(HNM) - Lâu nay, việc phát triển nhà ở cho công nhân chưa đáp ứng được nhu cầu. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay, để bảo đảm sản xuất, kinh doanh, vấn đề phát triển nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp càng trở nên cấp thiết... Hiện, cơ quan quản lý đang đề xuất nhiều giải pháp phát triển nhà ở công nhân, trong đó có quy định trách nhiệm của các bên và chính sách thu hút đầu tư.
Chưa đáp ứng nhu cầu
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 5-2021, cả nước có 394 khu công nghiệp và hàng nghìn cụm công nghiệp, thu hút hàng triệu lao động làm việc. Tuy nhiên, báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng cho biết, cả nước chỉ có 214 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân, với quy mô sử dụng đất khoảng 600ha, trong đó 116 dự án đã hoàn thành với diện tích đất hơn 250ha. Riêng công nhân khu công nghiệp, diện tích nhà chỉ đủ bố trí cho hơn 330.000 người, đáp ứng khoảng 39% mục tiêu về nhà ở công nhân khu công nghiệp đến năm 2020.
Hiện, Hà Nội có 9 khu công nghiệp đang hoạt động, thu hút khoảng 160.000 lao động. Theo Phó Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Trần Anh Tuấn, mới có 3 khu công nghiệp: Thạch Thất - Quốc Oai, Thăng Long (Đông Anh), Phú Nghĩa (Chương Mỹ) có dự án nhà ở đáp ứng một phần nhu cầu của công nhân. Các khu công nghiệp còn lại đều chưa có nhà ở cho công nhân.
Tại Hải Phòng, Giám đốc kinh doanh Khu công nghiệp Nam Đình Vũ Trần Thị Tố Loan chia sẻ, bán đảo Đình Vũ - Cát Hải hiện có 4 khu công nghiệp đang hoạt động với khoảng 14.000 lao động, song đều chưa có nhà ở cho công nhân. Do đó, 100% công nhân phải tự di chuyển từ trung tâm thành phố đến khu công nghiệp hoặc sử dụng xe đưa đón từ các tỉnh lân cận. Việc này không chỉ tốn thời gian của người lao động, tăng chi phí đối với nhà đầu tư mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn.
Theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, nhà ở là vấn đề bức xúc hiện nay của công nhân. Tại nhiều địa phương, công nhân lao động phải sống trong các phòng trọ chật chội. Thậm chí, có thôn làng ở gần khu công nghiệp chỉ hơn 1.000 dân nhưng lại là nơi lưu trú của gần 10.000 công nhân. Điều này tạo sức ép rất lớn về mật độ dân số, hạ tầng xã hội...
Phối hợp tìm giải pháp
Về vấn đề nhà ở cho công nhân lao động, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đại An (chủ đầu tư Khu công nghiệp Đại An - tỉnh Hải Dương) Trương Tú Phương cho hay, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp còn bao gồm các thiết chế về y tế, văn hóa... Trong khi đó, việc phát triển nhà ở lại đang bị chi phối bởi Luật Nhà ở, do đó rất khó kêu gọi nhà đầu tư. Ngoài ra, quy trình xây dựng nhà ở cho công nhân còn bất cập. “7 năm qua, chúng tôi vẫn chưa giải quyết được thủ tục xây dựng nhà ở cho công nhân” - bà Phương cho hay.
Bàn về giải pháp, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xúc tiến đầu tư Khu công nghiệp Việt Nam Đoàn Duy Hưng đề nghị, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần đề xuất đưa vấn đề này vào luật hoặc nghị định. Với những khu công nghiệp đã triển khai nhưng chưa có đất làm nhà ở, chính quyền địa phương xem xét, bố trí cho chủ đầu tư khu công nghiệp hay các doanh nghiệp. Khu công nghiệp lớn chưa thu hút đầu tư hết thì điều chỉnh quy hoạch phần đất chưa sử dụng để làm nhà ở. Với các khu công nghiệp mới đang quy hoạch, điều kiện tiên quyết là phải có nhà ở cho công nhân. Ngoài trách nhiệm của chính quyền, cần quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư khu công nghiệp trong vấn đề này.
Nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang đã đề nghị Chính phủ xây dựng chính sách đủ mạnh để thu hút nhà đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân. Đồng thời đề nghị Quốc hội xem xét đưa danh mục phát triển nhà ở xã hội vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; trong đó xem xét, bổ sung một gói để thực hiện chính sách nhà ở cho công nhân.
Cùng với đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Xây dựng đã họp bàn giải pháp phát triển nhà ở cho công nhân. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, trước mắt, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Xây dựng có thể thành lập tổ công tác phối hợp khảo sát tại một số địa phương, qua đó đề xuất phương án. Ngoài ra, hai bên trao đổi, đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở theo hướng ban hành cơ chế riêng về đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, trong đó quy định ưu đãi để khuyến khích nhà đầu tư.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, xác định rõ việc xây dựng nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất là rất quan trọng, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tập trung xây dựng các thiết chế công đoàn, xây dựng nhà ở cho công nhân lao động.
Trong đó, trước mắt, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Xây dựng có thể thành lập “Tổ phối hợp” khảo sát tại một số địa phương, ghi nhận thực trạng, khó khăn, qua đó đề xuất phương án tháo gỡ kịp thời. Ngoài ra, hai bên cũng cần trao đổi, góp ý vào việc sửa đổi Luật Nhà ở 2014 theo hướng ban hành cơ chế, chính sách riêng về đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, trong đó quy định các ưu đãi để khuyến khích, thúc đẩy phát triển loại nhà ở này. Ngoài ra, cần sửa đổi đồng bộ quy định về việc dành quỹ đất cho phát triển nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp trong pháp luật đất đai, đầu tư, nhà ở… theo hướng bố trí quỹ đất phát triển nhà ở cho công nhân ngay trong các khu công nghiệp, coi nhà ở công nhân lao động là một hạ tầng thiết bị của khu công nghiệp, khu chế xuất...
Trước mắt, để việc quy hoạch quỹ đất làm nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất thuận tiện, phù hợp điều kiện thực tiễn, Bộ Xây dựng đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22-5-2018 của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế theo hướng trong khu công nghiệp, khu chế xuất được bố trí nhà ở dành cho công nhân thuê; trong quy hoạch khu công nghiệp, khu chế xuất phải bố trí đất làm nhà ở cho công nhân thuê (bảo đảm đáp ứng tối thiểu 50% số lượng công nhân có nhu cầu về nhà ở) có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chủ yếu phục vụ khu nhà ở của công nhân lao động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.