Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhạc sĩ Phú Quang: Yêu Hà Nội đến cháy lòng...

Bài: THU HẰNG - Ảnh: HẢI BÁ| 16/04/2019 20:43

(HNMO) - Phú Quang là nhạc sĩ có nhiều “duyên nợ” với Hà Nội. Những ca khúc của ông là nỗi niềm, là sự day dứt, là tình yêu khôn nguôi với mảnh đất nghìn năm văn hiến.


Thẳm sâu một tình yêu Hà Nội

Nhắc đến nhạc sĩ Phú Quang, người yêu nhạc cả nước chẳng thể nào quên những bài tình ca về Hà Nội như: "Em ơi Hà Nội phố", "Im lặng đêm Hà Nội", "Hà Nội ngày trở về", "Chiều phủ Tây Hồ", “Hà Nội và em khi thu chớm đông sang”… của ông. Đó là những giai điệu đẹp, làm xao xuyến lòng người, kể cả những ai chưa từng đến Hà Nội.

Nhạc sĩ Phú Quang - Công dân Thủ đô ưu tú năm 2014.


Sinh năm 1949, Phú Quang là con út trong gia đình đã bảy đời sống ở Hà Nội. Kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, gia đình ông tản cư lên Phú Thọ và Phú Quang được sinh ra ở đó. Ngày Hà Nội được giải phóng (10-10-1954), nhạc sĩ tương lai tròn 5 tuổi, được theo cha mẹ trở về Thủ đô. Ông đã trải qua những năm tháng tuổi thơ nơi căn nhà nhỏ ở phố Khâm Thiên…

Năm 1985, vì lý do cá nhân, Phú Quang rời Hà Nội chuyển vào sinh sống ở thành phố Hồ Chí Minh và mãi tới năm 2008, khi xấp xỉ lục tuần, ông mới trở lại Hà Nội. Đối với ông, trong suốt 25 năm xa Hà Nội, đó là quãng thời gian luôn phải sống trong khắc khoải nhớ mong.

Nhạc sĩ kể, suốt một năm đầu ở TP Hồ Chí Minh, ông gặp nhiều khó khăn, tâm trạng lại ray rứt, cồn cào, cảm thấy lầm lỗi khi dứt áo ra đi, rời xa Hà Nội. Một buổi chiều, ông cùng nhạc sĩ Trần Tiến và nhà thơ Phan Vũ gặp nhau. “Anh Vũ đọc chúng tôi nghe bài thơ dài như trường ca “Em ơi! Hà Nội phố” tự nhiên thấy xúc động quá. Hai ngày sau đó, bài hát “Em ơi Hà Nội phố” ra đời. Đó là năm 1986. Tôi chơi piano và hát cho anh Vũ nghe. Phan Vũ yên lặng, xong xuôi bảo: “Phú Quang làm cho thơ anh lấp lánh quá!” – nhạc sĩ nhớ lại.

Phú Quang đã chọn những câu thơ hay nhất của Phan Vũ, kết hợp với cảm xúc của mình, không “tả” mà là “cảm”, để làm nên ca khúc “Em ơi Hà Nội phố”. Bài hát gợi cảm giác bâng khuâng, nhớ nhung về Thủ đô lãng mạn - một miền ký ức xa xôi, không ồn ào mà mơ màng, mong manh, thanh lịch nhưng buồn thương và đẹp đến nao lòng. Nhân vật chính là “em” - Hà Nội - tựa như người tình, người bạn tri kỷ níu chân nghệ sĩ.

Nhạc sĩ Phú Quang được ca ngợi là “nhạc sĩ của Hà Nội”


Bài hát mê hoặc lòng người đến nỗi ai đã từng đi trên các con phố Hà Nội đều cất lời ca: “Em ơi Hà Nội phố. Ta còn em mùi hoàng lan, ta còn em mùi hoa sữa...”.

“Em ơi Hà Nội phố” đã làm nên tên tuổi Phú Quang, để rồi con đường âm nhạc của ông tiếp tục được thăng hoa với nhiều ca khúc mới mang một màu sắc riêng về Hà Nội. Chính vì lẽ đó mà nhạc của Phú Quang trở thành “đặc sản” của người yêu nhạc, người yêu Hà Nội.

“Người tình” muôn thuở trong âm nhạc Phú Quang

Phú Quang không phải là người quá kín đáo để khó gần. Một mùa thu hơn hai chục năm trước gặp ông tại tòa soạn, khi nhạc sĩ vừa từ Sài Gòn bay ra chuẩn bị cho đêm nhạc tại Cung Thiếu nhi, tôi không thể hình dung con người nhiệt tình, sôi nổi và phong trần như ông mà âm nhạc lại là sự tĩnh lặng đầy suy tư, khắc khoải, đắm đuối trong hoài niệm về Hà Nội như thế.


- Thưa nhạc sĩ Phú Quang, ông đã từng chia sẻ: "Nếu không có Hà Nội thì không có âm nhạc Phú Quang"?

- “Đúng vậy. Một khi ta đã yêu cái gì đó tha thiết quá thì đều có cảm giác như một người tình. Tôi yêu Hà Nội cực đoan đến nỗi khi nhìn chiếc lá, trong phút ngông cuồng tôi đã nghĩ lá ở Hà Nội xanh hơn nơi khác. Tôi viết nhiều về Hà Nội vì rất đơn giản thôi, tôi coi Hà Nội là quê hương của mình. Thì bao giờ, cả với tôi hay bất kỳ người nào viết về quê hương của mình đều rất trìu mến và sâu sắc. Tôi viết để trả nợ cho mảnh đất quê hương, nơi tôi đã lớn lên, nơi có căn nhà của mẹ cha tôi đã đổ sập sau những trận bom B52, nơi đã cùng tôi hoài thai lên những ước mơ của tuổi trẻ, nơi tôi đã ra đi, đã đau đáu nhớ thương và đã trở về”…

Trong kho tàng hơn 600 bài hát của Phú Quang, phần nhiều trong số đó là về Hà Nội. Kể cả những bài hát không có một chữ nào nhắc đến Hà Nội, khi giai điệu vang lên, người yêu nhạc đều thấy đó là một ca khúc viết về Hà Nội và chỉ Hà Nội mà thôi. Những câu hát “Dường như ai đi ngang cửa/gió mùa Đông Bắc se lòng/chút lá thu vàng đã rụng/chiều nay cũng bỏ ta đi” hay “Thôi đừng hát ru, thôi đừng day dứt/Lá trút rơi nhiều, đâu phải bởi mùa thu”… chỉ cần ngân lên là đã gợi mở một không gian ngập tràn Hà Nội.

Được phong là nhạc sĩ của những ca khúc về Hà Nội nhưng Phú Quang không nghĩ đó là một vinh dự gì ghê gớm mà chỉ cho rằng đó là bổn phận của mình.

“Nhạc của tôi là những bài hát cất lên từ tình yêu chân thành, thiêng liêng với Hà Nội. Công chúng đến với nhạc của tôi cũng từ một tình yêu Hà Nội chân thật, sâu đậm”.


Với Phú Quang, Hà Nội trong ông luôn là một trang nhạc của sự rung động. Nó không có sự cũ kỹ, bụi bặm của mảnh đất ngàn năm văn hiến mà nó là vẻ đẹp lãng mạn, nên thơ với “hương hoa sữa nồng nàn”, với “chiều sương giăng lối cũ”. Qua những ca khúc của ông, khán giả dường như được chìm vào trong ký ức, được sống chậm lại và cảm nhận một Hà Nội khác. Không phải Hà Nội hiện đại, xô bồ với nhịp sống hối hả mà là Hà Nội trữ tình, yên bình, lịch lãm với sự lãng mạn của mùa thu, nét rêu phong của những hàng phố cũ, những mái nhà cổ thánh thót tiếng dương cầm, một Hà Nội ngây ngất nắng, một Hà Nội run run heo may, một Hà Nội đêm cuối mùa thu trăng lạnh mờ sương… Đẹp, đôi khi buồn, nhưng không đau khổ.

Một người bạn phương Nam chia sẻ: “Trước đây khi chưa biết nhiều về Hà Nội, nghe nhạc Phú Quang thấy lòng mình yêu Hà Nội như chốn chôn rau”. Không riêng gì bạn tôi, rất nhiều khán giả yêu Hà Nội cũng đắm chìm vào giai điệu của ông để tìm cho mình một không gian tươi xanh, lãng mạn, ngập tràn thương yêu. Âm nhạc của Phú Quang đã giúp rộng mở tâm hồn, nâng cao giá trị cuộc sống, khiến người ta thêm quý, thêm yêu Hà Nội.

Thổi hồn cho thơ viết về Hà Nội

Phú Quang là một trong những nhạc sĩ “kết duyên” nhiều nhất với các nhà thơ vì không có họ, khó mà có một Phú Quang hoàn chỉnh của âm nhạc.

Nhạc sĩ tài hoa tâm sự: “Thật lòng mà nói từ hồi còn trẻ và bây giờ vẫn thế, tôi thích văn chương hơn. Tôi có nhiều bạn bè là nhà thơ. Đọc thơ của bạn bè thích lắm, thấy đời sống của dân văn chương rất sâu sắc. Mỗi khi đọc được một bài thơ hay, tôi thường đắm chìm rất lâu trong đó. Đôi khi một câu thơ vô tình, cứ quẩn quanh trong đầu, đòi có thêm một hình hài diện mạo mới trong âm nhạc, làm tôi mất ăn mất ngủ. Việc tôi có nhiều bài hát phổ thơ cũng là lẽ tự nhiên”...


Yêu quý các nhà thơ, hiểu được từng câu chuyện cuộc đời phía sau bài thơ mình phổ nhạc, Phú Quang có một mối đồng cảm sâu sắc với những người bạn thi sĩ. Tuy nhiên, ca từ trong những bài hát mà Phú Quang giữ nguyên tác từ thơ rất ít, ông thường chỉ chọn lấy cái lõi của bài thơ, rồi chỉnh sửa, nâng cánh cho nó “bay” lên.

Phú Quang khiêm tốn bảo: “Trong một bài hát, đôi khi tôi chỉ nhặt một câu thơ mà tôi thích, rồi tôi viết thêm ca từ của tôi vào. Tôi kể câu chuyện của tôi, đằng sau câu chuyện mà nhà thơ đã kể. Một câu thơ thôi nhưng sẽ là vĩnh viễn không có bài hát nếu tôi không nhìn thấy câu thơ đó. Bởi vậy tôi luôn đề rõ điều này trong tác phẩm để tỏ lòng tôn kính người đã gợi cảm hứng sáng tác cho mình”.

Hàng trăm bài hát nổi tiếng của Phú Quang đã ra đời theo cách đó rồi chảy trôi theo số phận riêng, mà tác giả thơ, khi đứa con của mình chưa được phổ nhạc, cũng không thể nào hình dung nổi.

Khát khao sáng tạo không ngưng nghỉ

Suốt cuộc đời say mê với vẻ đẹp thiên nhiên, cốt cách con người Hà Nội, rồi biến tình yêu ấy thành nét nhạc, lời ca, nhạc sĩ Phú Quang đã cống hiến không ngừng nghỉ cho sự nghiệp văn hóa nghệ thuật của Thủ đô và đất nước.

Tháng 10-2014, nhân kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô, ông đã được vinh danh là Công dân Thủ đô ưu tú.

Nhiều năm qua, cứ mỗi mùa thu về, nhạc sĩ Phú Quang đều có chương trình âm nhạc của riêng mình về Hà Nội, tạo nên một hoạt động văn hóa đặc biệt chào mừng kỷ niệm Ngày giải phóng Thủ đô (10-10).


Năm năm đã trôi qua, ở cái tuổi mà cảm nhận mọi thứ xung quanh mình bằng sự điềm tĩnh, Phú Quang chia sẻ rằng, trong sự nghiệp âm nhạc của mình, ông đã có nhiều giải thưởng lớn, nhưng giải thưởng do Hà Nội trao tặng là giải thưởng đặc biệt bởi nó tiếp thêm cho ông niềm tin vào cuộc đời và động lực để ông tiếp tục lao động, cống hiến.

“Dù không sinh ra ở Hà Nội nhưng trải qua thời niên thiếu và cả một quãng đời tuổi trẻ ở đất Hà thành, tôi yêu Hà Nội vì đó là một phần máu thịt cuộc đời tôi, làm nên cốt cách và âm nhạc của tôi. Hằng năm tôi đều tổ chức những đêm nhạc về Hà Nội như một lời tri ân sâu sắc đến nơi đã nuôi dưỡng, bao dung và lúc nào cũng dang rộng vòng tay đón tôi trở về. Hà Nội hôm nay tấp nập hơn nhưng tình yêu của tôi thì vẫn không đổi, bởi vì tình yêu thì không thể toan tính, không thể sắp đặt mà chỉ có thể cống hiến hết mình” – nhạc sĩ bộc bạch.

Một trong những Đêm nhạc Phú Quang.


Được hàn huyên với ông, tôi càng hiểu thêm rằng, cái tình của nhạc sĩ dành cho Hà Nội luôn chân thật, nồng nàn và đầy trách nhiệm.

Thời gian làm dáng đi của ông chậm hơn nhưng nhạc sĩ Phú Quang vẫn luôn đầy ắp các dự định âm nhạc và khao khát sáng tạo không ngưng nghỉ (dù ông hưởng lộc từ các bài hát cũ cũng đủ “xông xênh” rồi). Và tình yêu Hà Nội, từ trong sâu thẳm cứ tự nhiên tuôn trào qua những sáng tác mà như ông nói, chừng nào còn hơi thở, ông còn cống hiến cho thành phố mà mình si mê...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhạc sĩ Phú Quang: Yêu Hà Nội đến cháy lòng...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.