(HNM) - Được phân đất làm nhà và sử dụng ổn định từ năm 1997 đến nay, song 12 hộ gia đình sống ở khu tập thể Đội xe 306, Công ty Vận tải ô tô số 3, xã Đại Mỗ (huyện Từ Liêm) vẫn không được cấp
Theo anh Vũ Tuấn Anh, một trong những hộ dân sinh sống tại tập thể Đội xe 306, năm 2003, UBND TP Hà Nội đã có văn bản số 1973/QĐ-UB yêu cầu "Công ty Vận tải ô tô số 3 trình UBND huyện Từ Liêm cấp GCN đối với 1.438m2 đất của 12 hộ gia đình cán bộ, công nhân viên trước ngày 30-6-2003". Nhưng cho đến nay, sau gần 10 năm UBND TP Hà Nội có văn bản chỉ đạo, công ty này chưa một lần trình văn bản tới UBND huyện Từ Liêm. Hệ quả là các hộ dân không được cấp "sổ đỏ"; muốn cải tạo, sửa chữa lại nhà đã hư hỏng, xuống cấp cũng không thể xin được giấy phép xây dựng nên đành phải vi phạm làm nhà không phép.
Trường hợp nhà anh Tuấn Anh chỉ là một trong 12.000 hộ gia đình trên địa bàn TP Hà Nội, thuộc diện tự quản. Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trong số 12.000 hộ này có nhiều dạng khác nhau, vốn là nhà đất thuộc quản lý của các cơ quan, xí nghiệp, nhưng sau này, khi thay đổi cơ chế, chưa có sự bàn giao quản lý cho cơ quan quản lý nhà của TP, hoặc thất lạc hồ sơ giấy tờ; hoặc cơ quan quản lý cũ đã giải thể, không còn tồn tại. Các dạng nhà này phần lớn thuộc các quận, huyện Hà Nội trước khi mở rộng. Trong đó, huyện Thanh Trì có nhiều nhất với 3.190 trường hợp, tiếp đó là Ba Đình 2.852 trường hợp, Hoàng Mai 1.988 trường hợp, Thanh Xuân 852 trường hợp... Không ít trường hợp đã mua bán, sang tên trên giấy viết tay; cơi nới, lấn chiếm, xây dựng… không phép.
Nếu người dân bức xúc vì không được cấp "sổ đỏ", giấy phép xây dựng thì chính quyền cũng gặp rất nhiều khó khăn trong quản lý. Phó Chủ tịch UBND xã Đại Mỗ cho biết: Chúng tôi biết người dân rất khổ sở, bức xúc vì không được cấp "sổ đỏ" nhưng nếu đơn vị (Công ty CP Vận tải ô tô số 3) không có ý kiến thì xã, huyện chịu không làm được. Chúng tôi cũng đã thúc giục rồi nhưng mãi không thấy hồi âm... Người dân muốn xin cấp phép xây dựng nhưng vì đất chưa có "sổ đỏ" nên không cấp phép được, trong khi nhu cầu sửa chữa, cải tạo nhà ở là có thực. Tại một hội nghị giao ban TTXD mới đây, có vị lãnh đạo quận than thở, biết là dân bức xúc vì không được cấp "sổ đỏ", quận cũng muốn cấp "sổ đỏ" cho người dân để còn quản lý nhưng nhà đất "không có gốc" thì không làm được. Không được cấp giấy phép xây dựng, trong khi nhu cầu làm nhà thì bức thiết, dẫn đến tình trạng nhiều người dân tiến hành làm nhà không phép, chính quyền càng khó quản lý. Cũng đã có ý kiến đề xuất coi dạng nhà này là nhà tư nhân và cấp giấy chứng nhận, song lại gặp khó khăn bởi không ít trường hợp vẫn còn cơ quan quản lý nhưng không chịu bàn giao. Về hướng giải quyết, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện Bộ Xây dựng đang trình dự thảo nghị định mới về quản lý nhà ở, trong đó có dạng nhà tự quản trên.
Theo dự thảo này, hướng giải quyết là đưa vào lập dự án mục tiêu nhà ở xã hội. Trường hợp nhà tư nhân sử dụng, nhỏ lẻ có thể xem xét bán lại rồi cấp giấy chứng nhận. Tuy nhiên, giá bán sẽ được tính toán cụ thể, chứ không áp dụng như nhà bán theo Nghị định 61/CP. Để tránh thiệt thòi cho người dân, trước mắt, khi nghị định mới chưa ban hành, Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản đề nghị các quận, huyện rà soát, phân loại dạng nhà tự quản, không còn cơ quan quản lý có thể xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng theo Nghị định 60/CP.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.