(HNM) - Sau nhiều năm miệt mài cống hiến, PGS-TS Vũ Thị Thu Hà, Phó Viện trưởng Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ lọc, hóa dầu vừa vinh dự được nhận Giải thưởng Kovalevskaia dành cho những nhà khoa học nữ có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học tại Việt Nam năm 2011.
Thành công từ niềm đam mê
Sinh ra và lớn lên trên quê hương Kiến Xương (Thái Bình), ngay từ nhỏ cô bé Vũ Thị Thu Hà đã có ước mơ lớn lên sẽ trở thành nhà khoa học làm việc trong phòng thí nghiệm. Ước mơ đó đã trở thành động lực giúp cô thi đỗ và nhận tấm bằng tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm 1992, về công tác tại Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam. Đây cũng là cái nôi giúp Vũ Thị Thu Hà trưởng thành, có nhiều cống hiến cho ngành hóa học nước nhà.
PGS-TS Vũ Thị Thu Hà cùng đồng nghiệp làm việc tại phòng nghiên cứu. Ảnh: Nguyễn Á |
Trong suốt 20 năm công tác tại Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam, PGS-TS Vũ Thị Thu Hà đã chủ trì 19 đề tài và tham gia 12 đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp bộ và tập đoàn. Chị đã nghiên cứu thành công nhiều quy trình công nghệ như sản xuất nhiên liệu sinh học, dung môi sinh học, sorbitol, vật liệu xúc tác dị thể cấu trúc nano, tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường, phục vụ phát triển bền vững. Trong số này, quy trình công nghệ sản xuất nhiên liệu sinh học và sản xuất sorbitol đã chứng minh tính hiệu quả kinh tế, kỹ thuật cao và được ứng dụng nhiều trong đời sống.
Để có được những thành công ấy, PGS-TS Vũ Thị Thu Hà đã vượt qua nhiều khó khăn. Đó là khi chị đưa ra ý tưởng nghiên cứu về nhiên liệu sinh học bioetanol và biodiesel từ năm 1999. Lúc đó, hướng nghiên cứu này còn rất mới nên khi đưa ra xem xét đã không được chấp nhận. Tuy nhiên, chị đã không chùn bước và tiếp tục theo đuổi cho đến khi tầm quan trọng của vấn đề được đánh giá đúng mức.
Sau giai đoạn nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, việc đưa những kết quả nghiên cứu vào áp dụng thực tế tiếp tục là trở ngại. Cụm công trình nghiên cứu về công nghệ sản xuất sorbitol là một ví dụ. Sau nhiều năm nghiên cứu công nghệ này ở Việt Nam, kết hợp với những chuyến đi với tư cách cộng tác viên ngắn hạn tại Pháp, khi thì với cái bụng bầu 5 tháng, khi thì với con nhỏ mới 7 tháng tuổi, cuối cùng công trình đã được đưa vào ứng dụng thông qua dự án xây dựng nhà máy sản xuất sorbitol công suất 30.000 tấn/năm. Tiếp đến, dự án nhà máy sản xuất biodiesel công suất 30.000 tấn/năm và nhà máy sản xuất sorbitol từ tinh bột sắn công suất 20.000 tấn/năm đang được triển khai ở giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Điều này khẳng định ý nghĩa khoa học và thực tiễn rất lớn của các công trình nghiên cứu. Bên cạnh đó là quy trình công nghệ sản suất dung môi sinh học thay thế dần các dung môi dầu mỏ độc hại, ô nhiễm môi trường, mang tính mới, tính sáng tạo cao và rất độc đáo - PGS-TS Vũ Thị Thu Hà cho biết.
"Hậu phương" chính là gia đình
Được hỏi điều gì giúp nhà khoa học nữ thành công khi dấn thân vào lĩnh vực khoa học, PGS-TS Vũ Thị Thu Hà cho rằng: Đam mê là một trong những điều kiện tiên quyết dẫn đến thành công, không phải chỉ trong lĩnh vực khoa học và cũng không phân biệt nam, nữ. Sự khác nhau chủ yếu ở đây chỉ là đối với phụ nữ, thời gian và điều kiện dành cho nghiên cứu khoa học bị hạn chế vì phải dành nhiều thời gian cho gia đình. Tuy nhiên, nếu biết sắp xếp một cách khoa học quỹ thời gian và tìm được "khoảng cân bằng tối ưu" giữa gia đình và công việc thì con đường từ niềm say mê đến thành công có thể là hiện thực.
PGS-TS Vũ Thị Thu Hà cũng cho rằng, để có được thành công như hôm nay, chị cũng như nhiều nhà nữ khoa học khác may mắn có một "hậu phương" gia đình vững chắc. Mặc dù không làm nghiên cứu khoa học nhưng chồng chị luôn lắng nghe, cảm thông với công việc, động viên chị mọi lúc, mọi nơi. Nhiều khi chị bận việc, về quá muộn, anh chủ động nấu ăn và tính giờ để sao cho khi mấy mẹ con về thì mâm cơm đã sẵn sàng và mọi món ăn đều nóng hổi. Hai con chị cũng rất biết chia sẻ công việc với mẹ, nhiều khi chờ mẹ ở trường đến rất muộn mà chưa bao giờ kêu ca, phàn nàn. Ngoài giờ học, hai con chị chăm chỉ giúp mẹ việc nhà để mẹ có nhiều thời gian nghiên cứu hơn. "Ở nhà mình, mẹ luôn là số 1, bố chỉ là một dãy số 0, nhưng là những con số 0 đặt đằng sau số 1. Nhờ thế mà số 1 đó được nhân lên gấp hàng trăm, nghìn lần" - chị vui vẻ nói.
Với cương vị là Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về công nghệ lọc và hóa dầu, PGS-TS Vũ Thị Thu Hà luôn cổ vũ và động viên cán bộ khoa học trẻ, nhắc nhở họ phấn đấu vươn lên, tạo điều kiện cho họ đi học nâng cao trình độ. Đến nay, Phòng thí nghiệm trọng điểm có 3 nghiên cứu sinh đang làm luận án tiến sĩ tại Pháp, Đức và 5 nghiên cứu sinh tại Việt Nam. Cơ sở khoa học này được đánh giá là một trong ba phòng thí nghiệm trọng điểm hoạt động hiệu quả nhất trong số 19 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.