(HNMCT) - Vậy là nhà văn Phong Thu, người dành cả đời mình cho những tác phẩm viết cho thiếu nhi đã rời cõi tạm. Trong ký ức của lớp lớp thế hệ học trò, những tác phẩm như: “Xe lu và xe ca”, “Hoa mướp vàng”, “Đi tìm việc tốt”... luôn là những bài học đầu tiên, dung dị mà chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa sâu sắc. Đặc biệt, các thế hệ thiếu nhi sẽ mãi nhớ đến ông, tác giả của bài thơ “Bác Hồ - Người cho em tất cả” được nhạc sĩ Hoàng Long - Hoàng Lân phổ nhạc, thể hiện sự biết ơn của lứa tuổi măng non với vị lãnh tụ vô vàn kính yêu của dân tộc.
1. Những năm cuối đời, nhà văn Phong Thu vẫn giữ thói quen ghé thăm nhà sách của Nhà xuất bản Kim Đồng mỗi khi rảnh rỗi. Mặc dù tuổi cao và sức khỏe có phần giảm sút nhưng cái thú được đắm mình trong thế giới sách của tuổi thơ khiến ông luôn hăng hái. Ông đọc cả những cuốn sách không liên quan đến văn chương, lý giải rằng viết văn thì phải đọc để hiểu hết các lĩnh vực của đời sống, hiểu những gì thuộc về thế giới trẻ thơ. Người thân ông còn kể rằng, ông dành tình yêu với các cháu thiếu nhi nhiều đến độ năm nào cũng vậy, vào ngày khai giảng năm học mới ông đều đến các trường tiểu học trên địa bàn Thủ đô. Tuy nhiên, ông không vào dự mà chỉ đứng ở cổng chăm chú quan sát các em như một người ông chờ đón cháu về.
Để lối viết luôn mới mẻ, hấp dẫn bạn đọc, ông không cho phép mình đi theo lối mòn mà luôn tìm tòi hướng đi mới. Ông từng bộc bạch, trẻ em chóng chán, tư duy không logic nên nhà văn phải viết thật ngắn gọn, câu từ dễ hiểu, dễ nhớ thì chúng mới hứng thú. Ông để ý đến hình thức của cuốn sách bởi ông hiểu với tâm lý của bọn trẻ, chúng sẽ thấy hấp dẫn với những gì nhỏ gọn, màu sắc lung linh. Chính vì vậy, ông đã nhiều lần đề nghị nhà xuất bản không in khổ to mà in khổ nhỏ để các em dễ mang đi khi cần. Điều đó lý giải vì sao những tác phẩm của ông luôn được các bạn nhỏ yêu thích.
Hơn nửa thế kỷ cầm bút, nhà văn Phong Thu sở hữu khoảng 100 đầu sách cùng hàng ngàn bài viết trên báo, tạp chí, chuyên san, tuy nhiên ông vẫn dành tình cảm đặc biệt cho Nhà xuất bản Kim Đồng. Phần vì đây là nơi ghi dấu ấn cuốn sách đầu tay của ông mang tựa đề “Đi tìm việc tốt” (năm 1966); mặt khác, chính đơn vị này đã góp phần không nhỏ trong việc giới thiệu tác phẩm của ông đến gần hơn với độc giả, đặc biệt là thiếu nhi. Với lối viết ngắn gọn, nhẹ nhàng, dung dị, gần gũi, mỗi câu chuyện trong văn của ông khiến các em nhỏ phải bật cười, nhưng ẩn chứa trong đó là những bài học ý nhị, sâu sắc. Thông qua những câu chuyện trong cuộc sống, ông giáo dục các em về tình bạn, sự hiếu đễ, các đức tính như dũng cảm, trung thực, yêu thương, đồng cảm..., từ đó góp phần khơi dậy và nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ.
Đặc biệt, thông qua tác phẩm của mình, nhà văn Phong Thu còn gửi gắm những kinh nghiệm quý báu trong đời cầm bút của mình để biết đâu sẽ “chắp cánh”, “ươm mầm” và nuôi dưỡng tâm hồn cho những nhà văn tương lai. Tác phẩm “Ước mơ viết văn, viết truyện” là một ví dụ. Cuốn sách không chỉ trao đổi với các em về việc làm quen với viết văn, viết truyện mà ông còn hướng dẫn các em tìm cảm hứng, đề tài, tích lũy vốn sống, cóp nhặt vốn từ, tìm cốt truyện cho đến việc cụ thể hơn là miêu tả (cảnh, người, con vật, đồ vật, âm thanh, tiếng động, sắc màu, hương vị...) qua cách viết đối thoại sao cho hấp dẫn. Trong lời tựa của cuốn sách, ông đã nêu quan điểm của mình: “Viết văn, hiểu đơn giản là viết từng câu tiếng Việt rõ nghĩa, đúng ngữ pháp, ít nhất là có chủ ngữ, động từ hoặc tính từ”. Đây không chỉ là cuốn sách hữu ích dành cho các em nhỏ yêu thích viết văn, mà còn là cuốn “cẩm nang” nhỏ xinh, ý nghĩa đối với các em học sinh.
2. Tình yêu thương dành cho trẻ nhỏ cũng xuất phát từ chính cuộc đời của ông, bởi trong gia đình, ông là anh cả của 3 đứa em. Là một người anh trong nhà, Phong Thu luôn nghĩ đủ trò để dỗ dành em, và quá trình quan sát các em khôn lớn đã giúp ông tích cóp kiến thức. Thêm một cái duyên nữa khiến ông gần gũi với các em thiếu nhi, đó là khi trưởng thành ông đã có 12 năm (từ năm 1952 đến năm 1964) công tác trong ngành Giáo dục, trong đó có thời gian dạy cấp I ở Mai Châu (Hòa Bình). Cuộc đời ông bắt đầu rẽ sang một ngã rẽ khác khi ông xin về làm ở Báo Thiếu niên tiền phong (nay là Báo Thiếu niên tiền phong và Nhi đồng). Trong thời gian làm báo, ông đi nhiều, tiếp xúc nhiều với thiếu nhi nên đã được nghe biết bao nhiêu chuyện của trẻ con, đó là chất liệu vô cùng quan trọng để ông "chuyển thể" thành tác phẩm văn học.
Không chỉ viết văn, nhà văn Phong Thu còn làm thơ và những vần thơ ấy đã “bay” vào khuông nhạc của nhiều nhạc sĩ. “Bác Hồ, người cho em tất cả” là bài thơ nổi bật nhất của ông đã được anh em nhạc sĩ song sinh Hoàng Long - Hoàng Lân phổ nhạc năm 1975, khi đất nước sạch bóng quân thù và cảm xúc rung lên trong ông khi cảm nhận niềm vui, sự hạnh phúc của hòa bình, độc lập, tự do. Ca khúc đã đánh dấu tên tuổi của ca sĩ Hồng Nhung khi cô lên 10 trong lần biểu diễn với đội ca Họa Mi của Nhà Thiếu nhi thành phố Hà Nội. Ngoài ra, một số bài thơ của ông như “Sao Nhi đồng chăm ngoan”, “Năm cánh sao vui”, “Hoa thơm tặng chú thương binh”... cũng đã được phổ nhạc và được nhiều em nhỏ vô cùng yêu thích.
Những năm cuối đời, ông sống trong căn hộ tập thể trên phố Trương Hán Siêu (Hà Nội). Mặc dù tai trái phải dùng thiết bị trợ thính, đôi mắt tinh anh ngày nào cũng phải nhờ đến sự hỗ trợ của chiếc kính lúp nhưng điều đó không làm giảm nhiệt huyết trong ông. Hằng ngày ông vẫn cần mẫn với cây bút và trang giấy, vẫn mong muốn còn khỏe thì còn cống hiến tác phẩm hay và ý nghĩa cho tuổi thơ. Với ông, viết văn, viết báo là niềm vui đặc biệt, là nhu cầu tự thân mà ông cảm tưởng chưa bao giờ thấy đủ, nếu không viết là thấy nhớ, thấy thiếu vô cùng...
3. Thế rồi một biểu tượng của tinh thần làm việc không ngừng nghỉ ấy đã phải dừng lại trong những ngày cuối cùng của năm 2020, khi ông chuẩn bị bước vào tuổi 87. Biên tập viên Thúy Loan (Nhà xuất bản Kim Đồng) khi biết tin đã chia sẻ với những người yêu mến ông rằng: “Vào một ngày cuối năm, giữa mùa đông Hà Nội, bác từ biệt mọi người đúng như nguyện vọng của bác: Không ốm nặng, không nằm lâu, không lụy phiền... Trong tâm hồn trẻ thơ Việt Nam các thế hệ, tên bác cùng những câu chuyện nhỏ xinh, giản dị nhưng luôn ẩn chứa lời nhắn nhủ chân tình, nhân nghĩa hẳn sẽ còn được nhắc nhớ”.
Nhà văn Phong Thu đã rời xa chúng ta nhưng chắc chắn những truyện ngắn như “Đi tìm việc tốt”, “Cây bàng không rụng lá”, “Bồ nông có hiếu”, “Xe lu và xe ca”... sẽ sống mãi với thời gian, sống mãi trong ký ức của các thế hệ trẻ thơ nước nhà. Ông ra đi sau khi nhạc sĩ Phong Nhã mất không lâu, để lại khoảng trống khó lấp đầy trong mảng sáng tác văn học nghệ thuật dành cho thiếu nhi vốn không nhiều người có thể viết hay.
Nhà văn Phong Thu (tên đầy đủ là Nguyễn Phong Thu) sinh năm 1934, quê ở xã Kiên Trung, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Ngoài bút danh Phong Thu, ông còn có các bút danh là Hồng Trang, Hồng Hương, Hoa Hương, Hiền Hoa... Trong sự nghiệp cầm bút của mình, ông được trao giải Nhất cuộc thi viết cho thiếu nhi do Hội Nhà văn Việt Nam, NXB Kim Đồng và Ủy ban Thiếu niên, Nhi đồng Trung ương tổ chức với tác phẩm “Hoa mướp vàng” năm 1968, Giải thưởng Hội Văn nghệ Hà Nội cho tập truyện “Điểm 10” năm 1969, Giải thưởng Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam năm 1970 cho kịch bản phim hoạt hình “Cá sấu ngứa răng”...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.