Hiếm có người phụ nữ nào ở độ tuổi ngoài 70 mà vẫn còn nhiều năng lượng làm việc như nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát. Có lẽ bởi cái nghiệp điện ảnh đã “buộc” vào bà gần 40 năm, cho bà biết bao "hỉ, nộ, ái, ố" như chính cuộc đời và số phận của các nhân vật trong “Canh bạc”, “Trăng trên đất khách”, “Cha tôi và hai người đàn bà” và mới nhất là “Hồng Hà nữ sĩ”... mà bà là tác giả kịch bản.
1. Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát sinh năm 1950 tại Hưng Yên. Vốn có năng khiếu và yêu thích văn chương, văn nghệ từ nhỏ, trong một lần đi học, tình cờ đọc được thông báo Trường Nghệ thuật Sân khấu tuyển diễn viên, cô bé 15 tuổi Hồng Ngát quyết định lên Hà Nội, tìm đến khu Mai Dịch để thi tuyển vào lớp diễn viên chèo. Ba năm sau, bà tốt nghiệp và về công tác tại Đoàn chèo Thanh niên của Nhà hát Chèo Việt Nam, chủ yếu đi biểu diễn tại các chiến trường miền Nam.
“Đó là những năm tháng tuổi trẻ sôi nổi và hết sức vô tư. Chúng tôi cứ thế mà cống hiến, không nghĩ ngợi bất cứ điều gì khác. Nhận được lệnh là lên đường. Tôi cũng thế, khi con đầu lòng mới được 8 tháng tuổi và vẫn đang bú mẹ, tôi phải gửi lại cho gia đình để theo đoàn vào chiến trường, vừa đi vừa chịu đựng những cơn đau nhức vì căng sữa vừa thương nhớ con. Nhưng biết làm sao được...” - bà kể.
Năm 1981, Nguyễn Thị Hồng Ngát được cử đi học ngành Biên kịch sân khấu tại Trường Đại học Điện ảnh quốc gia Liên bang Xô viết (VGIK). Tuy nhiên, vì VGIK là trường điện ảnh, không có ngành biên kịch sân khấu nên bà đã chính thức bén duyên với nghệ thuật thứ bảy từ thời điểm đó. Sau 6 năm học tập, Nguyễn Thị Hồng Ngát về nước công tác tại Hãng phim Truyện Việt Nam. Trong hơn 10 năm làm việc tại Hãng, lần lượt đảm nhiệm các công việc như Trưởng phòng Biên kịch, Trưởng xưởng phim Thanh thiếu nhi, Phó Giám đốc Nghệ thuật và năm 1999 trở thành Giám đốc Hãng phim, bà đã cho ra đời nhiều kịch bản được đánh giá là gai góc, kịch tính, nhưng không kém phần lãng mạn và giàu chất thơ, như “Canh bạc”, “Anh sẽ về”, “Dã tràng xe cát biển Đông”, “Cha tôi và hai người đàn bà”, “Trăng trên đất khách”...
2. Có thể thấy một “công thức” chung, nhất quán trong hầu hết các kịch bản phim của Nguyễn Thị Hồng Ngát, đó là bà luôn ca ngợi sức mạnh của tính nhân văn, lòng bao dung, đặc biệt là phẩm giá con người, dù có phải trải qua muôn vàn thử thách cũng không hề thay đổi.
Các nhân vật, đặc biệt là các nhân vật nữ trong kịch bản của Nguyễn Thị Hồng Ngát đều thuộc tầng lớp bình dân trong xã hội như sinh viên, chị công nhân, cựu nữ thanh niên xung phong, người đi lao động xuất khẩu... có tính cách mạnh mẽ, quyết đoán. Họ có thể xuất thân khác nhau và số phận khác nhau nhưng luôn có cách ứng xử rất đời, rất người. Họ truyền đi bức thông điệp mà người viết gửi gắm, rằng quý nhất trên đời là con người chứ không phải là những thứ vật chất hào nhoáng. Cô sinh viên Mai trong “Canh bạc” là cô gái tự tin, cá tính và quyết tâm làm giàu dù vẫn còn mang nét ngây thơ của tuổi trẻ. Sự trong sáng của cô đã cảm hóa được người đàn ông giang hồ.
Đâu đó trong “Trăng nơi đất khách” có những câu chuyện, nhân vật được góp nhặt, rút tỉa từ những số phận có thật ngoài đời mà tác giả đã gặp trong thời gian sống và học tập ở xứ người. Hai người đàn bà của cha trong “Cha tôi và hai người đàn bà” là biểu trưng cho sự bao dung, độ lượng của những người phụ nữ Việt Nam. Ngay cả kịch bản mới nhất của Nguyễn Thị Hồng Ngát - “Hồng Hà nữ sĩ”, cũng là kể về cuộc đời rất thật của nữ văn sĩ tài danh Đoàn Thị Điểm. Kịch bản với kết cấu chặt chẽ, nhiều nút thắt cao trào, chân thực và rất đời cho thấy rõ phong cách sáng tác nhất quán của Nguyễn Thị Hồng Ngát - một nhà biên kịch chuyên nghiệp có vốn sống cùng sự trải nghiệm và đặc biệt là không ưa sự hào nhoáng.
3. Năm 2000, khi chuyển sang làm Cục phó Cục Điện ảnh, dù bận rộn với công tác quản lý nhưng nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát vẫn say mê với công việc sáng tác. Bà đã viết kịch bản phim điện ảnh “Hà Nội 12 ngày đêm” (đồng biên kịch), “Ký ức Điện Biên” (đồng biên kịch), “Nhật ký chiến trường” (phim truyền hình), “Một thời đã sống” (phim truyền hình) cùng nhiều tập thơ, truyện, tiểu thuyết...
Năm 2006, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát bắt đầu về công tác ở Hội Điện ảnh Việt Nam và đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Thường trực. Bà đã viết kịch bản phim “Hoa đào”, “Nhìn ra biển cả”, “Gương trời” (phim video), "Biên cương" (phim video) và các phim tài liệu “550 năm Nghi Lộc - Đất và người”, “Đất nước nhìn từ biển”... Bên cạnh công việc sáng tác, bà còn đảm nhận vai trò nhà sản xuất. Bà là nhà sản xuất các phim: “Những đứa con của làng”, “Truyền thuyết về Quán Tiên”...
“36 năm làm việc trong ngành điện ảnh, tôi luôn săn sóc chu đáo hết lòng cho mỗi bộ phim mà mình phụ trách hoặc tham gia để đảm bảo chất lượng cao nhất trong khả năng có thể, tiếp đến là đồng hành với ê kíp... Mỗi phim xong giai đoạn quay, thường tôi phải ở nhà cả tuần cho hồi lại người rồi mới dám ra đường. Từ đầu năm 2023, tôi đồng hành với đoàn làm phim “Hồng Hà nữ sĩ”. Càng làm càng thấm thía công việc làm phim sao mà vất vả, khó nhọc. Nhưng tôi và nhiều đồng nghiệp khao khát làm một bộ phim thuần Việt nên dù mệt, dù nhọc cũng cố gắng” - bà tâm sự.
Yêu nghề, say nghề nên gặp nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát ngoài đời, không ai nghĩ bà đã bước sang tuổi 70 bởi sự dẻo dai, linh hoạt và tràn đầy nhiệt huyết, đam mê khi nói về điện ảnh. Bà luôn bận rộn mỗi ngày. Là biên kịch kiêm nhà sản xuất phim “Hồng Hà nữ sĩ”, ngay cả khi phim đã xong, bà vẫn tất bật ngược xuôi với hàng trăm việc hậu cần không tên. Đôi khi mệt, có hơi trách bản thân cái tội “ôm việc vào người”, nhưng khi khỏe hơn, đặc biệt là khi chứng kiến đứa con tinh thần được mọi người ủng hộ, bà lại vui và phấn khởi như có thêm năng lượng. Cứ thế, điện ảnh trở thành một phần máu thịt, là hy vọng, là nguồn sống của người phụ nữ tưởng chừng như rất mạnh mẽ ấy.
Nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát quê ở xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Một số sáng tác tiêu biểu của bà: “Trái cam vàng”, “Ngôi nhà sau cơn bão”, “Thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát”, “Cỏ thơm mây trắng”, “Những con sóng” (thơ); “Hai lần sống một mình” (tiểu thuyết); “Người muôn năm cũ” (tập truyện); “Canh bạc”, “Cha tôi và hai người đàn bà”, “Trăng trên đất khách”, “Hồng Hà nữ sĩ”, “Nhìn ra biển cả” (kịch bản phim truyện), “Gương trời” (kịch bản phim video), “Biên cương”, “550 năm Nghi Lộc - Đất và người” (kịch bản phim tài liệu), “Đất nước nhìn từ biển” (kịch bản phim tài liệu)...
Năm 2012, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật với cụm tác phẩm gồm 3 kịch bản: “Canh bạc”, “Cha tôi và hai người đàn bà”, “Trăng trên đất khách”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.