Phiên giao dịch sáng 29-2, lực chốt lời tăng khiến phần lớn cổ phiếu giảm giá, đẩy chỉ số VN-Index giảm hơn 3 điểm.
Trên sàn thành phố Hồ Chí Minh, sau khi mở cửa, tiếp đà tăng mạnh hôm qua, nhà đầu tư vẫn đẩy mạnh mua vào giúp chỉ số VN-Index tiếp tục đi lên, có lúc tăng hơn 9 điểm, lên trên mức 1.260 điểm.
Ngay sau khi đạt mức cao trên, cùng với việc thị trường liên tục đi lên trong những phiên gần đây, nhà đầu tư bắt đầu hiện thực hóa lợi nhuận khiến chỉ số đại diện sàn thành phố Hồ Chí Minh về mức tham chiếu và hiện sắc đỏ.
Hết giờ giao dịch sáng, VN-Index giảm 3,41 điểm (-0,27%), dừng ở mức 1.251,14 điểm; VN30-Index về mức 1.262,14 điểm sau khi hạ 3,21 điểm (-0,25%).
Cổ phiếu giảm giá chiếm ưu thế với 281 mã đi xuống, 162 mã đi lên. Tại nhóm VN30, số mã giảm giá nhiều gấp hơn 2 lần số mã tăng giá (19 và 9 mã).
Lực cung gia tăng khiến phần lớn các ngành giảm điểm, như ngân hàng, bất động sản, hàng hóa và dịch vụ công nghiệp, viễn thông…Đi ngược thị trường là các ngành thực phẩm và đồ uống, du lịch và giải trí, bảo hiểm, dịch vụ bán lẻ, dịch vụ tài chính.
Ngành ngân hàng giảm điểm, song mã lớn nhất của ngành này cũng là lớn nhất thị trường - VCB tăng 0,72%, đóng góp gần 1 điểm, mức đóng góp tích cực nhất vào chỉ số VN-Index.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu bất động sản tác động mạnh đến sự đi xuống của thị trường khi 3 trụ cột của ngành này là VHM, VIC, VRE đều giảm giá, trong đó VHM lấy đi hơn 0,7 điểm từ chỉ số VN-Index.
Phiên này, cổ phiếu chứng khoán diễn biến khá tích cực với nhiều mã tăng giá như TCS, VDS, VCI, ORS, VND, đặc biệt SSI tăng 2,91%, là 1 trong 6 mã có đóng góp lớn trong việc giúp thị trường không giảm thêm.
Thanh khoản đạt hơn 14.600 tỷ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng. Khối này mua hơn 1.145 tỷ đồng và bán trên 1.334 tỷ đồng.
Trên sàn Hà Nội, đến giờ nghỉ trưa, HNX-Index tạm dừng ở mức 234,38 điểm, giảm 0,78 điểm (-0,33%); HNX30-Index hạ 2,58 (-0,51%). Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 1.200 tỷ đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.