Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà văn hóa thành điểm kinh doanh

Bài, ảnh: Dạ Khánh| 18/10/2010 07:15

(HNM) - Trong khi nhiều địa phương đang thiếu địa điểm để vui chơi, sinh hoạt trong cộng đồng dân cư, thì tại thôn Phùng Khoang (Trung Văn, Từ Liêm) lại có tới hai Nhà văn hóa bị sử dụng sai mục đích, khiến người dân bức xúc...

Hàng quán tràn ngập tại Nhà văn hóa 2 Phùng Khoang.


Nhà văn hóa 2 - khu Cổng Giếng, thôn Phùng Khoang với vị trí thuận tiện, vừa gần chợ vừa ở cạnh trục đường giao thông nên một số hộ dân đã chiếm dụng để kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua bán sửa chữa đồ điện tử; sửa chữa, bảo dưỡng, đại tu kiêm dịch vụ rửa xe và trông giữ xe máy, ô tô… Do đó, khoảng sân rộng chừng 500m2 của Nhà văn hóa 2 thường xuyên nhộn nhịp các hoạt động kinh doanh dịch vụ. Nước thải từ các hàng rửa xe ngày nào cũng xả lênh láng ra đường; rác từ các quán ăn vứt bừa bãi và chất đống trước cổng nhà văn hóa, rất ô nhiễm môi trường. Cực chẳng đã, thôn tổ chức thu dọn rác nhưng chỉ một thời gian ngắn, tình trạng trên đâu lại vào đó. Đã không ít lần, người dân có đơn đề nghị giải tỏa lều lán chiếm dụng sân chơi tại Nhà văn hóa 2, nhưng không được chính quyền địa phương giải quyết triệt để.

Còn với Nhà văn hóa 1 thôn Phùng Khoang, hiện cũng đang bị sử dụng trái quy định một cách nghiêm trọng. Theo Hợp đồng kinh tế số 02/HĐKT-HTX ngày 6-3-2009, HTX Thống Nhất (xã Trung Văn) là đại diện pháp nhân ký hợp đồng cho thuê một nửa nhà văn hóa gồm khu nhà hai tầng và sân chơi bê tông để các bà Nguyễn Thị Thu Quỳnh (P111, A6 KTT Nam Đồng), Vũ Thị Quỳnh Mai (số 6 ngõ 110 thôn Phùng Khoang) mở Trường Mẫu giáo tư thục Hoa Mai, với diện tích hơn 500m2, thời hạn hợp đồng 10 năm (2009- 2019). Việc làm này đã khiến ban lãnh đạo thôn không có chỗ để làm việc, mọi sinh hoạt, hội họp của các tổ chức, đoàn thể thường bị "kẹp" giữa bếp ăn và phòng học của Trường Mẫu giáo tư thục.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, Nhà văn hóa 1 và 2 thôn Phùng Khoang được UBND xã Trung Văn giao cho thôn quản lý. Nhưng theo bà Nguyễn Thị Bính -  người mới nhận chức Trưởng thôn Phùng Khoang từ tháng 10-2009 cho biết: Việc giao nhận này chủ yếu vẫn trên danh nghĩa. Với Nhà văn hóa 1, bà được bàn giao nhà hội họp, bàn ghế… và bản "Hợp đồng kinh tế" cho thuê khu phòng học mẫu giáo. Còn nhà văn hóa 2, cũng mới chỉ được nhận biên bản bàn giao điểm vui chơi - văn bản ký kết từ đời lãnh đạo thôn trước đây với Ban lãnh đạo Cựu chiến binh (CCB) và CLB Cựu quân nhân thôn Phùng Khoang. Thời hạn các hợp đồng trên có giá trị đều từ 5 đến 10 năm. Điều khó hiểu là, biên bản bàn giao được lập ngày 1-10-2007, có ghi đầy đủ thành phần ban lãnh đạo thôn và ban lãnh đạo CCB và CLB Cựu quân nhân. Thế nhưng, cả hai ông Nguyễn Viết Đình - Phó trưởng thôn lúc bấy giờ và ông Nguyễn Huy Long - Chi hội phó Chi hội CCB thôn Phùng Khoang (đều có tên trong thành phần tham gia - ghi trong biên bản giao nhận) lại khẳng định không hề được tham dự buổi bàn giao này (?). Đặc biệt, liên quan đến việc quản lý, sử dụng Nhà văn hóa 2, người dân địa phương đã có nhiều kiến nghị về những khuất tất trong việc sử dụng số tiền thuê nhà văn hóa và việc ban lãnh đạo CCB và CLB Cựu quân nhân của thôn cũng chưa bao giờ có báo cáo công khai tài chính về vấn đề này, nhưng không được chính quyền sở tại xem xét, làm rõ.

Theo quy định về tổ chức, quản lý, sử dụng và hoạt động các công trình văn hóa - thể thao của các xã, thị trấn thuộc huyện Từ Liêm, ban hành kèm theo Quyết định số 15/2010/QĐ-UBND ngày 26-5-2010 của UBND huyện Từ Liêm, Nhà văn hóa thôn là nơi tổ chức các cuộc họp, sinh hoạt của các tổ chức, đoàn thể trong thôn; nơi tập luyện, biểu diễn văn nghệ, thi đấu thể thao, sinh hoạt câu lạc bộ, các hoạt động vui chơi giải trí. Nhưng với cung cách quản lý, sử dụng nhà văn hóa kiểu này, thì không biết đến bao giờ, hai Nhà văn hóa ở thôn Phùng Khoang, xã Trung Văn mới được trả lại đúng chức năng?

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhà văn hóa thành điểm kinh doanh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.