(HNM) - Gần 4 triệu USD tiền giả vừa được cảnh sát Peru thu giữ trong một chiến dịch truy quét các băng nhóm tội phạm quy mô lớn ngày 21-2 trước khi số tiền được tuồn sang Mỹ.
Những tờ bạc xanh mệnh giá 100 USD trông giống thật tới mức khó tin đã bị phát hiện khi các nhân viên an ninh đột kích và khám xét một cửa hàng tại khu vực Villa El Salvador, phía nam thủ đô Lima. Trong cuộc tấn công vào những nhóm tội phạm có tổ chức này, nhà chức trách cũng đã tìm thấy rất nhiều cọc tiền giả của Bolivia, Chile và Peru chuẩn bị được tung ra thị trường. Chưa nghi phạm nào liên quan đến đường dây sản xuất tiền giả này bị bắt giữ nhưng Tư lệnh cảnh sát quốc gia Peru Gregorio Villalón khẳng định, cơ quan an ninh đang truy lùng thủ phạm. Vụ việc là kết quả của một hoạt động phối hợp giữa cơ quan tình báo và những chuyên gia đầy kinh nghiệm của ngân hàng trung ương Peru. Đây là lần thứ hai trong vòng 5 tháng qua, cảnh sát quốc gia Nam Mỹ thu được số lượng lớn tiền giả ở thành phố này. Hồi tháng 9 năm ngoái, cảnh sát Peru cũng đã thu giữ hơn 7 triệu USD và euro tiền giả.
Một số chuyên gia quốc tế khẳng định, thống kê của nhà chức trách Peru cho rằng khoảng 33 triệu USD tiền giả đã được thu giữ tại đây từ năm 2009 là số liệu chưa sát thực tế. Cảnh sát quốc gia bên bờ Thái Bình Dương cũng thừa nhận rằng một số lượng tiền giả lớn hơn nhiều lần đã được in tại Peru và hoạt động tội phạm này tăng theo cấp số nhân trong mấy năm nay. Số tiền giả lớn nhất bị phát hiện tại Peru cho đến thời điểm này có trị giá 27 triệu USD trong cuộc truy quét tại quận San Juan de Lurigancho ở Lima. Những tờ bạc mệnh giá 100 USD chiếm gần 1/3 tổng số tiền bị thu giữ, khoảng 4 triệu euro và phần còn lại là những tờ tiền của Bolivia, Chile, Peru và Venezuela.
Với nỗ lực của cơ quan an ninh Peru và quốc tế, khoảng 20 cơ sở in tiền giả đã bị phát hiện tại Lima và mỗi xưởng có thể cho ra lò một số lượng tiền giả lớn mỗi ngày. Gần một nửa số vụ bị phanh phui xảy ra tại San Juan de Lurigancho, quận lớn nhất của Lima với hơn 1 triệu dân. Nếu như những kẻ sản xuất tiền giả tại Mỹ thường có xu hướng nhỏ lẻ theo mô hình công nghiệp làng quê và dùng công nghệ số để in ra một lượng tiền hạn chế, thì ở Peru, hoạt động làm tiền giả vẫn sử dụng công nghệ truyền thống với các máy in offset và nhanh chóng cho ra lò một lượng lớn tiền giả. Tỷ lệ quy đổi cũng rất thấp, người mua có lúc chỉ cần bỏ ra 5 USD để có được một tờ 100 USD giả. Cách thức đưa tiền giả ra khỏi Peru đến Costa Rica, Ecuador, Mexico, Venezuela và tất nhiên là nước Mỹ cũng vô cùng biến báo. Nhà chức trách Peru và các nước liên quan từng phát hiện những đồng đô la giả trong giày hành khách đi máy bay, khâu dưới da những con vật được chuyển tới Ecuador, nơi đồng USD được sử dụng như loại tiền tệ chính thức hay giấu trong những chiếc cũi trẻ em... Thậm chí, cơ quan an ninh cũng đã thu được nhiều bưu kiện đựng đầy đô la giả gửi qua dịch vụ bưu điện quốc tế.
Tiền giả từ lâu đã được xem là vấn nạn không chỉ đối với người dân nước bị tiêu thụ mà còn là mối họa đối với nỗ lực điều hành nền kinh tế của các cơ quan chính phủ. Do đó, việc ngăn chặn loại tội phạm nghiêm trọng này đang là mục tiêu của các hoạt động phối hợp giữa cơ quan an ninh nhiều quốc gia.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.