Xin quý báo cho biết, mưa axít có liên quan tới nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) hay không? Tại sao không thể đóng cửa nhà máy ĐHN và xây dựng nhiều nhà máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch? Đoàn Văn Quý (quận Hà Đông, Hà Nội)
Xin quý báo cho biết, mưa axít có liên quan tới nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) hay không? Tại sao không thể đóng cửa nhà máy ĐHN và xây dựng nhiều nhà máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch?
Đoàn Văn Quý (quận Hà Đông, Hà Nội)
Trả lời:
Nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, khí) được sử dụng trong các nhà máy nhiệt điện và trong các ngành công nghiệp khác có chứa 1,5-4,5% lưu huỳnh. Quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch phát thải ra ôxít lưu huỳnh vào khí quyển, tại đây chúng kết hợp với hơi nước để tạo thành dung dịch axít sulfuric yếu. Khi cùng mưa rơi xuống mặt đất, chất này gây thiệt hại lớn cho thực vật và cấu trúc đất, thay đổi thành phần của đất. Dưới những điều kiện nhất định, mưa axít có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước. Cũng cần hết sức lưu ý rằng, mưa axít đang gây tác hại không thể khắc phục được tới các di sản văn hóa nhân loại (phá hủy di tích lịch sử và tác phẩm điêu khắc).
Các chuyên gia ước tính, chỉ tính riêng một nhà máy nhiệt điện với công suất 1.000MW sử dụng than có hàm lượng lưu huỳnh khoảng 3,5%, dù đã sử dụng các chất tẩy rửa vẫn thải ra 140.000 tấn SO3 hằng năm và sản xuất khoảng 280.000 tấn axít sulfuric. Trong khi đó, các nhà máy ĐHN không gây mưa axít vì không sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Về câu hỏi "Tại sao không thể đóng cửa nhà máy ĐHN và xây dựng nhiều nhà máy nhiên liệu hóa thạch?" xin trả lời như sau: Lý do đầu tiên là để bảo vệ môi trường. Thông thường, nhà máy ĐHN ở chế độ hoạt động thường xuyên là nguồn điện ổn định và thân thiện với môi trường. Thứ hai, dầu và khí đốt dự trữ đang cạn kiệt trong khi nhu cầu sử dụng điện tăng mạnh, cối xay gió và các tấm pin năng lượng mặt trời không thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng (nhà máy điện mặt trời cung cấp 0,1%, nhà máy điện gió cung cấp 1,9% nhu cầu năng lượng). Thứ ba, vì lý do kinh tế, ngay từ thế kỷ XIX, nhà hóa học Mendeleev đã nhấn mạnh rằng đốt dầu cũng như đốt tiền giấy. Dầu và khí đốt tự nhiên là tài nguyên thiên nhiên có giá trị nhất và không thể thay thế trong các ngành công nghiệp hóa chất. Con người không thể sản xuất chất dẻo, sợi tổng hợp, sơn và vecni cũng như các sản phẩm khác mà không có chúng. Nhận định của nhà khoa học vĩ đại, tác giả của Bảng tuần hoàn hóa học rõ ràng rất đáng xem xét…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.