(HNM) - Quê nội tôi ở gần một nhà máy nhiệt điện chạy than nên nhiều khi bụi của nhà máy làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Vậy xin hỏi, các nhà máy điện khác nhau ảnh hưởng đến môi trường như thế nào, đặc biệt là nhà máy điện hạt nhân (ĐHN)?
Hoàng Văn Sơn(xã Đại Áng, Thanh Trì)
Theo Trung tâm Thông tin năng lượng nguyên tử, so với nhà máy ĐHN thì nhà máy điện chạy than tạo ra chất thải nhiều nhất, gấp 5-10 lần tính trên một nhà máy. Nguyên nhân là trong than có các chất phóng xạ tự nhiên là tori, hai đồng vị uran có tuổi đời cao, các sản phẩm do chúng tạo ra khi phân rã (bao gồm radi độc hại về phóng xạ, radon và poloni) và đồng vị phóng xạ kali - kali 40 có tuổi đời cao. Khi đốt cháy than, chúng hoàn toàn thoát ra môi trường bên ngoài. Mặt khác, các chất phóng xạ có trong nhiên liệu hạt nhân và trong các chất được tạo ra khi lò phản ứng hoạt động được các lớp bảo vệ rất dày của nhà máy ĐHN ngăn chặn, chỉ có một phần rất ít khí phóng xạ ít độc hại có tuổi đời ngắn thoát ra môi trường.
Ngoài ra, phần lớn các hạt nhân phóng xạ tự nhiên có trong than được tích tụ lại trong bãi xỉ than của nhà máy nhiệt điện và thâm nhập vào cơ thể con người qua đường ăn uống khi bị nước xói mòn. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, trong một tấn tro của nhà máy nhiệt điện có đến 100gr chất phóng xạ. Ở nhà máy ĐHN không có sự phát tán như vậy vì công nghệ xử lý nhiên liệu hạt nhân nhiễm xạ lấy ra từ lò phản ứng không cho nó có tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài.
Nói chung, tác động của phóng xạ lên người dân của nhà máy nhiệt điện cao gấp 20 lần so với nhà máy ĐHN có cùng công suất, mặc dù trong cả hai trường hợp, mức độ ảnh hưởng này thấp hơn nhiều lần so với ảnh hưởng của phông phóng xạ tự nhiên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.