Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà ở xã hội "phá băng" bất động sản

Gia Khánh| 24/12/2015 06:25

(HNM) - Từ chỗ phát triển thiếu ổn định, giá tăng cao, sản phẩm nhiều nhưng người thu nhập trung bình trở xuống lại không có cơ hội mua nhà ở, đến nay, thị trường bất động sản (BĐS) đã ổn định nhờ chính sách phát triển nhà ở xã hội.


Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng "đóng băng" của thị trường BĐS giai đoạn 2011 - 2012 là lệch pha "cung - cầu"; thị trường thừa quá nhiều sản phẩm trung và cao cấp, trong khi thiếu sản phẩm bình dân, giá rẻ. Đỉnh điểm cuộc khủng hoảng là việc thị trường BĐS tồn kho gần 130 nghìn tỷ đồng. Cho nên, vấn đề cốt lõi để tháo gỡ khó khăn cho thị trường là phải khắc phục sự lệch pha đó, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa một cách hợp lý để sản phẩm BĐS đến được với mọi đối tượng, phù hợp với nhu cầu thực và khả năng thanh toán thực của thị trường.

Khu nhà ở Đặng Xá, Gia Lâm. Ảnh: Hải Anh


Từ quan điểm đó, Chiến lược nhà ở quốc gia, được phê duyệt năm 2011, đã xác định phải phát triển đồng thời hai loại hình là nhà ở thương mại - cho thị trường hàng hóa và đối tượng có khả năng chi trả theo cơ chế thị trường, và nhà ở xã hội - cho thị trường phi hàng hóa, có sự hỗ trợ của Nhà nước để giảm giá thành, giúp đối tượng chính sách, người nghèo, thu nhập thấp… Chính phủ đã cụ thể hóa bằng các quy định miễn tiền sử dụng đất, giảm thuế cho doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội; hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho người mua nhà; bắt buộc dự án nhà ở quy mô từ 10ha trở lên phải dành 20% quỹ đất đủ hạ tầng để xây dựng nhà ở xã hội giúp người nghèo có cơ hội tiếp cận với dịch vụ đô thị chất lượng một cách bình đẳng.

Đồng thời với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, Bộ Xây dựng và các địa phương phân loại các dự án BĐS, chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, điều chỉnh cơ cấu diện tích căn hộ phù hợp với nhu cầu của thị trường. Đặc biệt, Chính phủ đã dành gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội và người dân vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá bán thấp...

Trong năm 2014-2015, thị trường BĐS đã phục hồi tích cực. Lượng giao dịch thành công liên tục tăng, bắt đầu từ phân khúc sản phẩm trung bình và thấp. Lượng giao dịch thành công năm 2014 tại Hà Nội tăng gần 2 lần, tại TP Hồ Chí Minh tăng gần 1,3 lần so với năm 2013; trong 10 tháng đầu năm 2015, tại Hà Nội có khoảng 16.200 giao dịch thành công, tại TP Hồ Chí Minh có khoảng 15.500 giao dịch thành công (tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ 2014). Giá nhà ở được kéo về sát với giá trị thực và tương đối ổn định, trong đó có khu vực đã giảm tới 30% so với thời kỳ "sốt nóng" năm 2010.

Trong lúc thị trường BĐS "đóng băng", nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn nhà ở xã hội như là một giải pháp vượt qua khó khăn. Tổng công ty Viglacera triển khai Dự án nhà ở xã hội tại Khu đô thị mới Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội, với quy mô 3.500 căn hộ, diện tích sàn xây dựng khoảng 175.000m2 sàn, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 14.000 người; Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ đô triển khai dự án nhà ở xã hội Bắc Cổ Nhuế - Chèm đã hoàn thành giai đoạn 1 với 930 căn, đang triển khai giai đoạn 2 với 980 căn... Theo đại diện Tổng công ty Viglacera, những dự án nhà ở xã hội đã vực dậy mảng BĐS và kéo theo mảng vật liệu xây dựng, lĩnh vực kinh doanh chính của doanh nghiệp.

Tuy vậy, trên thực tế, sản phẩm nhà ở xã hội vẫn còn thiếu rất nhiều so với nhu cầu. Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy, một số địa phương chưa thực sự quan tâm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội; nhiều dự án thương mại chưa thực hiện nghiêm túc quy định dành 20% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội; nguồn vốn trung và dài hạn cho phát triển nhà ở xã hội còn thiếu; nhiều doanh nghiệp BĐS vẫn chưa mặn mà với nhà ở xã hội; mới chỉ có nhà ở xã hội để bán, còn thiếu nhà ở cho thuê... Đây chính là những nhiệm vụ các bộ, ngành, địa phương phải nỗ lực giải quyết trong thời gian tới.

3 triệu người nghèo được cải thiện chỗ ở

Theo Bộ Xây dựng, đến nay đã hoàn thành đầu tư xây dựng 135 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 51 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, quy mô xây dựng 25.850 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 9.560 tỷ đồng; 84 dự án nhà ở xã hội cho công nhân, quy mô xây dựng 28.550 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 6.730 tỷ đồng. Cả nước đang tiếp tục triển khai 171 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 108 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, quy mô xây dựng khoảng 61.290 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 31.760 tỷ đồng; 63 dự án nhà ở xã hội cho công nhân với quy mô xây dựng khoảng 69.300 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 18.800 tỷ đồng. Như vậy, thông qua các chương trình phát triển nhà ở xã hội trọng điểm, đến nay đã có khoảng 780 nghìn hộ gia đình, tương đương khoảng trên 3 triệu người nghèo, người thu nhập thấp được cải thiện chỗ ở.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà ở xã hội "phá băng" bất động sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.