Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh: Tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ

Thanh Tàu| 15/07/2019 08:19

(HNM) - Hàng hóa lấn lối đi, không có cửa thoát hiểm dự phòng, không có hệ thống thoát khói hữu hiệu, hệ thống phòng cháy, chữa cháy chưa đồng bộ, thiết bị thiếu... Đó là hiện trạng tại các căn nhà ở của hộ gia đình kết hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh tại thành phố Hồ Chí Minh, khiến nguy cơ cháy nổ tăng cao.

Lực lượng chức năng tham gia khống chế vụ cháy khu nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh tại quận Tân Bình.

Đã gần một tháng trôi qua, nhưng nhiều người dân ở đường số 1 phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa hết sợ hãi khi nhớ lại đám cháy lớn bùng lên từ trụ sở Công ty Thương mại dịch vụ ô tô H.K, nằm giữa khu dân cư đông đúc, lúc rạng sáng 17-6. Hàng trăm người náo loạn tháo chạy khi ngọn lửa thiêu rụi thêm kho hàng của cơ sở sản xuất chăn, ga, gối, đệm bên cạnh. Nguyên nhân được xác định là chập điện.

Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an thành phố Hồ Chí Minh, toàn thành phố hiện có hơn 294.000 nhà ở hộ gia đình kết hợp với kinh doanh, dịch vụ. Trong đó, có hơn 12.000 căn nhà có kết cấu xây dựng bằng các loại vật liệu dễ cháy; hơn 12.000 hộ sản xuất, kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ; gần 18.000 hộ kinh doanh có hệ thống điện chưa bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy.

Tính riêng 4 tháng đầu năm 2019, toàn thành phố đã xảy ra gần 200 vụ cháy, trong đó 50% là các vụ cháy xảy ra tại nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Đáng lưu ý hơn, các vụ cháy nổ cơ sở sản xuất kinh doanh tại gia nằm giữa khu dân cư còn đe dọa sự an toàn của người dân trong khu vực.

Qua điều tra nguyên nhân các vụ cháy, lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy thành phố nhận thấy, cháy, nổ ở các hộ gia đình và hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh chủ yếu là do ý thức kém của người dân trong chấp hành các quy định phòng cháy, chữa cháy. Phần lớn hộ kinh doanh tại nhà giữa khu dân cư không tuân thủ an toàn hệ thống điện; hàng hóa dễ cháy xếp số lượng lớn ngay lối ra vào tầng 1; nhà không có lối thoát hiểm dự phòng, không có biện pháp chống cháy lan, không có hệ thống thoát khói hiệu quả....

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Thượng tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay chưa quy định cụ thể nào về an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Về lâu dài, cần xây dựng được quy định bắt buộc về tiêu chí an toàn phòng cháy, chữa cháy cho đối tượng này trên địa bàn thành phố.  

Đại úy Phan Văn Cảnh, Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ quận 12 cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; tập huấn kỹ năng xử lý tình huống, bảo vệ tính mạng, tài sản khi xảy ra cháy, nổ cho người dân.

Ngoài ra, cần giao cảnh sát khu vực trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn, tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở. Trong đó, bảo vệ dân phố, dân quân tự vệ là lực lượng phòng cháy, chữa cháy hữu hiệu tại chỗ. Tại hộ gia đình, người dân cần được hướng dẫn sử dụng, quản lý nguồn lửa, nguồn nhiệt, việc thắp hương, đèn thờ cúng...; bảo đảm an toàn trong sử dụng điện, xăng dầu, gas và tập huấn kỹ năng chữa cháy, thoát hiểm…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh: Tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.