(HNMCT) - Lối sống tối giản từ vài năm nay đã bắt đầu du nhập vào Việt Nam, nhưng phần lớn mọi người vẫn cho rằng quan niệm tối giản chỉ ở khía cạnh vật chất.
Trong cuốn sách Nhà không rác ra mắt độc giả Việt Nam mới đây, tác giả Bea Johnson đã kể câu chuyện từ chính cuộc sống của mình để thấy rằng sống tối giản không chỉ là giảm thiểu vật chất mà còn để hướng tới một cuộc sống gần gũi với thiên nhiên, đầy trải nghiệm lý thú và những kỷ niệm khó quên.
Dường như khi con người càng giàu có về vật chất lại càng trở nên lệ thuộc và bị chính nó chi phối, từ việc sẽ phải dành một khoản chi phí cố định cho đến mất thời gian, không gian để duy trì và bảo vệ hệ thống vật chất ấy. Việc phải bỏ nhiều thời gian và công sức để xén cỏ trong khu vườn nhà, lau chùi các vật dụng mà cả tháng may ra mới dùng đến, sắp xếp đồ đạc lỉnh kỉnh trong kho... khiến Bea Johnson cảm thấy mệt mỏi, lãng phí và quyết định sống đơn giản hóa. Và khi bắt đầu đơn giản hóa lối sống, Bea Johnson và gia đình cũng bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của đơn giản hóa rác thải.
Rác thải theo quan niệm của tác giả không chỉ là những thứ rác sinh hoạt hằng ngày mà còn là những món đồ “bỏ thì thương vương thì tội”, những tặng phẩm không cần thiết, thư rác và các thói quen, hành vi không bền vững đối với môi trường.
Zero waste - lối sống xanh, sống không rác thải - mà Bea Johnson thực hiện đã được chứng minh qua rất nhiều người và những câu chuyện cụ thể, cho thấy đây không chỉ là một “cách sống”, mà thực sự mang lại những lợi ích về sức khỏe, thời gian, tiền bạc cho cá nhân và xã hội. Tại nhiều nước phát triển, lối sống không rác này khá phổ biến.
Cuốn sách Nhà không rác bên cạnh việc kể những trải nghiệm của tác giả thì còn mang đến vô số những hướng dẫn, lời khuyên để người đọc có thể bắt đầu thực hành sống xanh. Không ngồi tận hưởng mọi sự tiện lợi, hiện đại sẵn có, theo tác giả, “với lối sống không rác, cuộc sống của chúng ta đong đầy những trải nghiệm và kỷ niệm, thay vì chất đầy vật chất. Một món quà thông thường sẽ trở thành kỷ vật với ai đó hoặc sẽ là một trong những nguyên nhân dẫn đến đống bừa bộn trong nhà. Trong khi đó, nếu trải nghiệm trở thành quà tặng, sẽ không chỉ tốt hơn cho môi trường mà những kỷ niệm gắn liền với nó sẽ đọng lại lâu hơn nhiều”. Lối sống không rác hướng con người tới việc tận hưởng những niềm vui giản dị, tiêu thụ các thực phẩm sạch của địa phương, tham gia vào cộng đồng và đơn giản hóa cuộc sống để dành chỗ cho những điều thực sự có ý nghĩa.
Ngay từ khi ra đời cuốn Nhà không rác đã gây được ảnh hưởng đáng kể trên toàn thế giới và đã được dịch ra trên 20 thứ tiếng. Tại Việt Nam, cuốn sách Nhà không rác được sản xuất hoàn toàn bằng nguyên liệu tự nhiên thân thiện với môi trường như giấy kraft có thể tái chế, mực in gốc thực vật và không dùng nilon để cán bóng, phủ bìa sách. Nhà không rác do NXB Công thương và Thaihabooks liên kết xuất bản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.