã, đặc sản vùng, miền như: Trứng gà ta, bánh chưng Lạng Sơn, nem chua Thanh Hóa, cam Canh, bưởi Diễn, thịt gác bếp Tây Bắc, nấm hương không chân, gạo Hải Hậu, măng rừng Tuyên Quang, măng tươi Lạng Sơn… Thậm chí, nhiều cơ sở tư nhân nhỏ lẻ còn nhận cung cấp tại nhà, cơ quan các món quà vặt được nhiều chị em ưa thích như nem chua rán, chân gà muối, xúc xích, sữa chua nếp cẩm, chè thập cẩm, chè sen, mực rim me Nha Trang, trà sữa thạch Thái Lan…
Quy trình đóng gói, vận chuyển đồ ăn của một số cơ sở bán hàng thực phẩm qua mạng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh.Ảnh: quỳnh vân |
Điều đáng nói là bên cạnh những trang web bán hàng có uy tín, không ít trang thông tin bán hàng theo hình thức "3 không": Không hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, không đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) nên chẳng ai dám chắc chúng sẽ an toàn khi sử dụng. Nhìn hình ảnh những món ăn được trưng bày hấp dẫn trên facebook của một cửa hàng chuyên cung cấp đồ ăn vặt trong danh sách bạn quen, chị Thu Hằng (Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội) đã đặt mua món chân gà muối yêu thích. Thế nhưng, sau khi ăn vài tiếng, hai vợ chồng chị đã bị đau bụng và tiêu chảy. Từ sau lần đó trở đi, chị Hằng đã loại bỏ thực phẩm chế biến sẵn được bán trên mạng trong thực đơn của gia đình.
Nhiều website luôn khẳng định bảo đảm chất lượng sản phẩm vì rau, thịt, cá… các loại được mua trực tiếp từ nhà sản xuất nên biết rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng. Một số trang web còn khẳng định lấy hàng của các nhà cung cấp lớn và các hợp tác xã sản xuất rau sạch... Tuy nhiên, trên thực tế, loại hình kinh doanh thức ăn trên mạng không khác gì so với thức ăn đường phố. Ngoài tiện lợi và giá rẻ thì chúng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất VSATTP. Hơn nữa, do đa phần món ăn này đều được chế biến tại cơ sở nhỏ lẻ nên khó có thể bảo đảm an toàn.
Thực phẩm rao bán qua mạng tiềm ẩn không ít nỗi lo về nguy cơ mất an toàn. |
Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội cho rằng, nhiều cơ sở chế biến và bán thức ăn qua mạng không có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP. Họ vừa bán hàng rong ngoài đường phố, vừa có dịch vụ cung cấp thức ăn trên mạng. Nếu phát hiện bất cứ cơ sở sản xuất nào sai phạm các quy định về VSATTP thì cơ quan chức năng sẽ có hình thức xử lý tương tự các cơ sở sản xuất thực phẩm đường phố.
Thay đổi hành vi, thói quen sử dụng thực phẩm
Theo bác sĩ Chu Thanh Hương (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), mọi người nên cân nhắc khi sử dụng những loại thức ăn được bán qua mạng không rõ nguồn gốc, nhất là đồ ăn ngay, ăn nhanh. Bởi những loại thực phẩm đó trong quá trình vận chuyển đến tay người dùng thường không bảo đảm, thậm chí không được bảo quản trong những thiết bị vận chuyển chuyên dụng theo quy định về VSATTP thì có thể nhiễm vi sinh vật, vi khuẩn gây bệnh, đặc biệt là bệnh tiêu chảy cấp. Chính vì vậy, nếu thực khách cứ "nhắm mắt" mua, vô tư sử dụng thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng. Đây là vấn đề khó có thể ngay lập tức giải quyết được. Người dân cần phải xem lại cách sử dụng thực phẩm của mình như: Thay đổi hành vi, thói quen sử dụng thực phẩm…
Nhìn chung, rủi ro khi sử dụng thực phẩm không rõ xuất xứ, nguồn gốc là rất khó tránh khỏi. Đáng lưu ý là hiện nước ta có đến 85% các cơ sở chế biến thực phẩm có quy mô vừa và nhỏ nên công tác quản lý rất khó khăn. Thêm vào đó là thói quen, tập quán trong cách ăn uống tại Việt Nam. Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho rằng, trong vấn đề VSATTP, trước đây những cơ sở sản xuất thực phẩm, thức ăn đường phố ít không nhiều như bây giờ, nhưng do kinh tế phát triển, thời gian hạn hẹp, cuộc sống bận rộn khiến bữa cơm truyền thống trong gia đình hiếm hoi hơn. Trong khi các quán ăn, hàng quán hiện nay nở rộ phục vụ giao hàng đến tận nơi. Vì vậy, nếu chúng ta không chọn những hàng quán sạch sẽ, bảo đảm thì nguy cơ ngộ độc sẽ rất cao.
"Thói quen chế biến thực phẩm, kinh doanh thực phẩm ngay tại hộ gia đình cũng là một trong số nguyên nhân tiềm ẩn gây ngộ độc. Người sản xuất phải có thói quen bảo quản thực phẩm đúng quy định, đúng chủng loại thì mới tránh được ngộ độc. Quan trọng nhất là chúng ta phải đưa ra cơ chế giám sát, kiểm tra sát sao những cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, nguồn thực phẩm đầu vào cũng phải được kiểm soát nghiêm ngặt. Bởi chính nguồn thực phẩm đầu vào là vấn đề lo lắng nhất trong việc bảo đảm VSATTP hiện nay" - bác sĩ Lê Thị Hải nhấn mạnh.
Thiết nghĩ, trong khi các hoạt động kinh doanh trên mạng vẫn bị thả nổi, những người kinh doanh vẫn tự do hoạt động mà không chịu bất kỳ sự quản lý nào, hơn hết khách hàng cần phải tự biết làm gì để an toàn cho chính bản thân và gia đình mình trước các nguy cơ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.