(HNMO) – Ra mắt vào ngày cuối cùng của năm 2015, cuốn sách “Gió đồng hun hút” của nhà báo Ngô Bá Lục vẫn tạo nên một sức “nóng” hiếm có trên cộng đồng mạng trong những ngày đầu năm mới 2016.
Nhà báo Ngô Bá Lục và tác phẩm văn học đầu tay "Gió đồng hun hút" |
Chọn ngày cuối cùng của năm 2015 để ra mắt sách “Gió đồng hun hút” nhà báo Ngô Bá Lục chia sẻ anh muốn chốt lại một năm bận rộn bằng hoạt động ý nghĩa để chia sẻ với bạn bè cũng như đóng góp một chút cho xã hội. Trong sự kiện ra mắt sách “Gió đồng hun hút”, một phần số tiền thu được sẽ được thành lập quỹ từ thiện “Gió đồng” để giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Tại buổi ra mắt sách và quỹ từ thiện, Công ty Hoa đất Hương Thủy cũng đã tặng tác giả 1 bức tranh bằng đất nung để đấu giá từ thiện. Bức tranh đã được một doanh nhân mua với giá 50 triệu đồng để ủng hộ Quỹ “Gió đồng”.
“Gió đồng hun hút” là cuốn sách đầu tay của nhà báo Ngô Bá Lục. Đây là tuyển tập những truyện ngắn, tản văn viết về ký ức tuổi thơ của tác giả với cảm xúc chân thành dễ chạm được vào trái tim của người đọc. Vì thế những câu chuyện tác giả viết đều rất sống động, chân thật và hồn nhiên và đậm chất quê, điều mà nhiều người đang muốn kiếm tìm trong cuộc sống bộn bề và hiện đại ngày nay.
Đầu năm mới 2016, cuốn sách "Gió đồng hun hút" vẫn được nhắc nhiều trên các phương tiện truyền thông và cộng đồng mạng |
Cuốn sách gồm những câu chuyện vụn vặt liên quan đến cuộc sống của một cậu bé những năm 80 của thể kỷ trước. Những kí ức êm đềm về tuổi thơ của một thời gian khó bên gia đình và người thân, cùng với khung cảnh làng quê yên bình luôn hiện hữu sống động.
Đó có thể là “Chuyện những đêm hè” với những hình ảnh đẹp như cổ tích của một làng quê thanh bình, mà ở nơi ấy, trăng sáng đến độ không cần đèn vẫn đọc sách được. Trẻ con thì nô đùa nhộn nhịp lối xóm, nam nữ thanh niên tụ tập ngồi đàn hát những bài quan họ tình tứ bên cạnh hồ sen ngát hương; Hay những chiều hè gió lộng, cánh đồng bao la bát ngát như bừng sáng bởi sắc màu của những con diều, và tiếng sao vi vút như những sợi tơ óng ả vắt ngang bầu trời mênh mông rộng lớn. Hay như tản văn Nhớ mùa chim ngói, Đi qua mùa nhớ, Những mùa Đông xa ngái... đều là những ký ức êm đềm, bình yên mà nhiều người từng trải qua.
Rất nhiều nghệ sĩ có mặt trong buổi ra mắt sách nhà báo Ngô Bá Lục (Ảnh: Nghệ sĩ Chiều Xuân và tác giả) |
Ngoài những cảm xúc mang nhiều hoài niệm về những ký ức đẹp của tuổi thơ bên gia đình và làng quê yên bình, “Gió đồng hun hút” còn có những truyện ngắn như “Một lần đi ở”, “Con bò vượt sóng đồng chiêm”, “Đi xem chiếu bóng”, “Người đàn bà yêu”, “Chuyện tình thời cửu vạn”... Đây là những câu chuyện có thật được tác giả kể bằng ngôn ngữ giản dị, mộc mạc, gần gũi, chân chất không màu mè, bay bướm.
Nhà báo Ngô Bá Lục là cây bút sắc xảo viết về văn hóa, nghệ thuật. Anh từng là thành viên các hội đồng nghệ thuật của các chương trình lớn như: “Bài hát Việt”, “Sao Mai”, “Bài hát Yêu thích”... cũng như tham gia nhiều cuộc thi, chương trình... với vai trò khách mời, cố vấn hoặc giám khảo. Trang facebook, fanpage của anh có lượng like và theo dõi lên tới hàng vạn, chẳng khác gì của giới showbiz. |
Xuyên suốt cả tập sách, người đọc có thể cảm nhận được tình cảm gắn bó của tác giả với vùng quê của mình, mà hiện hữu rõ nhất là câu chuyện về gia đình, về bố mẹ, về bạn bè, về con bò, con chó, con mèo, đàn gà... rồi cánh đồng, mùa gặt, đêm trăng... những thứ mà bất kỳ đứa trẻ con nông thôn thời bao cấp nào cũng trải qua và là những ký ức khó có thể quên trong đời. Bởi thế, “Gió đồng hun hút” nhân được sự đồng cảm của rất nhiều độc giả từng có thời thơ ấu giống tác giả, đặc biệt những người đã từng trải qua tuổi thơ ở những miền quê nghèo.
Ngay trong ngày đầu ra mắt, “Gió đồng hun hút” bán được 700 cuốn. Chủ nhà sách Hương Thủy chia sẻ, bà đã biết sách sẽ “hot” nên mạnh dạn xin cấp phép in 2.000 cuốn ngay trong lần đầu – điều hy hữu với sách văn học. Cho đến ngày đầu tiên của năm mới 2016, cuốn sách “Gió đồng hun hút” vẫn được nhắc đến nhiều trên cộng đồng mạng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.