(HNM) - Trong hai ngày 23 và 24-4, Bộ VH-TT&DL đã tổ chức Hội thảo
(HNM) - Trong hai ngày 23 và 24-4, Bộ VH-TT&DL đã tổ chức Hội thảo "Các hình thức tài trợ cho nghệ thuật" trong khuôn khổ dự án "Đối thoại giữa các nhà hoạch định chính sách và quản lý văn hóa". Chúng tôi đã cuộc trao đổi với nhà hoạt động văn hóa Đan Mạch Olaf Gerlach Hansen, chuyên gia tư vấn Cơ quan hợp tác phát triển văn hóa quốc tế Đan Mạch về cơ chế hỗ trợ cho văn hóa nghệ thuật trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
- Trước bối cảnh toàn cầu hóa như vậy, các quốc gia đã có những chính sách hỗ trợ văn hóa nghệ thuật như thế nào để bảo tồn và phát huy bản sắc riêng ?
- Các chính sách quốc gia về hỗ trợ văn hóa nghệ thuật lần đầu tiên vào năm 2005 trên phương diện hợp tác quốc tế đã được công nhận là quyền của các quốc gia mà không bị xếp dưới bất kỳ các nghĩa vụ nào khác của quốc gia ví dụ như các nghĩa vụ về thương mại. Điều này được thực hiện trong Công ước của UNESCO năm 2005 về Bảo tồn và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa. Cho đến 30-3-2009 đã có 97 quốc gia phê chuẩn Công ước này, trong đó có Việt Nam và Đan Mạch. Đây là Công ước UNESCO được phê chuẩn nhanh nhất từ trước đến nay bởi một số lượng đông đảo các quốc gia trên thế giới. Công ước năm 2005 phản ánh cách thức các chính sách hỗ trợ văn hóa nghệ thuật ngày nay đã trở thành một công cụ quan trọng của cộng đồng quốc tế nhằm thiết lập sự cân bằng giữa văn hóa và thị trường, giữa quốc gia và toàn cầu, giữa kiểm soát và dân chủ.
Cho dù toàn cầu hóa đưa đến sự hội tụ của các mô hình hỗ trợ nghệ thuật, quá trình này cũng đưa đến các cách thức mới khác nhau trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc, nghệ thuật và văn hóa trên toàn thế giới.
Những điều mà có thể từ quan điểm toàn cầu được xem như các cách thức đối phó với các vấn đề chung trên hành tinh của chúng ta thì tại cấp độ quốc gia lại chính là một xung đột khó khăn giữa những mặt đối lập như: truyền thống và hiện đại; văn hóa và thị trường; địa phương và quốc gia, quốc gia và toàn cầu; kiểm soát chính trị và dân chủ. Mỗi cặp đối lập này có thể bùng nổ về mặt chính trị nếu như không được xử lý thận trọng. Nó cũng đưa đến câu hỏi về việc làm thế nào để quản lý việc hỗ trợ nghệ thuật và cách thức tổ chức các cơ quan trung gian ra sao.
- Ông có thể chỉ ra những mô hình chung mà các chính phủ đang áp dụng hiện nay đối với việc hỗ trợ văn hóa nghệ thuật ?
- Nhìn chung, có ba cách, cách một là thông qua các tiếp cận hành chính công thông thường như Bộ Văn hóa hoặc Bộ Văn hóa kết hợp với một số lĩnh vực khác như thanh niên và giáo dục. Trong một số trường hợp, hỗ trợ nghệ thuật có thể được chia ra ở nhiều bộ, ví dụ Bộ Giáo dục và Bộ Di sản văn hóa. Trong trường hợp nào thì hỗ trợ nghệ thuật cũng được cung cấp như một phần của ngân sách nhà nước hằng năm và là đối tượng quản lý và chịu các thủ tục, kiểm soát như tại các bộ khác. Tại châu Âu, đây được xem là cách tiếp cận của lục địa truyền thống (gồm Pháp, Áo - Hung, I-ta-li-a...). Hầu hết các nước trên thế giới ngày nay áp dụng một phần cách tiếp cận này.
Cách thứ hai là qua các quỹ độc lập và bán độc lập do chính phủ thành lập.
Các hội đồng nghệ thuật điển hình nằm trong hạng mục này. Ý tưởng là nhằm tách chính trị khỏi hỗ trợ nghệ thuật nhằm thu được những kết quả tốt hơn từ đông đảo các thành phần quan tâm đến nghệ thuật và sự tiếp nhận của công chúng với nghệ thuật. Tại châu Âu và châu Mỹ, nó được xem là cách tiếp cận Ăng-lo Xắc-xông điển hình (Anh, Ai-len, một phần ở Ca-na-đa và Hoa Kỳ). Nhưng trong vài thập kỷ qua, nó đã được áp dụng ở hầu hết các nơi trên thế giới, trong đó có EU không chỉ gồm Đông Âu, châu Á (ví dụ như Nhật Bản, Hồng Công, Hàn Quốc), châu Phi và Mỹ La tinh. Cách thứ ba là thông qua việc điều hành các tổ chức quản lý những chương trình nghệ thuật. Chính phủ cũng có thể làm theo cách khác và có sự kiểm soát chặt chẽ hơn với hỗ trợ nghệ thuật qua việc tự điều hành các chương trình nghệ thuật và các thiết chế thay vì cung cấp hỗ trợ nghệ thuật cho cá nhân, các cơ quan nghệ thuật hoặc các dự án nghệ thuật. Tại châu Âu, mô hình này được áp dụng ở Đông Âu vào năm 1989.
- Xin cảm ơn ông !
Nguyễn Thu Thủy (thực hiện)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.