(HNM) - Có một gia đình yên ấm, công việc thuận lợi… nhưng lúc nào người đàn ông ấy cũng đau đáu hướng về quê hương. Mỗi dịp về Việt Nam, anh tìm mọi cách đưa những nhà khoa học trẻ ra nước ngoài nâng cao trình độ. Anh là GS Nguyễn Văn Thuận, hiện đang công tác ở ĐH Konkuk (Hàn Quốc).
GS Nguyễn Văn Thuận và các sinh viên Hàn Quốc.
Tôi gặp GS Nguyễn Văn Thuận khi sang Hàn Quốc công tác hồi tháng 8-2011. Ấn tượng đầu tiên về nhà khoa học này là sự nhiệt thành với cả những người "chưa biết mặt" như tôi khi lần đầu đến xứ Kim chi. Dần dà, qua những câu chuyện với một số giáo sư, lãnh đạo của ĐH Konkuk (một trong những ĐH tư thục nổi tiếng nhất Hàn Quốc) có thể thấy anh rất được giới khoa học ở Hàn Quốc nể vì. GS Nguyễn Văn Thuận hiện là Chủ tịch điều hành Hiệp hội Công nghệ sinh học (CNSH) sinh sản Châu Á.
GS Nguyễn Văn Thuận ít kể về mình mà thường dành thời gian để nói việc làm sao để CNSH nước nhà phát triển, bắt kịp và sánh vai với các nền khoa học tiên tiến. Vì thế, những thông tin về anh, tôi chỉ biết khi trò chuyện cùng vợ anh - TS Bùi Hồng Thủy - hiện cũng đang nghiên cứu tại ĐH Konkuk. Sinh năm 1966 tại Huế, GS Nguyễn Văn Thuận có nhiều năm giảng dạy, nghiên cứu tại ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh. Năm 1996, ở tuổi 30, anh sang học thạc sĩ và nhận bằng tiến sĩ tại ĐH Kobe (Nhật Bản) năm 2002. Năm 2002-2007, anh làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Viện CNSH thuộc Viện Nghiên cứu Lý - Hóa (Riken). Đây là một trong những trung tâm CNSH hàng đầu của Nhật Bản và thế giới. Tại đây, GS Nguyễn Văn Thuận đã công bố hàng chục công trình trên các tạp chí nổi tiếng. Từ tháng 3-2007 đến nay, do muốn học thêm về kỹ thuật chuyển gen trên động vật, GS Nguyễn Văn Thuận sang giảng dạy tại ĐH Konkuk, nơi có khoa CNSH nổi tiếng nhất nhì tại Hàn Quốc.
Có uy tín trong giới sinh học sinh sản ở Châu Á và trên thế giới, điều này không dễ đối với một nhà nghiên cứu đến từ đất nước có nền CNSH còn lạc hậu như Việt Nam. Nhưng GS Nguyễn Văn Thuận là trường hợp đặc biệt. Trong thời gian thực hiện các nghiên cứu, luận án tiến sĩ tại Nhật Bản, giáo sư là nhà khoa học nước ngoài đầu tiên được Trung tâm CNSH thuộc Viện Riken mời vào làm việc từ tháng 4-2002. GS Nguyễn Văn Thuận là người Việt đầu tiên tạo thành công chuột vô tính (cloning) và tham gia nhiều công trình nghiên cứu về CNSH tại viện cùng với các nhà khoa học nổi tiếng của Nhật Bản, trong đó có Tiến sĩ Teruhiko Wakayama, người đầu tiên nghiên cứu thành công kỹ thuật sinh sản vô tính trên loài chuột. Đây là chuột vô tính cumulina, con vật thứ hai trên thế giới được nhân bản vô tính thành công vào tháng 10-1997, sau cừu Dolly.
GS Nguyễn Văn Thuận cho biết, một trong những công trình nghiên cứu tâm đắc là thông qua những phát hiện nguyên nhân gây nên sự sai sót trong quá trình biệt hóa tế bào của sinh sản vô tính, anh và các đồng nghiệp đã phát hiện ra một phương pháp chỉnh sửa những sai sót đó và kết quả là có thể nâng cao tỷ lệ sinh sản trong sinh sản vô tính lên trên 10% (trong một vài trường hợp có thể đạt được 25-29%), được tìm ra năm 2006. Trước đây, tỷ lệ thành công của nhân bản vô tính rất thấp, khoảng 0,1-2%, sau đó nâng lên 7-8%. Và quan trọng hơn là từ nghiên cứu này, nhóm của GS Nguyễn Văn Thuận có thể tạo được hệ vô tính từ những dòng chuột gốc mà thế giới hiện nay vẫn chưa tạo ra được.
Nhiều năm công tác tại Nhật Bản, Hàn Quốc, tham gia giảng dạy tại nhiều trường ĐH trong khu vực nhưng giáo sư vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. Được làm việc trong môi trường khoa học quốc tế, GS Nguyễn Văn Thuận luôn nghĩ về đất nước và tìm cách để phát triển nền CNSH sinh sản nước nhà. Tất cả những việc làm của giáo sư, từ việc hình thành Hiệp hội CNSH sinh sản Châu Á đến việc thường xuyên tổ chức các hội nghị khoa học tại Việt Nam, mục đích chính là thúc đẩy sự say mê nghiên cứu của các nhà khoa học trẻ về lĩnh vực này. Ngoài ra, mỗi dịp về nước, giáo sư lại tìm cách để giúp các nhà khoa học trẻ Việt Nam có được học bổng để sang nghiên cứu về CNSH ở Hàn Quốc và trước đây là Nhật Bản. "Nếu về Việt Nam chỉ để giảng dạy thì tôi nghĩ mỗi năm dành thời gian vài tuần cho sinh viên mà tôi vẫn tiếp tục được làm nghiên cứu thì tốt hơn và có ích hơn cho các sinh viên. Vì đối với nhà khoa học, môi trường nghiên cứu mới quan trọng, đứng ở bất cứ nơi nào trên trái đất này họ cũng có thể đóng góp cho đất nước nếu họ luôn nghĩ về đất nước" - GS Nguyễn Văn Thuận cho biết.
Những ngày áp Tết, GS Nguyễn Văn Thuận trở lại quê hương với nhiều ấp ủ. Gặp anh tại TP Hồ Chí Minh trong một ngày nắng nhẹ, giáo sư vui vẻ nói: "Dự kiến trong tương lai gần, khi các con vào ĐH, tôi sẽ trở về quê hương làm "con ong xây tổ" sau một thời gian dài tìm kiếm và tích lũy "mật ngọt" của thế giới trong chuyên môn của mình"…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.