Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhạc sĩ Đoàn Bổng: Viết nhạc, làm thơ với tâm hồn tuổi trẻ

Mai Đình| 07/03/2023 17:07

(HNMCT) - “Tôi luôn viết ca khúc, làm thơ với tâm hồn tuổi trẻ, yêu đời, yêu cuộc sống” - đó là tâm sự của nhạc sĩ U80 Đoàn Bổng khi nói về cuộc đời nghệ thuật của mình. Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng ông vẫn say mê làm việc, sáng tác. Tác giả của những ca khúc quen thuộc với công chúng như “Dòng sông quê em, dòng sông quê anh”, “Dòng nước ân tình”, “Về Hà Tây đi em”, “Anh đưa em về thưa với mẹ cha” đã chia sẻ cùng Hànộimới Cuối tuần về kỷ niệm và hành trình nghệ thuật của ông.

- Thưa nhạc sĩ Đoàn Bổng, đến thăm nhà ông, nhiều người sẽ ấn tượng với những bức ảnh đượm màu thời gian được treo trang trọng trong phòng khách. Dường như hình ảnh quê hương luôn hiện diện trong tâm trí ông?

- Nơi tôi sinh ra là làng Kiều Thị, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây xưa, nay thuộc Hà Nội. Tôi vẫn nhớ những buổi chiều tối, lũ trẻ con chúng tôi thường ra cổng làng chơi nặn đất sét, ném pháo đất, đánh khăng, đánh đáo, nhặt những quả đa chín ăn. Làng tôi có một giếng nước rất trong, hằng ngày các cô các bà đều ra đó gánh nước về ăn… Làng tôi có cái đình, chùa nhỏ, trước mặt là vực nước và chúng tôi thường thi nhau ngụp lặn. Mỗi khi nhắc đến quê hương, trong tôi lại hiện lên bao kỷ niệm. Ca khúc “Dòng sông quê em, dòng sông quê anh” tôi viết khi tỉnh Hà Sơn Bình thành lập. Khi bài hát được phát sóng, anh em biên tập thông báo cho tôi biết là trong 1 tháng có hai bài nhận được nhiều thư thính giả là bài hát của tôi và bài “Khúc tâm tình của người Hà Tĩnh” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, tôi mừng quá. Sau này, tỉnh Hòa Bình và Hà Tây tách riêng thì tôi viết ca khúc “Về Hà Tây đi em”. Đến giờ, mặc dù Hà Tây đã sáp nhập với Hà Nội nhưng tôi vẫn nghe người ta hát bài hát này. Khi chúng tôi viết sử bằng âm nhạc thì nó sẽ không bao giờ mất cả.

- Những sáng tác của ông luôn thấp thoáng chất dân ca. Trong quá trình viết nhạc, ông có kỹ thuật riêng nào không?

- Nhiều bài hát của tôi mang âm hưởng dân ca, đặc biệt là dân ca vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Từ thời mẹ tôi còn trẻ, tôi thường được nghe bà hát điệu Cò lả, Sa mạc, Trống quân… Tôi nghe và ngấm dần lúc nào không hay. Sau này, khi học ở trường cấp 3 Đoàn kết (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), tôi là ủy viên văn nghệ của trường và được cử đi học trên Sở Văn hóa. Tôi được học hát xẩm, hát chèo… Sau này, khi đã tốt nghiệp trường âm nhạc, về công tác tại Đài Phát thanh Giải phóng, tôi được phân công biên tập chương trình Dân ca nhạc cổ. Tôi tham gia phối khí, đặt lời mới phục vụ chiến trường. Trong quá trình làm việc, tôi được ngấm thêm chất dân ca ở những vùng miền phía Nam. Một người bạn đã nói rằng: “Đoàn Bổng đầy một bụng dân ca”.

Năm 1976, tôi viết bài hát “Dòng nước ân tình” mang âm hưởng dân ca Nghệ Tĩnh. Mỗi khi viết về đề tài gì, tôi phải hiểu được đề tài ấy thuộc về địa phương nào. Viết về Phú Quốc, tôi đưa chất dân ca Nam Bộ vào, ví dụ như bài “Đảo ngọc Phú Quốc”. Tôi vào Pleiku và viết bài hát cho thành phố này với chất dân ca Tây Nguyên.

- Nhạc sĩ Đoàn Bổng cũng có nhiều bài hát về đề tài tình yêu, tiêu biểu như “Anh bắt đầu từ em”, “Áo tím chiều mưa”, “Tím nhớ”, “Nghe trong tiếng yêu”… Năm nay, đã ở tuổi 80, ông nghĩ về tình yêu như thế nào?

- Tình yêu không có tuổi. Nói về tuổi, đó là tuổi của thời gian chứ không phải của cảm xúc. Có ai bắt trái tim tôi phải đập nhanh hay đập chậm đâu! Tôi gặp một vẻ đẹp thì vẫn xúc động chứ. Khi sáng tác, sự xao xuyến, xúc động luôn ở tuổi đôi mươi. Hồi trước, tôi viết bài “Đưa em về thưa với mẹ cha” chính là nhớ về quãng thời gian tôi đưa người yêu - sau này là vợ mình - về ra mắt bố mẹ. Tôi may mắn được trời cho năng khiếu làm thơ từ khi nhỏ và có thể “tức cảnh thành thơ”. Cũng nhờ có thơ mà ca từ của tôi khá chặt chẽ, dễ hiểu. Tôi tâm niệm: Thơ hay nhạc luôn phải có tính chân thật. Tôi thường in thơ vào những tấm card visit, in kèm địa chỉ để giao lưu với bạn bè. Có một lần vào thành phố Hồ Chí Minh, một người bạn tôi vẫn giữ tấm card đó với bài thơ “Tuyên ngôn năm 2000”. Điều đó khiến tôi xúc động, bởi sau nhiều năm, bài thơ của mình vẫn có “tác dụng”.

- Suốt cuộc đời sáng tác với nhiều thể loại âm nhạc, nhiều đề tài khác nhau, đến thời điểm này, điều gì khiến ông quan tâm nhất?

- Bây giờ tôi có thể sẽ viết tình ca. Từ xưa đến nay, tôi thấy những gì còn tồn tại đều là tình ca. Dân ca quan họ hay dân ca Tây Nguyên, dân ca Nam Bộ cũng nói về tình yêu đôi lứa, tình cảm lưu luyến, nhớ thương. Có tình yêu thì người ta mới thấy cần phải sống để yêu thương, chăm chút cho nhau. Con người có yêu nhau thì họ mới yêu làng xóm, yêu quê hương đất nước.

Tôi luôn viết ca khúc, làm thơ với tâm hồn tuổi trẻ, yêu đời, yêu cuộc sống. Ví dụ, thời bao cấp, cuộc sống rất khó khăn nhưng chúng tôi không nghĩ là khổ. Mỗi người phải tự rèn luyện, không ai có thể rèn thay mình. Con người có yêu cuộc sống thì mới thấy mọi thứ đẹp. Tôi luôn tìm cho mình niềm vui, dù đó là cuộc sống đơn giản nhất.

- Trân trọng cảm ơn nhạc sĩ Đoàn Bổng!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhạc sĩ Đoàn Bổng: Viết nhạc, làm thơ với tâm hồn tuổi trẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.