Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhạc sỹ Huy Thục và cuộc gặp gỡ khó quên

ANHTHU| 30/09/2007 08:26

(HNM) - Nhạc sỹ Huy Thục là tác giả của hàng chục ca khúc nổi tiếng: “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”, “Tiếng đàn Ta Lư”, “Cô gái Pakô”, “Đợi”, “Trăng khuyết”... Khán giả vừa được gặp ông trong chương trình “Con đường âm nhạc: Đợi... nhớ...”. Ông cũng vừa có một cuộc gặp khó quên với những người bạn từ cách xa nửa vòng trái đất.

(HNM) - Nhạc sỹ Huy Thục là tác giả của hàng chục ca khúc nổi tiếng: “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”, “Tiếng đàn Ta Lư”, “Cô gái Pakô”, “Đợi”, “Trăng khuyết”... Khán giả vừa được gặp ông trong chương trình “Con đường âm nhạc: Đợi... nhớ...”. Ông cũng vừa có một cuộc gặp khó quên với những người bạn từ cách xa nửa vòng trái đất.

Vui chuyện, ông kể về cuộc gặp gỡ trong mùa hè năm nay giữa ông với các nhà làm phim đến từ nước Mỹ. Được phép Chính phủ VN và các cơ quan chức năng, họ xin gặp một nhạc sỹ nổi tiếng từng tham gia chiến đấu trên các mặt trận để làm bộ phim tài liệu “Hối hận”. Ông được giới thiệu. Và diễn ra một cuộc gặp bất ngờ, cảm động giữa những người từng ở hai chiến tuyến.

Trong số các nhà làm phim có một nghệ sĩ da đen kéo violon và chơi trống, trước đây từng tham gia Sư đoàn Anh cả đỏ (Big red one) của quân đội Mỹ, lúc sang VN 18 tuổi và đóng quân ở Biên Hòa (Đồng Nai). Gặp vợ chồng nghệ sỹ quân đội, các nhà làm phim Mỹ tưởng sẽ đối mặt với những lời chỉ trích nặng nề hay không khí căng thẳng, nhưng cuộc trò chuyện diễn ra hết sức vui vẻ và thấm đượm tình nghệ sỹ.

Những người bạn Mỹ nói rằng, họ lần theo các địa danh trong bài hát của ông để ghi lại hình ảnh VN hôm nay.

Ông kể cho các nhà làm phim về tiểu đội của anh Bùi Ngọc Đủ tiêu diệt được cả một tiểu đoàn lính Mỹ để bảo vệ kho lương thực. Chiến công của họ gây cảm hứng mãnh liệt để ông viết “ơi, dòng suối La La”. Ông kể về bà con Vân Kiều gùi gạo cho bộ đội, hái rau rừng để ăn và uống nước suối nhưng không lấy một hạt gạo của cách mạng. Và trước ngực họ luôn là cây đàn Ta Lư “cất tiếng ca vang vọng núi rừng/Theo nhịp bước quân đi...”. “Tiếng đàn Ta Lư” đã đi vào ca khúc của ông giản dị như vậy... Ông kể về chuyến đi cùng đoàn phim của Đài Truyền hình VN trở lại Pa Cô thăm đồng bào Vân Kiều. Nghe bà con nắm tay, nói những lời thân thương mà ấm lòng: “Huy Thục là người Hà Nam mà gắn bó với người dân tộc Vân Kiều như người của miềng”. Những cô gái Vân Kiều hôm nay hát “Cô gái Pakô” bằng tiếng Vân Kiều cho ông nghe, để nước mắt ông chảy vào trong...

Dù tuổi cao, những chuyến đi thực tế vẫn có sức hút với ông. Chuyến đi gần đây nhất, ông cùng các nhạc sỹ đến Đắk Lắc và Đắk Nông để sáng tác ca khúc cho ngành Bưu chính Viễn thông. Trở về, ông lăn ra ốm... Sức khỏe dần phục hồi, ông lại mon men cầm bút... Chẳng giấu giếm, ông khoe, cả một đời phục vụ trong quân ngũ, ngoài gia tài quý giá không gì so sánh nổi là những ca khúc, những bản nhạc... vợ chồng ông được tiêu chuẩn phân phối căn nhà rộng trên 100m2. Ông chia cho con trai cả một nửa để làmnhà, coi như chút lộc “nhà binh” bố mẹ để lại cho con. Hai con trai nối nghiệp cha theo nghệ thuật và hiện đang công tác trong quân đội. Còn cô út theo nghề hướng dẫn viên du lịch. Căn nhà vợ chồng ông đang ở thật giản dị và đầy ắp tiếng cười của các cháu. Những đồ vật nhuốm màu thời gian càng làm nổi bật cây đàn Piano sáng bóng. Trên tường, chiếc đàn Ta Lư được treo ở vị trí trang trọng cùng với những bức cảnh đen trắng phóng to ghi lại những khoảnh khắc ông cùng các đồng đội có mặt trên chiến tuyến năm nào. Và kê dọc tường là những tủ đứng cao chất đầy sách và bản thảo...

Trần Linh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhạc sỹ Huy Thục và cuộc gặp gỡ khó quên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.