(HNM) - Nhà ống truyền thống, xuất hiện cách nay hơn trăm năm trong khu Ba sáu phố phường, có người Tây gọi “maison de tunnel” - chứ không phải “maison de tube”. “Nhà đường hầm” hay “nhà ống”, thôi thì cũng bí cả.
Ảnh: KT |
Nhà ống Hàng Đường, Hàng Bạc, Bát Đàn, Bát Sứ thường hai tầng, tường gạch chịu lực xây xi măng, lợp ngói. Phần gỗ khá nhiều, nhất là sàn tầng trên, tức là pha giữa vật liệu Tây với các thứ ta trồng được. Thật nhiều chức năng chen nhau. Bên dưới có cửa hiệu, giếng giời, những đợt nhà ngăn cách qua khoảng sân, là chỗ ở của từng gia đình thành viên. Thể nào cũng có khoảng không thông lên gác, lan can đủ thấp để câu hàng lên, đủ cao để trẻ con không ngã. Khám thờ kín mít, ít khi có cửa sổ. Vài ba mái ngói châu vào nhau, có miếng kính lấy ánh sáng. Không gian riêng ít, thành thử vợ chồng anh, em nghe, nhìn lẫn nhau, mẹ chồng riếc thì ba bốn nàng dâu cùng “quán triệt”. Đại gia đình ăn một mâm, xong các bà giành nhau rửa bát, kiểu “Chị để em!” - “Cô để đấy, tôi khoắng cái là xong ấy mà...”. Nhưng đố ai dám “nhường” ngay. “Ăn” nguýt là cái chắc!
Ra đời thời thuộc địa, nhà ống Ba sáu phố phường phải dân có máu mặt mới xây sắm nổi, nghĩa là không buôn bán cũng thông phán ký lục ra gì. Nhưng dù có máu mặt, mang tiếng dân hàng phố, họ đều còn họ hàng hang hốc dây dợ lằng dằng ở quê, tập tục, lề thói chưa xa với ngôi làng gốc rễ lắm. Nói nhà ống là sản phẩm của giai đoạn thuộc địa hóa, hình thành đô thị cũng đúng. Nhưng cũng đúng là nó bộc lộ sự nửa vời khi người đồng bãi chuyển lên quần cư ở Hà Nội, bỏ lại ruộng đất, nhà thờ, mồ mả ở quê cho họ hàng trông nom. Nói cách khác, nhà ống là cái gạch nối từ ngôi nhà gia tộc ở làng, thường hình chữ U, vài bốn, thậm chí dăm bảy gia đình thành viên quây quần quanh từ đường, nay “chuyển lên” kiến trúc Tây, có nhiều buồng kín, thông nhau qua hành lang chung.
Ra phố thì cá nhân rất độc lập, sống tuân thủ “phép vua” - tức luật pháp - hơn “lệ làng”, tức những quy ước, nền nếp ở hương thôn. Quan hệ cha con, họ hàng, làng xóm phải “bay đi ít nhiều”, nhường chỗ cho cẩm, “pu lít”. Bạ đâu cũng vứt rác, xây cất tùy ý là không được. Xóm giềng đụng nhau không phải cứ tuổi cao hay vai trên là có lí... Lại không thể có chuyện hè nhau “đánh bỏ mẹ thằng tổng trên đến ve gái làng ta” hay cậy gần nhà, bởi ngoài cửa không phải “làng mình” nữa rồi, không có “giáp” che chở. Và chào ông ấy bà nọ một câu, hôm sau gặp lại không thấy người ta hỏi trước cũng không thể trách cứ.
Những lối cư xử ấy, dù chưa thành chuẩn mực bắt buộc ngay, vẫn làm anh tỉnh thành mới bị ngợp. Tâm lí co cụm nảy sinh. Các làng nghề hình thành trên cơ sở hợp tác kinh tế, như Đan Loan ra Hàng Đào, Đại Bái đến Hàng Đồng, Đồng Sâm ở Hàng Bạc... Buôn có bạn bán có phường mà, chắc nơi nào trên thế giới cũng vậy. Nhưng thể nào trong sự kết bè ấy cũng phải có lí do co cụm. Tỉnh không sẵn thần linh, vả có cũng không phải vị của làng mình. Vậy thời không gì bằng lập lấy đình làng mới, đem thành hoàng gốc ra thờ. Bàn thờ họ, thờ tổ cũng bấy nhiêu hoành phi câu đối cuốn thư chép lại ở chốn cũ. Và rủ nhau, những họ hàng làng xóm ra cùng làm ăn, giúp việc. Giỗ chạt, hội làng không về quê, nhìn quanh, vẫn thấy người cùng quê, chả tin cậy, đầm ấm hơn a...
Nhưng sự “tìm về cội” ấy cũng có mặt hạn chế của nó. Đầm ấm quá thì tính cách khó bề phát triển. Cá nhân luôn thấy chật hẹp, bị ức chế trong khuôn phép thì khó sáng tạo. Sự sáng tạo luôn bắt nguồn từ một cá thể. Cái mới, trong một khoảng không ninh ních quy ước cộng đồng không dễ ló ra, có nhẽ “hơi bị giống” mầm cây mọc từ đá. Anh thợ tài hoa tìm tòi một mẫu hoa văn mới, liệu có qua mắt được ông trưởng phường kiêm trưởng họ trưởng tộc, kiêm luôn người bảo trợ, thầy nghề? Sau lưng bậc gia trưởng là một khối chắc nịch những quy ước đạo đức, cách cư xử của cộng đồng. Chỉ cần đem những khuyết điểm sinh hoạt ra soi, anh ta “thi” không đỗ là cái chắc.
Gia phong thì gần gụi. Xa tít tắp mới là phép nước. Vậy nên “Tây” có câu “Hà Nội là cái làng lớn”. Lại một nhận xét khác thật “Tây”: “Sự hình thành trên cơ sở các làng nghề làm chậm quá trình đô thị hóa của Hà Nội”.
Nhưng lại có một quá trình khác, ở chiều ngược lại. Khi trở thành thị dân, người quê cũng làm ăn buôn bán, quan hệ rộng hẳn. Các tinh hoa bốn phương đổ về, để có lúc nhận ra rằng thành hoàng làng mình không hẳn đã “đè nghít” được thành hoàng làng khác, thiên hạ còn khối anh tài danh, rằng ta chỉ giỏi một, trong khi những ấy những nọ còn nhiều nghề lắm. Và dù sao, nơi cư trú mới cũng có lệ mới, áp đặt lên ta những lề thói không thể không theo.
Nhận thức khác thì ứng xử cũng thay đổi. Cái để dung hòa giữa “hòa nhập” với “trở về cội nguồn” là các hội nghề nghiệp, thư quán, xã quán. Những kì hội chợ Tây mở có khu riêng cho các nghề, phần nào đem lại sự hòa trộn. Trong sinh hoạt nghề nghiệp, quan hệ xã hội thì như vậy. Còn tại nơi ăn chốn ở, cái chỗ khả dĩ dung hòa ấy là ngôi nhà ống đa chức năng.
Nhưng sự “tìm về cội” ấy cũng có mặt hạn chế của nó. Đầm ấm quá thì tính cách khó bề phát triển. Cá nhân luôn thấy chật hẹp, bị ức chế trong khuôn phép thì khó sáng tạo. |
Nhà ống vừa khép vừa mở, cho phép cá thể và cộng đồng cùng tồn tại, cộng sinh. Anh em, bố con buôn chung một vốn, “thuyền lên nước lên”, lại vừa kiến giả nhất phận. Ngoài những chỗ để sinh hoạt chung ra, mỗi gia đình nhỏ có chốn riêng, nhưng lại không kín đáo quá. Để vào “chuồng tiêu”, lên kho lấy hàng hay ra phố, người nọ đi qua nhà người kia. Sinh hoạt vợ chồng phải giấu giếm phần sôi nổi. Ăn thêm miếng nào dễ cảm thấy mình “ích kỉ”. Thế nên có nàng dâu mới gẩy từng hạt cơm trước mặt mẹ chồng, chị em dâu, sau đó ra ngoài chén đẫy hai ba bát phở. Ra phố cơ mà, chứ có phải ra làng đâu, ai biết mình lèn cho chặt bụng...
Thế đúng là thích thật. Nhưng còn đơn giản. Kiến trúc sư Nguyễn Trương Quý có nhận xét rất “ác”: Khu Ba sáu phố phường không có chỗ diễn xướng, vui chơi chung. Chùa chiền, đền miếu dành cho nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo, muốn xem Chèo thì đến rạp Sán Nhiên Đài (chẳng hạn)... Nói câu này, hình như anh có so sánh với kiến trúc đường phố hình ngôi sao hình thành ở đô thị cổ châu Âu, từng chỗ lại có cổng, tượng đài “làm sự kiện” được.
Kín đáo với xã hội, mở ra trong gia tộc, nhà ống dung dưỡng một tinh thần chung, lại cho phép cái riêng duy trì. Nó thích hợp với sự nửa vời, ngại ngùng sự giải phóng cá nhân tuyệt đối, lại vừa sợ hãi, chán ngán các tôn ti, phép tắc - có thể do cụ cố hay bà mẹ chồng áp đặt. Những cái ống có nhiều ngăn nhưng không nhiều không khí để thở lắm ấy vừa là pháo đài gia tộc, vừa là cửa khẩu thông giao. Những con người trong đó chân còn dính bùn, đầu nghĩ chuyện mang hàng đi nơi xa quảng bá có một tâm lí không nhất quán: Vừa tự tin, hồ hởi muốn vươn ra, lại vừa tự ti, khép lại, quay về nếp làng. Người đàn ông chủ gia đình gánh hàng lên ngược bán có thể chơi bời, hoang đàng mặc sức, khi về lại một mực giáo huấn vợ con bảo vệ nếp nhà. Những cậu trai theo Tây học, “pác lê phăng xe” lầu lầu, qua bậc cửa vào nhà là phải chào hỏi thật đúng khuôn phép. Những thông phán, đốc học rất được trọng vọng ở nhiệm sở, về nhà phải thi lễ rồi mới cởi khăn đóng áo dài hay veston, cravatte ra. Là bởi vì trong “ống” nào cũng có một bậc gia trưởng duy trì tinh thần hướng về nguồn cội.
Không có vị đó, thì phải lập ra thôi, dù “biểu tượng tinh thần” mới trong đầu có thể ngổn ngang chí hướng “ngoại lai”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.