Văn nghệ

Nhà văn Lê Minh Khuê: Lặng lẽ sống, lặng lẽ viết

Phú Xuân 16/03/2024 10:07

Là người giản dị và kín tiếng, nhà văn Lê Minh Khuê luôn cho rằng tài năng văn chương phải được thể hiện bằng tác phẩm, viết phải kỹ lưỡng, có trách nhiệm.

Bà được coi là “cây truyện ngắn” tài năng trên văn đàn đương đại Việt Nam. Truyện ngắn của bà không chỉ được bạn đọc trong nước đón nhận, mà được dịch và phát hành tại Hàn Quốc, Mỹ, Đức, Thụy Điển..., nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên môn.

khue-1.jpg
Nhà văn Lê Minh Khuê.

1. Lê Minh Khuê sinh năm 1949 tại Thanh Hóa, hiện sống và viết ở Hà Nội. Năm 16 tuổi, bà khai thêm tuổi và gia nhập lực lượng thanh niên xung phong làm nhiệm vụ ở tuyến đường Trường Sơn.

Sau bốn năm khoác áo thanh niên xung phong, năm 1969 Lê Minh Khuê trở thành phóng viên chiến trường của Báo Tiền Phong, rồi chuyển sang làm phóng viên của Đài Tiếng nói Việt Nam. Đó là khoảng thời gian đáng nhớ nhất khi bà rong ruổi ngược xuôi trên mọi nẻo đường khói lửa, đạn bom gầm rít, cái chết cận kề của một thời kỳ “Nhà tan cửa nát cũng ừ/ Đánh tan giặc Mỹ, cực chừ sướng sau”.

Sau năm 1975, bà đầu quân cho Đài Truyền hình Việt Nam, lại được đi đây đi đó, thỏa chí tang bồng trong khung cảnh thời bình. Làm báo hình, nhưng tâm tư tình cảm của bà vẫn nghiêng về văn chương.

Có thể nói văn chương đã bám víu vào bà như một định mệnh, để rồi năm 1978, Lê Minh Khuê chuyển hẳn về công tác tại Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới (nay là Nhà xuất bản Hội Nhà văn). Bắt đầu từ đây, bà trở thành biên tập viên vững nghề, một “bà đỡ” mát tay. Làm nghề này bà có nhiều cơ hội tiếp xúc với nhiều nhà văn, đọc nhiều bản thảo, đồng nghĩa với việc sống thêm nhiều cuộc sống khác, đó là những trải nghiệm quý giá bồi đắp thêm cho bà điều kiện cần và đủ để viết văn.

Sống trong thời bình nhưng nhiều sáng tác văn chương của Lê Minh Khuê vẫn đề cập trực diện những hy sinh tột cùng của người lính, dẫu không ùng oàng súng nổ nhưng nỗi đau và hệ lụy của nó vẫn hiện lên rất rõ, cứa vào lòng người đọc. Viết với bà như một sự trải lòng, trả nợ.

Ngôi nhà của nhà văn Lê Minh Khuê nằm trong một con ngõ trên đường Xuân Thủy, Hà Nội. Không gian riêng trầm lắng với nhiều tranh phong cảnh yên bình, sông nước, cỏ xanh. Thế nhưng nhiều khi, trong giấc mơ của mình, bà vẫn thấy hình ảnh quá khứ hiện về với những đồng đội đã đi qua cuộc đời mình, những hình ảnh khốc liệt, bom rơi đạn nổ...

2. Khi chúng tôi học Trường viết văn Nguyễn Du (khóa 8), nhà văn Lê Minh Khuê được mời đến giảng về kỹ năng viết truyện ngắn. Bà chia sẻ gan ruột những tâm tư của mình về cách tiếp cận và triển khai vốn sống để có những tác phẩm sinh động. Những chia sẻ của bà giúp cho sinh viên, kể cả khóa trước và sau này, có thêm phương pháp để viết tốt hơn, nhiều người đã trở thành nhà văn vững nghề.

Trong một số hội nghị, khi chia sẻ với chúng tôi, bà cho rằng yếu tố quan trọng nhất của nhà văn là nội lực. Có nội lực rồi thì viết không cần cố gắng gồng mình, chỉ cần cẩn thận để không bị tự lặp lại, không hời hợt. Không nên viết ra những điều vô nghĩa. Đó là lý do vì sao bà viết không nhiều và cũng chỉ hài lòng với rất ít tập truyện ngắn mình đã in.

Lê Minh Khuê đã xuất bản nhiều tập truyện ngắn: “Những ngôi sao xa xôi” (1973); “Cao điểm mùa hạ” (1978); “Đoạn kết” (1982); “Một chiều xa thành phố” (1986); “Tôi đã không quên” (1991); “Bi kịch nhỏ” (1993); “Trong làn gió heo may” (1999); “Màu xanh man trá” (2003); “Một mình qua đường” (2006); “Những ngôi sao, trái đất, dòng sông” (2008); “Nhiệt đới gió mùa” (2012)...

Nhiều tác phẩm trong số này đã được tái bản. Đặc biệt, năm 2008, với tập truyện “Những ngôi sao, trái đất, dòng sông” ("The star, the earth, the river"), nhà văn Lê Minh Khuê đã trở thành người đầu tiên nhận Giải thưởng văn học quốc tế Byeong - Ju Lee lần thứ nhất.

Vốn rất nể sự sáng tạo của Lê Minh Khuê, nhà văn Phùng Văn Khai chia sẻ: “Tôi luôn cho rằng Lê Minh Khuê chính là nhà văn đã trưởng thành không phải bởi sức ép dựng xây tên tuổi từ bên ngoài mà là sự nhuần nhụy đến từ nội lực bên trong của bà. Cứ nhìn cách bà lặng lẽ sống và viết một mạch trên nửa thế kỷ bằng một phong thái vừa bình tĩnh an yên vừa đặt ra những vấn đề khiến lương tri chúng ta phải lay động, đớn đau... đủ thấy sự lão luyện của bà, cũng đủ thấy trái tim ấm nóng và cao thượng của người phụ nữ cầm bút viết văn”.

Nhà lý luận phê bình văn học Bùi Việt Thắng nhìn nhận: “Không nhiều người biết rằng, đến nay, những truyện ngắn được đăng trên báo của chị vẫn được viết bằng bút mực, trên giấy A4. Sự giản dị như một nguyên lý thẩm mỹ được nhiều nhà văn ứng dụng trong thực hành sáng tác. Lê Minh Khuê đã tuân thủ nguyên tắc này ngay từ những ngày đầu cầm bút viết văn cho đến tận hôm nay”.

Nhiều nhà văn có chung cảm nhận, truyện ngắn Lê Minh Khuê đã đến độ thản nhiên, tự nhiên, hầu như không vướng bận kỹ thuật. Sự sắc lạnh dường như đã lặn vào bên trong, bao trùm lên tất cả là sự đồng cảm, thương cảm ngậm ngùi cho những số phận, thương cho cả thời gian.

3. Lê Minh Khuê là nhà văn gắn bó với Hà Nội. Bà thích đào sâu những vỉa tầng văn hóa của Hà Nội, con người và tính cách Hà Nội, nơi vẫn đằm sâu những thân phận. Ngay cả khi viết về đề tài Hà Nội hay con người của Thủ đô, bà cũng thường lựa chọn những cách viết khác nhau. Nhà văn Lê Minh Khuê tâm sự: “Con người tôi hầu như lúc nào cũng vậy, không thay đổi mấy, chỉ ngòi bút là thay đổi, bởi vì nhà văn không thể giữ mãi một kiểu viết, một cách mô tả”.

Với văn chương, nhà văn Lê Minh Khuê quan niệm, đó là tiếng nói tự thân của mỗi người, viết phải dấn thân, phải trau chuốt, kỹ càng. Bà bảo: “Viết văn giống như người thợ kim hoàn, từng chi tiết đều phải thận trọng. Văn chương không lệ thuộc vào số tác phẩm. Quan trọng là mỗi khi viết ra, người viết nói được cái gì mới, không đơn thuần chỉ là giải trí. Viết giải trí cũng không dễ, tôi thấy mình không giỏi viết giải trí”.

Nhiều người cảm nhận được rằng, nữ nhà văn không bị chi phối bởi chuyện PR, dù cho rằng điều đó cũng cần thiết. Tạng của bà như vậy, cho nên bà cứ lặng lẽ viết.

Nói về những giải thưởng, bà tâm sự: “Giải thưởng giúp tôi có nghị lực hơn vì được đánh giá xứng đáng. Nhưng giải thưởng là dành cho một việc đã hoàn thành, tôi không vì có giải thưởng mà không làm việc tiếp. Tính tôi khá bình thản trước mọi việc, không bao giờ bị sốc trước thành công hay thất bại. Tôi bước sâu vào con đường văn chương là do tôi yêu thích”.

Trong thời gian tới, bà dự định sẽ viết tiểu thuyết bởi từ ngày nghỉ hưu bà đỡ vất vả hơn, vốn sống nhiều hơn, nhất là khi bà đã có dịp đi nhiều nước như Thụy Điển, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc... Cứ nhìn cách bà thản nhiên dự định, thản nhiên sáng tác, tôi tin, khi còn sáng tạo thì tác phẩm hay nhất còn đang ở phía trước và với sự vạm vỡ của một ngòi bút, độc giả có thể chờ đợi một tác phẩm lớn hơn nữa của nhà văn Lê Minh Khuê.

Nhà văn Lê Minh Khuê đã hai lần đạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam vào năm 1987 (với tập truyện ngắn “Một chiều xa thành phố”) và năm 2000 (tập truyện ngắn “Trong làn gió heo may”). Ngoài ra, năm 2019 bà nhận giải thưởng Văn học ASEAN 2019 với tập truyện “Làn gió chảy qua”; ngoài ra bà còn được trao Giải Thành tựu văn học trọn đời của Hội Nhà văn Hà Nội. Bà cũng vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2012.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà văn Lê Minh Khuê: Lặng lẽ sống, lặng lẽ viết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.