(HNM) - Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục xuất hiện những thông tin về nhà thu nhập thấp (NTNT), như chủ đầu tư đã bàn giao nhà, nhưng người được mua không đến ở, phát hiện một số vụ gian lận trong mua NTNT… Tuy nhiên với những hiện tượng đó, ngành chức năng không dễ xử lý dứt điểm vì hiện đang thiếu chế tài đủ mạnh.
Tuy nhiên với những hiện tượng đó, ngành chức năng không dễ xử lý dứt điểm vì hiện đang thiếu chế tài đủ mạnh. Các chuyên gia cho rằng, chính sách về NTNT đã bộc lộ nhiều bất cập cần sớm sửa đổi.
Chính sách về NTNT thể hiện sự quan tâm của Nhà nước với vấn đề an sinh xã hội được mọi tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ. Chỉ cách thời điểm này chừng 1 năm, không ít người dân rất phấn khởi khi biết mình có tên trong danh sách được ưu tiên mua nhà theo tiêu chuẩn này. Nhưng tính đến cuối tháng 6 năm nay, chủ đầu tư dự án chung cư đầu tiên của Hà Nội dành cho người được mua NTNT (Công ty CP Bê tông và xây dựng Vinaconex Xuân Mai) cho biết, hiện vẫn còn hàng chục căn hộ tại tòa CT1 Ngô Thì Nhậm (Hà Đông), người mua đã nhận bàn giao nhưng vẫn chưa đến ở. Tại dự án Kiến Hưng (Hà Đông), cơ quan chức năng phát hiện có trường hợp đã có đất ở nơi khác nhưng vẫn bốc thăm mua NTNT...
Theo ngành chức năng, đối tượng được mua NTNT phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện: chưa có nhà ở, hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích quá chật chội; chưa được Nhà nước hỗ trợ về nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức; có mức thu nhập hằng tháng (tính bình quân theo đầu người) dưới mức bình quân của địa phương theo quy định của UBND cấp tỉnh... Chỉ được phép thực hiện các giao dịch mua NTNT (bán, cho thuê, cho thuê mua) tối thiểu 10 năm kể từ thời điểm ký hợp đồng mua bán nhà... Với quy định ngặt nghèo thế, nên số người được sở hữu căn NTNT đầu tiên ở CT1 Ngô Thì Nhậm đã phải qua nhiều đợt chọn lọc. Tuy nhiên, hiện vẫn có mấy chục căn hộ để trống. Lý do được các hộ dân đưa ra là con cái còn phải học hết năm học hay hết cấp học tại nơi ở cũ; chưa chọn được ngày đẹp; chưa đủ tiền sắm những vật dụng cần thiết... Song trên thực tế chủ của những căn hộ đã đến ở lại rất "hoành tráng" với những đồ vật đắt tiền, có gia đình còn có cả ô tô... Đó là chính sách, còn với người dân trong diện được mua NTNT thì sao? Họ cho rằng, với chính sách như hiện nay, người có đủ tiêu chuẩn mua NTNT cũng không dễ tiếp cận. Bởi với căn hộ NTNT diện tích bình quân 70m2, được bán với giá trên dưới 12 triệu đồng/m2 thì chỉ những người có thu nhập khá mới có thể mua được, còn những người làm công ăn lương thuần túy không dễ có đủ tiền mua. Hơn nữa ngành chức năng cũng cần xem xét thấu tình, đạt lý là vì sao họ chưa về ở? Phải chăng do sinh hoạt chưa thuận tiện hay vì lý do nào khác?...
Đại diện một chủ đầu tư cũng cho rằng, chính sách bán NTNT bộc lộ nhiều bất cập do nhiều yếu tố, nhưng quan trọng là ngành chức năng chưa có một chiến lược phù hợp để thị trường tự điều chỉnh, thay vì ban hành ra quá nhiều công cụ để quản lý như hiện nay. Và chính những công cụ ấy đã vô tình đẩy toàn quyền bán NTNT cho chủ đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước (sở xây dựng các địa phương) chỉ là nơi hậu kiểm. Từ đó sẽ dễ phát sinh tiêu cực. Nên chăng, ngành chức năng cần nghiên cứu, giao trách nhiệm thực hiện chương trình xây dựng NTNT cho chính quyền địa phương; xác định chỉ tiêu, định mức xây dựng mang tính chất pháp lệnh. Theo các chuyên gia, việc NTNT đang bị bỏ không chưa có người về ở, cần phải có quy định thời gian nhất định với các trường hợp này để họ có thể căn cứ vào đó mà chuyển đến ở đúng thời hạn. Về vấn đề này, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, liên ngành: mặt trận tổ quốc, công an, tài chính, thanh tra, liên đoàn lao động… đã bổ sung và trình UBND TP Hà Nội để chỉnh sửa một số nội dung trong hợp đồng mua bán của chủ đầu tư, trong đó có thêm chế tài trách nhiệm giữa chủ đầu tư và chủ nhà, thời gian từ khi ký hợp đồng đến lúc nhận nhà là bao lâu phải vào ở để tránh việc nhận bàn giao nhà, nhưng không đến ở. Sau khi phát hiện mua bán NTNT trái phép tại căn hộ 1702 CT1 Ngô Thì Nhậm, hiện lại còn nhiều căn hộ đã nhận bàn giao vài tháng mà chưa tới ở, dư luận lại đang đặt ra câu hỏi liệu có gì đó bất thường ở những căn hộ NTNT bỏ không này? Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng nên sớm có những quy định để giải quyết triệt để vấn đề này, bởi nếu không đây sẽ là một sự lãng phí lớn trong chương trình an sinh xã hội đối với những người nghèo. Có như vậy mới "gỡ" được những vướng mắc đang tồn tại trong việc bán NTNT.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.