(HNM) - Giải Bóng đá AFF Suzuki Cup 2018 đang đi đến trận chung kết, song chuyện 2 doanh nghiệp khởi kiện
Vụ kiện một lần nữa minh chứng, vấn đề liên quan bản quyền, phát sóng độc quyền không còn là sự cạnh tranh giữa các đài truyền hình, mà còn là cuộc đối đầu giữa "nhà đài" với công ty truyền thông.
Lợi thế thuộc về đơn vị sở hữu bản quyền
Từ tháng 9-2018, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã thông báo có bản quyền Giải vô địch Bóng đá Đông Nam Á 2018 (AFF Suzuki Cup 2018), cung cấp toàn bộ giải đấu trên kênh truyền hình miễn phí (VTV5, VTV6). Đến ngày 4-10, Công ty cổ phần Giải pháp truyền hình thế hệ mới (Next Media) công bố đã mua bản quyền phát sóng giải đấu này trên toàn bộ nền tảng truyền hình trả tiền (gồm vệ tinh, cáp, IPTV, OTT, phát thanh, mạng internet, mạng di động và trình chiếu công cộng). Ngay sau đó, Next Media (đại diện đối tác cung cấp bản quyền phát sóng chính) cũng đã đạt thỏa thuận về bản quyền phát sóng giải đấu với các đơn vị, trong đó Tổng công ty Truyền hình Cáp Việt Nam (VTVCab) được phát sóng trên kênh VTVCab 16 - Bóng đá TV; Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC phát sóng trên kênh VTC3...
Vấn đề bản quyền Giải Bóng đá AFF Suzuki Cup 2018 lại nóng lên. |
Tuy nhiên, chỉ một ngày sau khi diễn ra giải đấu, Next Media đã phản ánh, VTVCab vi phạm về bản quyền vì không khóa kênh VTV6 trên hệ thống truyền hình trả tiền lúc phát sóng giải đấu và cho biết sẽ khởi kiện ra tòa. Đến ngày 28-11, thông qua đối tác, Next Media và đối tác là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Green Lotus thông báo đã làm thủ tục khởi kiện Tổng công ty Truyền hình Cáp Saigon Tourist (SCTV) vi phạm bản quyền Giải đấu AFF Suzuki Cup 2018 tại Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh.
Lý giải về việc khởi kiện "nhà đài" SCTV, ông Nguyễn Đăng Bình, luật sư, Giám đốc Công ty Luật Đăng Bình - đại diện quyền lợi cho Next Media và Green Lotus nêu rõ, việc khởi kiện này là bảo đảm quyền thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ, mà cụ thể là bản quyền phát sóng Giải Bóng đá AFF Suzuki Cup 2018. Cũng theo vị luật sư, cả hai doanh nghiệp cũng đã làm thủ tục khởi kiện VTVCab tại Tòa án nhân dân TP Hà Nội.
Quy định chưa rõ ràng
Vi phạm bản quyền giải bóng đá này đặt ra một số vấn đề. Thứ nhất, việc tranh chấp bản quyền có nguyên nhân từ sự không rõ ràng trong xác định giữa truyền hình trả tiền và truyền hình miễn phí. Theo quy định tại Nghị định số 06/2016/NĐ-CP (ngày 18-1-2016) của Chính phủ về việc quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình thì các kênh truyền hình quảng bá (miễn phí) gồm các kênh thiết yếu và các kênh chương trình trong nước khác.
Quy định này được hướng dẫn cụ thể theo Thông tư 18/2016/TT-BTTTT (ngày 28-6-2016) của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về danh mục kênh chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của quốc gia và của địa phương (gồm 70 kênh, trong đó có 7 kênh quốc gia). Các kênh này sẽ được phát sóng miễn phí trên kênh quảng bá. Còn với các kênh truyền hình trả tiền, theo quy định tại Thông tư 18/2016/TT-BTTTT thì các đơn vị truyền hình trả tiền có trách nhiệm cung cấp các kênh truyền hình thiết yếu. Thực tế, các doanh nghiệp truyền hình trả tiền đều áp dụng các mức cước thuê bao khác nhau với tất cả khách hàng đăng ký dùng truyền hình trả tiền.
Theo luật sư Nguyễn Đăng Bình, quy định này cũng đẩy các nhà cung cấp truyền hình trả tiền vào thế khó xử, vì nếu phát sóng có nguy cơ vi phạm bản quyền. Thực tế, về Giải đấu AFF Suzuki Cup 2018, các "nhà đài" truyền hình trả tiền như K+, HTVC, MyTV, Viettel TV đều tuân thủ quy định về bản quyền. Đến ngày 29-11, dù đã qua 3 vòng đấu bảng, K+ đạt thỏa thuận với Next Media để được sản xuất và bình luận trực tiếp các trận đấu giải kể từ vòng bán kết (từ ngày 1-12).
Thứ hai, một lần nữa, câu chuyện về bản quyền thể thao lại nóng, kể từ World Cup 2018. Phải đến sát giải đấu này, VTV dưới sự tài trợ của Viettel và Vingroup mới mua được bản quyền để phục vụ người hâm mộ. Tiếp đó, cuối tháng 8-2018 khi giải bóng đá với sự tham dự của đội tuyển U23 Việt Nam tại Giải ASIAD 18, khán giả cả nước đã phải bỏ lỡ một số trận đấu và chỉ đến khi VOV với sự hỗ trợ của một số nhà tài trợ mới mua được bản quyền.
Đáng chú ý, các giải bóng đá luôn thu hút đông đảo người xem, đặc biệt là những giải đấu có sự tham dự của đội tuyển bóng đá Việt Nam, do vậy cũng là dễ hiểu để có quảng cáo, doanh nghiệp phải trả số tiền cả tỷ đồng. Sở hữu bản quyền hấp dẫn, bản quyền “độc” sẽ đem lại doanh thu quảng cáo lớn cho "nhà đài" và cũng là “vũ khí” để các "nhà đài" cạnh tranh lẫn nhau. Tuy nhiên, bản quyền lại là thứ dường như chỉ tăng giá và đó cũng là nghịch lý với các đài truyền hình. Song, từ tháng 7-2018, một loạt nhà cung cấp lớn như mạng xã hội Facebook, nhà cung cấp nền tảng thương mại điện tử Amazon tuyên bố sở hữu phát sóng Giải Ngoại hạng Anh tại một số khu vực (trong đó có Việt Nam) đã cho thấy, việc cạnh tranh trong truyền hình trả tiền không chỉ ở các "nhà đài" trong nước, mà giờ đây còn là “cuộc chiến” với các doanh nghiệp cung cấp theo hình thức xuyên biên giới vào Việt Nam.
Câu chuyện Next Media - một công ty về truyền thông sở hữu bản quyền bóng đá trên nền tảng truyền hình trả tiền là một minh chứng rõ ràng. Vậy, chuyện này chỉ để cơ quan pháp luật xử lý, hay đã đến lúc cơ quan quản lý cần vào cuộc?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.