(HNM) - Dự án đường nối từ sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân đang chạy nước rút để sớm đưa vào sử dụng theo hạn định. Số hạng mục của dự án còn lại không nhiều nhưng việc thi công đang gặp vô vàn khó khăn do một số hộ dân cản trở thi công.
Làm đường, hư hỏng nhà dân
Trước kia, ngôi nhà cấp bốn là nơi ăn ở, sinh hoạt duy nhất của gia đình bà Nguyễn Thị Khiết, thôn Thái Phù, xã Mai Đình thì nay trở thành đống phế liệu hoang tàn. Một góc ngôi nhà bị đổ sập, xung quanh gạch, ngói, tre, gỗ ngổn ngang, các thành viên trong gia đình bà Khiết đi "sơ tán" cả, còn duy nhất cậu con trai ở lại trông đồ đạc. Tuy không đến mức phải đi "sơ tán" như gia đình bà Khiết nhưng gia đình ông Nguyễn Văn Thoát, thôn Thái Phù lại sống trong cảnh nơm nớp lo sợ. Căn nhà của ông Thoát bị rạn nứt toàn bộ, tường nhà, móng nhà lún sụt, mái ngói bị xô dịch vỡ tả tơi, mỗi khi trời mưa nền nhà sũng nước. Ông Thoát bức xúc: "Chẳng biết phương án thi công của nhà thầu thế nào mà đẩy hàng trăm hộ dân chúng tôi vào cảnh khốn đốn. Cuộc sống người dân đang yên ổn bỗng chốc bị đảo lộn, nhà cửa rạn nứt, lún sụt. Đã nhiều lần chúng tôi làm đơn kiến nghị, yêu cầu chủ đầu tư bồi thường thiệt hại do việc thi công gây ra nhưng đến nay chưa thấy cơ quan nào giải quyết".
Ngôi nhà của gia đình bà Nguyễn Thị Khiết (xã Mai Đình) bị đổ sập do ảnh hưởng trong quá trình thi công đường nối sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân. |
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Chủ tịch UBND xã Mai Đình Lê Đăng Minh, cho biết, tính đến ngày 3-11, địa phương đã tiếp nhận gần 250 kiến nghị xung quanh việc thi công đường nối từ sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân gây ảnh hưởng đến nhà cửa, vật kiến trúc của người dân. Qua khảo sát có khoảng 233 hộ có công trình kiến trúc bị ảnh hưởng, chủ yếu là nhà cấp bốn. Trong số 10 ngôi nhà bị lún, nứt thuộc diện đặc biệt nguy hiểm, có 2 ngôi bị sập đổ, chính quyền địa phương đã bố trí tạm cư cho các hộ này, những trường hợp khác cũng trong tình trạng bị hư hỏng, thấm dột.
Ông Minh cho biết thêm: "Vụ việc diễn biến phức tạp bởi số lượng kiến nghị của người dân tiếp tục tăng. Nếu đơn vị thi công không thực hiện ngay các chính sách hỗ trợ, bồi thường thì rất dễ nảy sinh các vấn đề liên quan đến an ninh trật tự trên địa bàn. Trước thực tế này, UBND xã đã cử một tổ khoảng 10 công an, dân phòng ra hiện trường thi công để ổn định trật tự nhưng tình hình rất căng. Việc thi công gây lún nứt nhà dân, việc chậm trễ giải quyết bồi thường, hỗ trợ là có thật, do đó, chính quyền cũng không thể áp dụng các biện pháp mạnh được".
Chưa bồi thường, chưa thể thi công
Theo Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) huyện Sóc Sơn, cung đường nối từ sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân có ý nghĩa đặc biệt đối với sự phát triển của Thủ đô, có vai trò như trục đối ngoại của đất nước nối cảng hàng không Nội Bài với trung tâm thành phố và gắn với tổng thể khu vực phía Bắc. Với ý nghĩa lớn như vậy, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các đơn vị giao thông và địa phương nhanh chóng bàn giao mặt bằng, tạo điều kiện để công trình hoàn thành đúng tiến độ. Theo dự kiến, công trình sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng đúng dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Tuy nhiên, do một vài vướng mắc, nên tiến độ giãn đến ngày 6-1-2015.
Ông Trần Đức Hiền, Trưởng ban Bồi thường GPMB huyện Sóc Sơn cho biết, mặc dù công tác GPMB vô cùng khó khăn nhưng huyện cũng đã bàn giao 100% mặt bằng sạch cho nhà thầu. Nguyên nhân người dân cản trở thi công là do quá trình nhà thầu thực hiện công đoạn lu nền gây lún nứt nhà dân mà chưa đưa ra phương án bồi thường nên người dân bức xúc. Hiện có gần 300 ngôi nhà của các hộ gia đình tại xã Mai Đình và Quang Tiến bị ảnh hưởng có đơn kiến nghị đòi bồi thường.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội, huyện Sóc Sơn đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại, tổ chức vận động, tuyên truyền để người dân hiểu và ủng hộ dự án. Huyện cũng đã cam kết với người dân và yêu cầu Ban Quản lý Dự án đường Nội Bài - Nhật Tân cam kết bồi thường cho các hộ bị ảnh hưởng theo quy định của pháp luật nhưng người dân vẫn lo ngại và có những hành vi gây cản trở. Để tránh xảy ra xung đột, nhà thầu phải tạm dừng thi công. Để tháo gỡ vướng mắc, UBND huyện Sóc Sơn đã yêu cầu Ban quản lý dự án chuyển một khoản tiền bồi thường, "đặt cọc" cho UBND xã Mai Đình để làm tin nhưng người dân vẫn lo ngại vì không biết mình được bồi thường, hỗ trợ bao nhiêu. Chính bởi chưa có sự đồng thuận nên dự án vẫn phải tạm dừng.
|
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, các hộ dân kiến nghị: Nghị định 180/CP ngày 7-12-2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị và Thông tư số 02/2014/TT-BXD ngày 12-2-2014 thì: Đơn vị thi công phải ngừng thi công và bồi thường thiệt hại cho người dân. Vì vậy, chúng tôi yêu cầu nhà đầu tư phải lập ngay phương án bồi thường tổn thất, chi tiết đến từng hộ dân. Giải quyết quyền lợi cho người dân xong, các đơn vị muốn làm gì thì làm!
Chiều 3-11, làm việc với Ban Điều hành dự án đường Nội Bài - Nhật Tân (thuộc Ban Quản lý dự án 85 - Bộ GTVT) đơn vị được giao đại diện quản lý gói thầu số 4 và 5 dự án đường nối từ sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân, ông Đinh Lê Thông, Giám đốc Ban Điều hành thừa nhận, quá trình thi công lu nền đã gây lún nứt, ảnh hưởng đến công trình kiến trúc của các hộ dân xã Quang Tiến và Mai Đình. Ông Thông cho biết, khoảng tháng 8-2014 sau khi nhận được kiến nghị của 215 hộ dân xã Mai Đình và 81 hộ dân xã Quang Tiến có công trình bị lún nứt, đơn vị đã mời cơ quan giám định tiến hành kiểm tra, đánh giá nguyên nhân, mức độ tổn thất, đồng thời đã ban hành cam kết chịu trách nhiệm khắc phục. "Đầu tháng 11-2014, Ban đã mời Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) xác định phạm vi ảnh hưởng của toàn khu vực do lu nền gây ra để xác định số hộ bị ảnh hưởng. Dự kiến đến 15-11 sẽ hoàn thành công tác giám định, sau đó chuyển sang thẩm định" - ông Thông cho biết.
Có thể thấy, việc khắc phục, xử lý những thiệt hại do quá trình thi công công trình đường Nội Bài - Nhật Tân của đơn vị quản lý dự án quá chậm trễ, phải mất gần 3 tháng, với quá nhiều đơn thư của người dân, cơ quan này mới mời đơn vị chức năng vào thẩm định mà chưa đưa ra được phương án bồi thường. Đây là lý do khiến người dân càng thêm bức xúc. Nếu Ban Quản lý dự án không tập trung quyết liệt, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành việc lập phương án đánh giá thiệt hại, bồi thường tổn thất cho người dân theo quy định của pháp luật thì dự án đường nối sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân khó có thể thông tuyến vào tháng 1-2015.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.