(HNM) - Không đến mức dẫn dắt thị trường chứng khoán, song khối nhà đầu tư
Không chỉ riêng Việt Nam, ở nhiều quốc gia khác, khối "ngoại" cũng luôn được chú ý và săn sóc kỹ, vì dòng vốn của các nhà đầu tư "ngoại" không nhỏ, chưa kể đến khả năng dẫn dắt thị trường của họ. Trên thực tế, trước khi "đổ" tiền vào TTCK họ đều khá dè dặt và tìm hiểu rất kỹ về loại cổ phiếu định đầu tư, trong khi đó không ít nhà đầu tư "nội" chỉ chạy theo đám đông, mua theo trào lưu, nên quyết định của khối "ngoại" thường được đánh giá cao.
Tâm lý của giới đầu tư trong nước chịu tác động nhiều từ khối nhà đầu tư “ngoại”. |
Trong hai tháng đầu năm 2016, trên TTCK trong nước, thay vì xu hướng "mua ròng" (mua vào nhiều hơn bán ra) như nhiều thời điểm trước, nhà đầu tư nước ngoài đã chuyển sang "bán ròng" (bán ra nhiều hơn mua vào). Riêng trong tháng 1, nhà đầu tư "ngoại" bán hơn 1.200 tỷ đồng, trong khi tháng 2 chỉ "bán ròng" hơn 200 tỷ đồng. Mặc dù trong tuần đầu tháng 3, khối này chuyển sang "mua ròng", nhưng nguy cơ khối ngoại quay lại "bán ròng" vẫn đang đe dọa sự đi lên của thị trường. Thực tế là ngay sau những phiên đó, thị trường đã xuất hiện tình trạng nhà đầu tư "bán ròng". Chẳng hạn, như phiên ngày 9-3, trên sàn TP Hồ Chí Minh, khối "ngoại" đã "mua ròng" 149 nghìn cổ phiếu, nhưng xét về giá trị, đây vẫn là phiên "bán ròng" với giá trị bán là 48,73 tỷ đồng. Còn trên sàn Hà Nội, nhà đầu tư "ngoại" mua vào 860.200 cổ phiếu, bán ra 1,3 triệu cổ phiếu, tổng khối lượng giao dịch đạt 2,16 triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch đạt 33,72 tỷ đồng.
Theo ông Yun Hang Jin, chuyên gia cao cấp thuộc Công ty cổ phần Chứng khoán KIS, động thái của các nhà đầu tư "ngoại" đang chịu tác động của các thị trường mới nổi. Tâm lý lo ngại của giới đầu tư quốc tế trước khả năng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể sẽ tiếp tục làm cho đồng USD mạnh lên trong nửa đầu năm dẫn đến tâm lý rời bỏ các khối tài sản có rủi ro cao như TTCK. Dự đoán, FED sẽ tăng lãi suất cơ bản thêm 2 lần trong năm 2016 (vào tháng 6 và tháng 12 tới), với tổng cộng mức tăng thêm khoảng 50 điểm phần trăm. Nói về TTCK Việt Nam, ông Yun Hang Jin cho rằng, sau khi "bán ròng", quy mô dòng vốn chảy vào thị trường sẽ tăng nhẹ vào khoảng cuối quý II.
Với khối lượng giao dịch chiếm tỷ lệ cao, khối "ngoại" đang giữ vai trò quan trọng trên TTCK Việt Nam. Nhưng, không ít trong số họ đang trông chờ vào những bước đi của chính sách từ phía cơ quan chức năng, trong đó có việc nới lỏng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các công ty niêm yết, tiến trình phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của các doanh nghiệp (DN) nhà nước và định hướng thị trường trong thời gian tới.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) Nguyễn Thành Long: Việc bỏ giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với các công ty niêm yết là kết quả của tiến trình tự do hóa nền kinh tế, thực hiện các cam kết quốc tế theo các hiệp định thương mại quốc tế Việt Nam đã tham gia với yêu cầu dỡ bỏ các rào cản thương mại… Về tiến trình IPO các DN nhà nước, các ngành đang tiếp tục cải cách nhằm đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư nhà nước, như xem xét tăng tỷ lệ chào bán ra bên ngoài, tăng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài, thu hẹp danh mục nhà nước nắm giữ 100%. Giai đoạn 2016-2020, dự kiến khoảng 500 DN nhà nước sẽ tiếp tục cổ phần hóa. Nhờ đó, quy mô thoái vốn trong 2 năm qua đạt trên 9.000 tỷ đồng, các DN cổ phần hóa được niêm yết trên thị trường ngày càng minh bạch và đạt hiệu quả kinh doanh tốt hơn.
Về kế hoạch triển khai phát triển thị trường trung và dài hạn, ông Nguyễn Thành Long cũng chia sẻ, TTCK sẽ tái cấu trúc trên các trụ cột chính là cơ sở hàng hóa, nhà đầu tư, tổ chức kinh doanh chứng khoán... Trên thực tế, việc tái cấu trúc đã được thực hiện từ 2011 và đến nay đã đạt được một số mục tiêu cơ bản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.